Rối loạn dạng cơ thể là gì? Triệu chứng và cách điều trị

05/07/2024 11:22

Nếu bạn có người nhà, người thân được chẩn đoán mắc rối loạn dạng cơ thể hay đang tìm hiểu để biết thêm thông tin, đọc ngay các chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Rối loạn dạng cơ thể là một bệnh lý sức khỏe tâm thần, tuy nhiên rối loạn tâm thần này còn khá xa lạ với nhiều người. Nếu bạn có người nhà, người thân được chẩn đoán mắc rối loạn dạng cơ thể hay đang tìm hiểu để biết thêm thông tin, đọc ngay các chia sẻ trong bài viết dưới đây. 

RỐI LOẠN DẠNG CƠ THỂ LÀ GÌ?

Rối loạn dạng cơ thể là rối loạn tâm thần đa dạng biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng cơ thể. Các triệu chứng cơ thể này không có cơ sở thực tổn (không tìm thấy các tổn thương cơ thể thực sự) nhưng bệnh nhân bị rối loạn dạng cơ thể thường xuyên yêu cầu được khám bệnh, làm rất nhiều các xét nghiệm khác nhau để tìm bằng chứng được các tổn thương thực thể.”

Có thể lấy ví dụ, một người có thể bị khó chịu dai dẳng về cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau lưng, đau khớp,… hay kêu đau ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập và sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh liên tục tìm kiếm sự thăm khám lặp đi lặp lại tại các cơ sở y tế nhưng đều không tìm ra bệnh lý thực thể. 

Nhìn chung, những người có rối loạn dạng cơ thể và các rối loạn liên quan cực kỳ bận tâm và đau khổ bởi những lo lắng về sức khỏe và các triệu chứng thể chất. Do vậy có thể kèm theo các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như lo âu, trầm cảm.

TRIỆU CHỨNG RỐI LOẠN DẠNG CƠ THỂ

Các triệu chứng cụ thể của rối loạn dạng cơ thể khác nhau tùy theo tình trạng. Theo DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, Phiên bản thứ 5), các triệu chứng phổ biến của rối loạn dạng cơ thể bao gồm:

  • Có một hoặc nhiều triệu chứng cơ thể gây ra nhiều đau khổ và làm suy giảm chức năng hàng ngày.
  • Suy nghĩ hoặc lo lắng quá mức, dai dẳng và không cân xứng về các triệu chứng thể chất của bản thân và các vấn đề sức khỏe liên quan.
  • Dành quá nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để chẩn đoán hoặc điều trị các triệu chứng cơ thể.
  • Có các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng.

roi-loan-dang-co-the.png

Người bệnh thăm khám liên tục, thực hiện nhiều xét nghiệm nhưng không tìm ra được bệnh thực thể - Ảnh: Canva

CÁC LOẠI RỐI LOẠN  DẠNG CƠ THỂ

Trong DSM-5, các rối loạn dạng cơ thể bao gồm: rối loạn cơ thể hóa, rối loạn chuyển dạng, rối loạn đau, rối loạn dị dạng cơ thể và rối loạn nghi bệnh:

  • Rối loạn cơ thể hóa: Rối loạn cơ thể hóa  được đặc trưng bởi nhiều triệu chứng cơ thể kéo dài bắt đầu trước tuổi 30. Trước đây, nó được gọi là hội chứng Briquet (1962). 
  • Rối loạn chuyển dạng: Rối loạn chuyển dạng được chẩn đoán khi người bệnh có các triệu chứng thần kinh không thể tìm ra nguyên nhân thực tế. Ví dụ, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như: suy nhược hoặc tê liệt, chuyển động bất thường (như run, dáng đi không vững hoặc co giật), mất cảm giác hoặc tê, mất thính lực, động kinh,...
  • Rối loạn đau: Người bệnh luôn có cảm giác đau tại một hoặc nhiều vị trí trong cơ thể nhưng không tìm thấy bất kì tổn thương nào.
  • Rối loạn dị dạng cơ thể: Là rối loạn khi một người quá tập trung vào những gì họ coi là khuyết điểm lớn của bản thân, mặc dù người khác thấy bình thường. Ví dụ một người lo lắng quá nhiều về các khuyết điểm ngoại hình của mình, trong khi những khuyết điểm này thường rất nhỏ và người khác không thật sự chú ý đến nó.
  • Rối loạn nghi bệnh: Người bệnh bận tâm quá mức, luôn tự nghĩ rằng bản thân đang mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng như bệnh nan y không thể điều trị. Tuy nhiên, khi tiến hành thăm khám thì không nhận thấy các vấn đề nào ảnh hưởng đến sức khỏe.

NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN RỐI LOẠN DẠNG CƠ THỂ?

Không có nguyên nhân duy nhất gây nên rối loạn dạng cơ thể mà là sự kết hợp của yếu tố sinh học và yếu tố tâm lý xã hội: 

  • Tiền sử bệnh: Những người có tiền sử mắc bệnh nặng, đặc biệt là trong thời thơ ấu, có khả năng mắc chứng rối loạn dạng cơ thể cao hơn. 
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần đi kèm: Có ít nhất một bệnh tâm thần khác - chẳng hạn như lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất kích thích,... là yếu tố nguy cơ mắc chứng rối loạn dạng cơ thể.
  • Chấn thương thời thơ ấu: Những người từng bị lạm dụng thời thơ ấu, bao gồm lạm dụng tình dục cũng như bị bỏ rơi kéo dài có thể phát triển chứng rối loạn dạng cơ thể.
  • Các yếu tố về lối sống và môi trường: Các yếu tố môi trường khác, chẳng hạn như giai đoạn cực kỳ căng thẳng ở nhà hoặc nơi làm việc, làm tăng nguy cơ lo lắng về sức khỏe và các triệu chứng cơ thể. Các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể thường xuất hiện đột ngột sau một sự kiện đặc biệt căng thẳng.
  • Giới tính: Bất kỳ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn dạng cơ thể nhưng ở phụ nữ phổ biến hơn nam giới. 
  • Di truyền: Các nghiên cứu cho thấy rằng di truyền có thể đóng vai trò trong sự phát triển của các rối loạn dạng cơ thể. 

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN DẠNG CƠ THỂ

Để chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể cần sự kết hợp của bác sĩ chuyên khoa Tâm thần và các bác sĩ chuyên khoa khác (Tiêu hóa, Thần kinh, Tim mạch,...). 

Trên thực tế, nhiều người bệnh đã thăm khám chuyên khoa ở các bệnh viện khác nhau, thực hiện các xét nghiệm lặp đi lặp lại nhưng không tìm được nguyên nhân. Chỉ đến khi thăm khám chuyên khoa Tâm thần mới được chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể và được điều trị. 

Có thể thấy rối loạn dạng cơ thể thường được phát hiện chậm nên việc điều trị thường kéo dài, người bệnh cần phải kiên trì. 

Việc điều trị rối loạn dạng cơ thể có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau:

  • Tâm lý trị liệu thường là chủ đạo, ví dụ như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp thư giãn,... nhằm giải quyết các xung đột nội tâm hoặc giải tỏa căng thẳng, giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu cũng như lo âu. 
  • Sử dụng thuốc, ví dụ thuốc chống trầm cảm hoặc lo âu.

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp, các triệu chứng cơ thể dai dẳng sẽ gây ra ảnh hưởng đáng kể. Đặc biệt với trẻ bị rối loạn dạng cơ thể ảnh hưởng đến thời thơ ấu, học tập, tương tác bạn bè,... Ngược lại, rối loạn dạng cơ thể nếu được can thiệp đúng cách thường hồi phục tốt, trở lại với nhịp học tập và sinh hoạt bình thường.

Bất cứ khi nào quan sát người thân có các dấu hiện rối loạn dạng cơ thể hoặc nghi ngờ rối loạn dạng tâm thần khác, có thể thăm khám tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa chuyên môn cao sẵn sàng đồng hành cùng người bệnh, gia đình:

  • Địa chỉ: Số 11 i4, ngõ 37 Trần Kim Xuyến, Khu đô thị mới Yên Hòa, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Thời gian làm việc: Thứ 2 - Chủ nhật, 8h00 - 19h30
  • Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch khám trong thời gian sớm nhất!

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.verywellhealth.com/somatoform-disorders-6748181
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3146190/
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3146190/