Sa sút trí tuệ và những điều bạn cần biết

06/07/2024 00:15

Bài viết cung cấp cho bạn đọc các thông tin về sa sút trí tuệ là gì, những biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ, thăm khám, chẩn đoán, thực hiện các bài test sàng lọc đơn giản cũng như kế hoạch điều trị bệnh. Việc phát hiện và can thiệp giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Sa sút trí tuệ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người cao tuổi. Khoảng 5% - 8% những người trên 65 tuổi mắc một số dạng sa sút trí tuệ và con số này tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm trên độ tuổi đó. Vậy sa sút trí tuệ là gì? Nguyên nhân của sa sút trí tuệ? Chẩn đoán và điều trị như thế nào?... Nội dung bài viết dưới đây Phòng khám sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi này. 

SA SÚT TRÍ TUỆ LÀ GÌ? SA SÚT TRÍ TUỆ VÀ BỆNH ALZHEIMER

Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh cụ thể mà là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tư duy và xã hội. 

Sa sút trí tuệ thường liên quan đến mất trí nhớ. Nó thường là một trong những triệu chứng ban đầu của tình trạng này. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng mất trí nhớ, bao gồm bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Trong đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân cơ bản, phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ.

sa-sut-tri-tue-la-gi.jpg

Có đến 60 - 80% người sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzheimer - Ảnh: Freepik

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ MẮC SA SÚT TRÍ TUỆ

Các yếu tố rủi ro khiến người bệnh mắc chứng sa sút trí tuệ bao gồm:

  • Tuổi tác: Đây là yếu tố rủi ro cao nhất. Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ tăng lên khi bạn già đi. Hầu hết các trường hợp ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có cha mẹ ruột hoặc anh chị em mắc chứng mất trí nhớ, bạn có nhiều khả năng mắc chứng mất trí nhớ hơn.
  • Hội chứng Down: Nếu mắc hội chứng Down, bạn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khởi phát sớm ở tuổi trung niên.
  • Sức khỏe tim kém: Nếu bạn có mức cholesterol cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hoặc hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Những vấn đề sức khỏe này, cũng như bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến các mạch máu và khi các mạch máu bị tổn thương có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu và đột quỵ.
  • Chấn thương não: Nếu bị chấn thương não nghiêm trọng, bạn có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

TRIỆU CHỨNG SA SÚT TRÍ TUỆ

Các triệu chứng ban đầu của chứng sa sút trí tuệ bao gồm:

  • Quên các sự kiện hoặc thông tin gần đây.
  • Lặp đi lặp lại các suy nghĩ hoặc câu hỏi trong một khoảng thời gian rất ngắn.
  • Đặt sai vị trí các vật dụng thường được sử dụng hoặc đặt chúng ở những vị trí bất thường.
  • Không biết mùa, năm, tháng.
  • Mất phương hướng thời gian và địa điểm (có thể bị lạc ở những nơi quen thuộc như con đường về nhà, quên nơi họ ở và không biết làm thế nào để trở về nhà).
  • Gặp khó khăn trong việc tìm ra những từ thích hợp.
  • Trải qua một sự thay đổi trong tâm trạng, hành vi hoặc sở thích.

Các dấu hiệu cho thấy chứng sa sút trí tuệ trở nên trầm trọng hơn bao gồm:

  • Khả năng ghi nhớ và đưa ra quyết định của bạn ngày càng giảm sút.
  • Nói và tìm từ thích hợp trở nên khó khăn hơn.
  • Khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đánh răng, pha một tách cà phê, điều khiển TV, nấu ăn và thanh toán hóa đơn trở nên khó khăn hơn.
  • Gia tăng hoặc trầm trọng thêm tình trạng lo lắng, thất vọng, bối rối, kích động, nghi ngờ, buồn bã và/hoặc trầm cảm .
  • Cần được giúp đỡ nhiều hơn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như chải đầu, đi vệ sinh, tắm rửa và ăn uống.
  • Ảo giác (nhìn thấy người hoặc đồ vật không có ở đó).

trieu-chung-sa-sut-tri-tue.jpg

Người bệnh, người thân nên lưu ý các triệu chứng của sa sút trí tuệ để thăm khám và điều trị sớm - Ảnh: Freepik

CÁC BIẾN CHỨNG SA SÚT TRÍ TUỆ

Bộ não kiểm soát tất cả các chức năng của cơ thể. Khi chức năng não suy giảm, sức khỏe tổng thể cũng sẽ bị ảnh hướng. Nhiều bệnh tật và tình trạng có thể xảy ra do chứng sa sút trí tuệ: 

  • Mất nước và suy dinh dưỡng.
  • Bedsores (loét tỳ đè).
  • Chấn thương và gãy xương do ngã.
  • Đột quỵ.
  • Các cơn đau tim.
  • Suy thận.
  • Viêm phổi và viêm phổi hít.
  • Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu).

THĂM KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN SA SÚT TRÍ TUỆ

Việc thăm khám, chẩn đoán sa sút trí tuệ có thể khó khăn. Bởi nhiều bệnh và tình trạng có thể gây ra hoặc dẫn đến chứng mất trí nhớ. Bên cạnh đó, nhiều triệu chứng của tình trạng này cũng tương đồng với các bệnh lý khác. Do vậy, người bệnh sẽ được thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp, bao gồm:

Thăm khám lâm sàng:

  • Hỏi về các triệu chứng
  • Hỏi về lịch sử y tế 
  • Xem lại các loại thuốc hiện tại bạn đang sử dụng
  • Hỏi về tiền sử bệnh của gia đình, kể cả chứng sa sút trí tuệ.

Thực hiện bài kiểm tra ngắn trạng thái tâm trí:

Thang đánh giá tâm thần tối thiểu MMSE - Mini-Mental State Examination là trắc nghiệm đã được Folstein và cộng sự đề xướng, hiện rất thông dụng trong lâm sàng, đặc biệt để phát hiện sớm các trạng thái suy giảm nhận thức nhẹ và các trạng thái sa sút trí tuệ.

Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh:

  • Xét nghiệm: Các xét nghiệm được chỉ định giúp loại trừ các bệnh và tình trạng khác là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như nhiễm trùng, viêm, tuyến giáp hoạt động kém và thiếu vitamin (đặc biệt là B12).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI): đột quỵ, chảy máu, khối u và chất lỏng trên não.
  • Chụp PET

ĐIỂU TRỊ SA SÚT TRÍ TUỆ NHƯ THẾ NÀO?

Tất cả hoặc gần như tất cả các dạng sa sút trí tuệ đều có thể điều trị được, trong đó sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và một số biện pháp khác có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, hầu hết các loại sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi hoặc đảo ngược. Việc điều trị, sử dụng các loại thuốc hiện nay tập trung vào việc làm chậm quá trình suy giảm. Mục tiêu là để duy trì chất lượng cuộc sống của bạn và người thân.

Việc phát hiện và can thiệp giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Giai đoạn vàng của việc can thiệp điều trị chứng sa sút trí tuệ là ngay từ khi có suy giảm nhận thức nhẹ. Người bệnh được phát hiện, can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả tích cực, ngược lại tại giai đoạn nặng gần như sẽ không thu được hiệu quả.

Bên cạnh dùng thuốc điều trị suy giảm nhận thức và các rối loạn tâm thần kèm theo, người bệnh được hướng dẫn thực hiện các phương pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống, tập nhận thức và trí nhớ, liệu pháp hồi tưởng, tập thể dục và can thiệp giao tiếp,… sẽ giúp người bệnh có thể tăng cường khả năng sống độc lập, từ đó giảm gánh nặng cho người chăm sóc.

Gia đình cần cho người bệnh khám tại các cơ sở chuyên khoa, tiếp nhận điều trị và tái khám định kỳ để nâng cao hiệu quả điều trị tối đa. Tại Hà Nội, Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa chuyên sâu thăm khám các bệnh lý Tâm thần kinh, sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể tham khảo danh sách các bác sĩ tại Phòng khám để đặt lịch bác sĩ phù hợp. 

Liên hệ hotline: 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được tư vấn và đặt lịch khám với chuyên gia hàng đầu về Sức khỏe - Tâm thần tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa.

  • Địa chỉ: Số 11 i4, ngõ 37 Trần Kim Xuyến, khu Đô Thị Mới Yên Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Thời gian làm việc: Thứ 2 - Chủ nhật: 8h00 - 19h30

Nguồn tham khảo:

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9170-dementia
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dementia/symptoms-causes/syc-20352013
  3. https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/250-TRIAL-cac-phuong-phap-dieu-tri-va-cham-soc-benh-nhan-sa-sut-tri-tue+141-154.html