Sang chấn tâm lý là gì? biểu hiện? Cách để vượt qua
Tìm hiểu các thông tin xoay quanh sang chấn tâm lý là gì, biểu hiện của sang chấn tâm lý và lời khuyên cho việc điều trị, cách để vượt qua trong bài viết dưới đây.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Đại học Y Hà Nội
Sang chấn tâm lý có thể dẫn đến những tổn hại về cả sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất. Sang chấn tâm lý làm tăng nguy cơ mắc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, tự tử, rối loạn lo âu và lạm dụng chất kích thích,... vì vậy đây là một vấn đề sức khỏe tâm thần đáng quan tâm. Tìm hiểu các thông tin xoay quanh sang chấn tâm lý là gì, biểu hiện của sang chấn tâm lý và lời khuyên cho việc điều trị, cách để vượt qua trong bài viết dưới đây.
Sang chấn tâm lý có thể dẫn đến những tổn hại về cả sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất - Ảnh: Canva
SANG CHẤN TÂM LÝ LÀ GÌ? CÁC SỰ KIỆN GÂY SANG CHẤN TÂM LÝ
Sang chấn tâm lý là một trạng thái tâm lý cực đoan, thường xảy ra sau những sự kiện đau buồn, sốc tới bất ngờ. Các triệu chứng loạn thần đầu tiên phải xuất hiện trong vòng hai tuần sau một hay nhiều sự kiện được xem là sang chấn.
Các sự kiện có thể gây bệnh thường là những sang chấn tâm lý mạnh và cấp diễn như:
- Bị cưỡng hiếp hoặc bị lạm dụng tình dục kéo dài
- Bị tấn công, bạo lực
- Tai nạn xe hơi
- Tang tóc, mất đi người thân yêu
- Ly hôn, thất vọng trong cuộc sống lứa đôi
- Sự bỏ rơi của gia đình hoặc cha mẹ
- Mất việc
- Mất mát tài sản lớn
- Thảm họa thiên nhiên: bão, lũ lụt, sóng thần, động đất, lốc xoáy,... thảm họa như dịch bệnh, hỏa hoạn
- Ốm nặng
- Chứng kiến một tội ác, tai nạn hoặc cái chết
Bên cạnh đó, những sự kiện lặp đi, lặp lại nhiều lần gây căng thẳng tâm lý, ví dụ như những căng thẳng, mâu thuẫn trong cuộc sống, bất hòa vợ chồng,... cũng có khả năng dẫn đến sang chấn nếu một người phòng vệ và đối phó kém.
BIỂU HIỆN KHI SANG CHẤN TÂM LÝ
Đây là câu hỏi khó có lời giải chính xác vì phản ứng của mỗi người trước một sự kiện đau buồn là khác nhau. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến có thể xảy ra khi một người sang chấn tâm lý. Những triệu chứng này là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể trước một sự kiện đau thương, bao gồm triệu chứng về tâm lý và triệu chứng về cơ thể
Triệu chứng tâm lý
Những suy nghĩ và ký ức xâm nhập:
- Ký ức xâm nhập là những hình ảnh hoặc suy nghĩ luôn mắc kẹt, xuất hiện trong đầu, bản thân bạn không hề cố nghĩ đến điều đó nhưng không cách nào kiểm soát.
- Sau một sự kiện đau buồn, người ta thường trải qua một số suy nghĩ và ký ức xâm nhập về sự kiện đau buồn đó. Điều này đặc biệt có thể xảy ra khi bạn gặp phải điều gì đó khiến bạn nhớ đến sự kiện đau buồn (ví dụ: gặp một người, đi qua một địa điểm hoặc nhìn thấy một hình ảnh)
- Cảnh giác cao độ: Người bị sang chấn tâm lý có thể có cảm thấy cảnh giác hơn với mọi thứ xung quanh. Đây là một triệu chứng có tính bảo vệ cao vì cơ thể đang cố gắng giữ an toàn cho bạn bằng cách khiến bạn nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa và nguy hiểm tiềm ẩn. Cơ chế an toàn tự nhiên này sẽ trở nên nhạy cảm hơn sau một sự kiện đau thương.
- Tăng nhạy cảm quá độ: Bên cạnh việc cảnh giác hơn, bạn cũng có thể sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn sau một sự kiện đau thương. Đây cũng là một phần của hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Nỗi sợ hãi và lo lắng cho chúng ta biết rằng có một loại nguy hiểm nào đó đang hiện diện và tất cả những cảm giác cơ thể đi kèm với nỗi sợ hãi và lo lắng về cơ bản được thiết kế để giúp chúng ta ứng phó với mối nguy hiểm đó. Sau một sự kiện đau buồn, hệ thống báo động của cơ thể sẽ nhạy cảm hơn trong nỗ lực bảo vệ bạn khỏi những sự kiện đau buồn trong tương lai.
- Cảm thấy không an toàn: Sau một sự kiện đau buồn, những giả định của mọi người về thế giới là một nơi an toàn đã tan vỡ. Do đó, mọi người có thể cảm thấy như thể bất kỳ tình huống hoặc địa điểm nào đều có khả năng hoặc tiềm ẩn nguy hiểm. Những địa điểm hoặc tình huống mà bạn từng cảm thấy an toàn giờ đây có thể khiến bạn cảm thấy bị đe dọa. Điều này đặc biệt có thể xảy ra ở những tình huống hoặc địa điểm khiến bạn nhớ lại sự kiện đau buồn mình gặp phải.
Triệu chứng cơ thể
Bên cạnh các triệu chứng về tâm lý, sang chấn tâm lý còn có thể dẫn đến các triệu chứng cơ thể, bao gồm:
- Tăng nhịp tim
- Đau nhức cơ thể
- Căng cơ
- Cảm giác khó chịu
- Dễ giật mình
- Ác mộng
- Khó ngủ
- Mệt mỏi
- Rối loạn chức năng tình dục như rối loạn cương dương hoặc khó đạt cực khoái,...
- Thay đổi khẩu vị
- Tỉnh táo quá mức
Mặc dù, sang chấn tâm lý có thể là một phản ứng bình thường trước một tình huống đau buồn nhưng nhiều trường hợp phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, chuyên gia tâm lý.
Một số người bệnh sẽ được điều trị để giảm bớt các triệu chứng, hỗ trợ đối phó và thúc đẩy người bệnh tiến về phía trước. Ngoài ra, nếu không có sự trợ giúp của chuyên gia, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn và đe dọa tính mạng, có hành vi tự sát.
ĐIỀU TRỊ SANG CHẤN TÂM LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng người bệnh đang gặp phải do sang chấn tâm lý. Các phương pháp điều trị có thể là trị liệu tâm lý, dùng thuốc, tự chăm sóc hoặc kết hợp các phương pháp này.
Phương pháp trị liệu tâm lý thường được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Các chuyên gia trị liệu sẽ giúp mọi người đánh giá những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến sang chấn và thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ thực tế hơn.
Nhìn chung các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc giúp mọi người hòa nhập phản ứng cảm xúc của mình với sang chấn cũng như giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần dẫn đến như lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn stress sau sang chấn.
Phương pháp trị liệu tâm lý thường được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) - Ảnh: Canva
CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI SỰ KIỆN ĐAU BUỒN/SANG CHẤN TÂM LÝ
Sau khi trải qua một sự kiện đau buồn, bạn có thể áp dụng các chiến lược đối phó lành mạnh dưới đây và nên tránh việc né tránh bằng cách sử dụng rượu bia hoặc ma túy.
- Xác thực/Công nhận cảm xúc của bản thân: Bạn không cần phải ép mình nói chuyện với người khác về cảm giác của mình; tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không cố gắng xua đuổi, chối bỏ cảm xúc của mình.
- Tìm nhóm hỗ trợ nơi bạn có thể nói chuyện với những người khác đã trải qua những trải nghiệm tương tự.
- Hãy cho bản thân thời gian để giải quyết những gì bạn đang cảm thấy. Đừng mong đợi những cảm giác này sẽ biến mất chỉ sau một đêm. Trong lúc chờ đợi, hãy thoải mái với chính mình
- Hãy chăm sóc cơ thể: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp việc nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động thể chất.
- Dành thời gian với bạn bè và gia đình: Mặc dù bạn có thể cảm thấy muốn ở một mình nhưng việc cô lập bản thân có thể khiến việc đối phó với ảnh hưởng của sang chấn trở nên khó khăn hơn. Hãy cho phép bản thân dựa vào những người quan tâm, những người thực sự muốn giúp đỡ bạn.
- Thiết lập một thói quen hoặc lịch trình: Những sự kiện đau buồn có thể làm gián đoạn cuộc sống, khiến một người cảm thấy cuộc sống của mình mất kiểm soát và không thể đoán trước được. Một lịch trình cố định thường xuyên có thể mang lại trật tự và khả năng dự đoán nhất định cho cuộc sống của bạn. Mặc dù việc tuân thủ một thói quen sẽ không làm mất đi nỗi lo lắng liên quan đến sự kiện đau thương nhưng nó có thể giúp giải quyết những nguyên nhân gây lo lắng khác trong cuộc sống.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về sang chấn tâm lý. Bất kỳ ai gặp phải các biểu hiện của sang chấn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ Tâm thần, Chuyên gia Tâm lý. Người bệnh sang chấn tâm lý nếu không được điều trị sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm, tự tử,... Liên hệ ngay phòng khám theo hotline: 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để hỗ trợ người thân quay lại cuộc sống bình thường:
- Địa chỉ: Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa - Số 11 i4, ngõ 37 Trần Kim Xuyến, khu Đô Thị Mới Yên Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 - Chủ nhật: 8h00 - 19h30
Nguồn tham khảo: