Trẻ bị sang chấn tâm lý, hậu quả của nạn bạo hành

07/07/2024 18:05

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ về cả thể chất và tinh thần dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm tàng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ.

  Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E

     Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm tàng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Điều đau đớn là có những hành động bạo hành trẻ em đến từ chính cha mẹ, người trông nom trẻ, thậm chí trẻ có thể bị bạo hành bởi những đứa trẻ khác.

HẬU QUẢ CỦA NẠN BẠO HÀNH

      Sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ để lại những tác động, hậu quả lâu dài lên mọi mặt như thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần đối với trẻ.

      Bạo hành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ hoặc nguy hại hơn, khiến trẻ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Bạo hành cũng làm trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường, như trẻ còi cọc, chậm lớn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nước da tái, môi nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn bạc nhược hoặc hung dữ.

6497598.jpg

Bạo hành trẻ em để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý - Ảnh Internet

      Theo Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí - TW Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bạo hành trẻ em không chỉ là những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục… đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt. Khi bị bạo hành thường xuyên sẽ khiến trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử.

      Có hai kiểu phản ứng ở trẻ thường xảy ra khi bị bạo hành. Nếu biểu hiện ra bên ngoài, trẻ có thể thay đổi tính nết. Phản ứng kiểu thứ nhất là trẻ đang hiền lành bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí có hành vi hung tính như đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Kiểu thứ hai là trẻ thu mình lại. Cụ thể là trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt. Mức độ trầm trọng hơn là trẻ bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác.

      Điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Vì thế, trẻ dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài. Có những trẻ biểu hiện lúc nhỏ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình. Thậm chí trẻ trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

      TÓM LẠI

       Sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ là một vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, trẻ cần được thăm khám và trị liệu tâm lý cũng như có những hình thức hỗ trợ kịp thời. 
 

thebank_langngheconnhieuhon_1594715512.jpg

Cha mẹ cần có sự quan tâm và hạn chế ngôn ngữ tiêu cực khi nói chuyện với con - Ảnh: Internet

      Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình lâu dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám và tư vấn bởi các chuyên gia. Tuyệt đối không dùng bạo lực để nuôi dạy con cái. Cha mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc và được tập huấn kỹ năng kỷ luật tích cực.

       Cộng đồng xã hội và các đoàn thể cần chung tay để có các chương trình xã hội ngăn ngừa bạo hành đối với trẻ em.