Rối loạn thần kinh thực vật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống
Hệ thống thần kinh thực vật luôn hoạt động, ngay cả khi bạn đang ngủ. Đây chìa khóa quan trọng duy trì hoạt động cơ thể bên cạnh các yếu tố khác.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hệ thống thần kinh thực vật là một mạng lưới các dây thần kinh khắp cơ thể có vai trò giúp điều hòa tim mạch, huyết áp, nhịp tim, điều hòa hệ tiêu hóa, thần kinh, niệu dục, thân nhiệt,...
Hệ thống thần kinh thực vật luôn hoạt động, ngay cả khi bạn đang ngủ. Đây chìa khóa quan trọng duy trì hoạt động cơ thể bên cạnh các yếu tố khác.
VAI TRÒ CỦA HỆ THẦN KINH THỰC VẬT
Hệ thống thần kinh thực vật được chia thành ba bộ phận, mỗi bộ phận đóng vai trò quan trọng duy trì sự sống của con người:
- Hệ thần kinh giao cảm: kích hoạt các quá trình của cơ thể trong những lúc cần thiết như căng thẳng hoặc nguy hiểm. Hệ thống này chịu trách nhiệm về phản ứng “fight-or-flight” (chiến đấu hoặc bỏ chạy) của cơ thể.
- Hệ thần kinh phó giao cảm: bộ phận này hoạt động ngược lại với hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống này chịu trách nhiệm về quá trình “nghỉ ngơi và tiêu hóa” của cơ thể.
- Hệ thống thần kinh ruột: kiểm soát quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể.
- Hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm thường được cho có vai trò trái ngược nhau, song trong toàn hệ thống, hai bộ phận này hỗ trợ nhau và duy trì sự cân bằng cho cơ thể.
Chóng mặt, tụt huyết áp là dấu hiệu phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh: Sưu tầm
RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT LÀ GÌ?
Theo Bệnh viện 108, Rối loạn thần kinh thực vật (ANS - autonomic nervous system disorders) là một dạng rối loạn có ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa... Bệnh xuất hiện khi hệ thống giao cảm và phó giao cảm bị mất cân bằng. Rối loạn thần kinh thực vật tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh.
Tiểu đường và bệnh Parkinson là hai ví dụ về các bệnh mãn tính có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật.
Nguyên nhân của bệnh rối loạn thần kinh thực vật
Các loại bệnh mãn tính hay tình trạng sức khỏe kém là những nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn thần kinh thực vật. Mặt khác, bệnh khởi phát cũng có thể do tác dụng của việc điều trị ung thư. Nhìn chung, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật ở một người bao gồm:
- Bệnh tiểu đường: một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thần kinh tự chủ, đặc biệt xuất hiện nhiều ở đối tượng kiểm soát bệnh tình kém. Bệnh tiểu đường có nguy cơ gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể theo thời gian.
- Bệnh thận bột hay thoái hóa tinh bột: gây tích tụ protein bất thường trong các cơ quan như thận, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác và hệ thần kinh.
- Bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công và gây tổn thương các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh, điển hình có hội chứng Sjogren, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và bệnh celiac. Hội chứng Guillain-Barre là một bệnh tự miễn xảy ra nhanh chóng và có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thực vậtị.
- Rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể do sự tấn công của hệ thống miễn dịch do một số bệnh ung thư gây ra (hội chứng cận ung thư).
- Một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc dùng trong điều trị ung thư (hóa trị).
- Một số loại vi-rút và vi khuẩn, chẳng hạn như vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và những vi-rút gây ngộ độc và bệnh Lyme.
- Một số rối loạn di truyền cũng có thể gây ra bệnh thần kinh thực vật.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH THẦN KINH THỰC VẬT
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật phụ thuộc vào dây thần kinh nào bị tổn thương. Những triệu chứng điển hình nhất bao gồm:
- Chóng mặt, ngất xỉu khi đứng do huyết áp tụt đột ngột.
- Các vấn đề về tiết niệu như khó bắt đầu đi tiểu, mất kiểm soát bàng quang, khó cảm nhận bàng quang đầy và không có khả năng làm trống bàng quang hoàn toàn. Không thể làm trống hoàn toàn bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Gặp phải các vấn đề về tình dục như rối loạn chức năng cương dương hoặc các vấn đề về xuất tinh. Ở phụ nữ, triệu chứng có thể thấy là khô âm đạo, ham muốn tình dục thấp và khó đạt cực khoái.
- Khó tiêu hóa thức ăn, cảm thấy no dù ăn ít, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ chua. Những vấn đề này đều là do sự thay đổi trong chức năng tiêu hóa.
- Không có khả năng nhận biết lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) vì không có các tín hiệu cảnh báo, chẳng hạn như run rẩy.
- Vấn đề về mồ hôi, chẳng hạn như đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít. Những vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
- Phản ứng đồng tử chậm chạp, khó điều chỉnh từ sáng sang tối và khó nhìn rõ khi lái xe vào ban đêm.
- Không có khả năng hoạt động mạnh như tập luyện thể thao vì nhịp tim không thể tự điều chỉnh theo mức độ vận động.
Chóng mặt, tụt huyết áp là dấu hiệu phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh: Sưu tầm
CÁC DẠ NG RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT
Các bác sĩ tại Trung tâm Dysautonomia của Đại học New York đã có nhiều năm nghiên cứu, nhận biết và phân loại các dạng rối loạn thần kinh thực vật. Theo đó, các dạng rối loạn phổ biến bao gồm:
Hạ huyết áp thế đứng
Hạ huyết áp thế đứng là tình trạng lượng máu trong não giảm đột ngột, xảy ra khi một người đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Tình trạng này thường khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng. Đôi khi, hạ huyết áp thế đứng có thể khiến người bệnh ngất xỉu.
Các triệu chứng khác của hạ huyết áp thế đứng bao gồm:
- Mệt mỏi, đặc biệt khi gắng sức
- Các vấn đề về thị lực
- Đau nhức sau gáy và vai hoặc khó thở
Hạ huyết áp thế đứng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Những người mắc phải loại rối loạn thần kinh thực vật dạng này có nguy cơ bị gãy xương do té đột ngột, đột quỵ do lượng máu cung cấp lên não giảm hoặc các bệnh về tim mạch như đau ngực hoặc suy tim.
Hạ huyết á p sau bữa ăn
Hạ huyết áp sau bữa ăn là tình trạng huyết áp giảm đột ngột sau khi ăn no do huyết áp thay đổi trong khi bạn đang tiêu hóa thức ăn. Các triệu chứng bao gồm chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu khoảng 15 đến 90 phút sau khi ăn. Tình trạng này thường gặp ở người lớn trên 60 tuổi và những người mắc các chứng rối loạn khác của hệ thần kinh thực vật.
Hạ huyết áp sau bữa ăn là một dạng rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh: Sưu tầm
Teo đa hệ thống
Teo đa hệ thống là một dạng rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp, thường ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 50, có tốc độ tiến triển nhanh chóng trong vòng 5 đến 10 năm. Có hai dạng teo đa hệ thống khác nhau:
- Teo đa hệ thống với hội chứng Parkinson chiếm ưu thế: có các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson, chẳng hạn như di chuyển chậm, cứng khớp, run và các vấn đề về thăng bằng và phối hợp.
- Teo đa hệ thống với triệu chứng tiểu não chiếm ưu thế: bị mất khả năng phối hợp, khó nuốt, khó nói hoặc giọng nói run rẩy và cử động mắt bất thường.
- Teo đa hệ thống với triệu chứng tiểu não có xu hướng tiến triển nhanh hơn bệnh Parkinson. Nhiều người cần đến sự trợ giúp để đi lại, chẳng hạn như gậy, xe tập đi hoặc xe lăn chỉ trong vòng vài năm kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh.
Suy giảm phản xạ áp lực
Suy giảm phản xạ áp lực hướng tâm là một rối loạn thần kinh thực vật gây ra sự tăng giảm huyết áp thất thường do các dây thần kinh cảm nhận huyết áp truyền thông tin đến não bị suy giảm. Kết quả là huyết áp thay đổi giữa mức quá cao và quá thấp. Các triệu chứng điển hình của dạng rối loạn này bao gồm chóng mặt và ngất xỉu, nhức đầu, đổ mồ hôi và đỏ bừng da.
Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh cảm nhận huyết áp ở cổ bị tổn thương sau khi điều trị ung thư, phẫu thuật hoặc xạ trị. Nó có thể xảy ra ở những người bị đột quỵ ảnh hưởng đến các vùng não nơi truyền thông tin về huyết áp. Nó cũng có thể là kết quả của các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của dây thần kinh cảm nhận huyết áp.
PHÒNG NGỪA RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT NHƯ THẾ NÀO?
Rối loạn thần kinh thực vật không thể phòng ngừa bằng các biện pháp thông thường. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm chậm quá trình khởi phát các triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh bằng một lối sống, sinh hoạt khoa học, đồng thời kiểm tra tình trạng sức khỏe định kỳ thường xuyên.
Những gợi ý về lối sống khoa học giúp cải thiện sức khỏe, đồng thời kiểm soát rối loạn thần kinh thực vật cách tốt nhất, bao gồm:
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Tránh uống rượu và hút thuốc.
- Điều trị bệnh tự miễn bằng các phương pháp phù hợp.
- Kiểm soát huyết áp bằng các thiết bị chuyên dụng
- Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Luyện tập thể dục đều đặn.
Nên ý thức việc chăm sóc sức khỏe và vận động thường xuyên để phòng tránh nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật. Trong trường hợp cơ thể có các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị bằng các phương pháp thích hợp.
Nguồn tham khảo:
https://nyulangone.org/conditions/autonomic-disorders/types
https://diag.vn/en/thongtinyte/autonomic-nervous-system-disorders/
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autonomic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20369829
https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/tong-quan-benh-teo-da-he-thong/
TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC




