Bệnh hoang tưởng: triệu chứng, nguyên nhân và lưu ý chăm sóc người bệnh
Bệnh hoang tưởng/rối loạn hoang tưởng là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh, cách điều trị ra sao và có lưu ý nào khi chăm sóc người bệnh rối loạn hoang tưởng,... Phòng khám cung cấp thông tin để người thân có thêm kiến thức đồng hành cùng người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Bệnh hoang tưởng hay rối loạn hoang tưởng là một loại bệnh rối loạn tâm thần. Bệnh thường khởi phát ở tuổi giữa thành niên từ 15 - 25 tuổi. Đây cũng là rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi. Xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới.
Vậy hoang tưởng/rối loạn hoang tưởng là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh, cách điều trị ra sao và có lưu ý nào khi chăm sóc người bệnh rối loạn hoang tưởng,... Phòng khám cung cấp thông tin để người thân có thêm kiến thức đồng hành cùng người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Rối loạn hoang tưởng là gì? Nguyên nhân, phân loại và lưu ý trong chăm sóc, điều trị - Ảnh: Canva
BỆNH HOANG TƯỞNG/RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG LÀ GÌ?
Rối loạn hoang tưởng là một tình trạng sức khỏe tâm thần được biểu hiện bằng thái độ không tin tưởng và nghi ngờ người khác mà không có lý do chính đáng để nghi ngờ. Dưới cách suy nghĩ của bệnh nhân, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại cho là hoàn toàn đúng. Những bệnh rối loạn hoang tưởng luôn cảnh giác, tin rằng những người khác đang liên tục cố gắng hạ thấp, làm hại hoặc đe dọa họ.
Chứng hoang tưởng hay gặp nhất ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, sau tai biến,... Đặc biệt, nhóm người nghiện rượu và các loại chất kích thích - ma túy tổng hợp có nhiều nguy cơ xuất hiện chứng hoang tưởng, ảo giác.
TRIỆU CHỨNG VÀ PHÂN LOẠI RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG
Người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn hoang tưởng gặp phải. Dưới đây là một số rối loạn hoang tưởng phổ biến:
Các rối loạn hoang tưởng phổ biến | Biểu hiện |
Hoang tưởng bị hại | Người bệnh tin tưởng rằng có người đang theo dõi, hại mình như bị đầu độc, bắt giết,... |
Hoang tưởng ghen tuông | Người bệnh tin rằng vợ/chồng hoặc người yêu không chung thủy. Bệnh nhân lấy những sự kiện bình thường trong sinh hoạt hằng ngày như là những bằng chứng hiển nhiên cho mối quan hệ bất chính (bằng chứng không rõ ràng). Bệnh nhân duy trì hoang tưởng với một cảm xúc thù hằn, giận dữ theo dõi vợ/chồng mình một cách bí mật. |
Hoang tưởng kiện cáo | Đề cập đến xu hướng vô lý trong việc lôi kéo pháp luật vào các tranh chấp hàng ngày. Người bệnh suốt ngày làm đơn kiện cáo về những vụ việc không có thực trong thực tế hoặc được bệnh nhân gán cho một ý nghĩa quá mức. |
Hoang tưởng bị bệnh | Không có cơ sở thực tế nhưng người bệnh luôn nghi ngờ mình mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh nhân đi khám hết phòng khám này sang phòng khám khác để yêu cầu tìm cho ra bệnh. |
Hoang tưởng tự cao | Bệnh nhân cho rằng mình có nhiều tài năng, tài giỏi, có chức vị cao, giàu có, lãnh đạo được mọi người,... |
Hoang tưởng được yêu | Người bệnh tin rằng có nhiều người đang yêu họ, thường là cấp trên hoặc những người nổi tiếng. Do không được đáp lại bệnh nhân trở nên thù hằn, giận dữ. |
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG
Nguyên nhân chính xác của rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được biết rõ, nhưng có thể liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố sinh học và tâm lý.
- Rối loạn hoang tưởng phổ biến hơn ở những người có họ hàng gần mắc bệnh tâm thần phân liệt cho thấy mối liên hệ di truyền giữa hai chứng rối loạn này.
- Bên cạnh đó, nếu người bệnh có những trải nghiệm không tốt ở thời thơ ấu, bao gồm chấn thương về thể chất hoặc tinh thần, cũng là yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của rối loạn hoang tưởng.
Nguyên nhân chính xác của rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được biết rõ - Ảnh: Canva
ẢNH HƯỞNG RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG ĐẾN NGƯỜI BỆNH
Hoang tưởng ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, đặc biệt là các mối quan hệ gia đình - xã hội của người bệnh. Tinh trạng bệnh nếu không được điều trị sẽ nặng thêm theo thời gian, dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần khác:
- Người bệnh rối loạn hoang tưởng không tin tưởng và luôn nghi ngờ người khác có thể dẫn đến việc hiểu sai những hành động và lời nói vô hại của những người xung quanh. Từ đó có thể gây ra xung đột trong các mối quan hệ, kể cả khi làm việc với đồng nghiệp.
- Người bệnh rối loạn hoan tưởng có thể có những hành vi làm tổn hại chính mình.
- Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây tổn hại đến người khác, thậm chí gây án.
RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG CÓ CHỮA KHỎI ĐƯỢC KHÔNG?
Rối loạn hoang tưởng có thể được điều trị thành công. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc bệnh này đều gặp khó khăn trong việc chấp nhận điều trị bởi người bệnh không coi các triệu chứng của họ là chính đáng, không tin tưởng vào bác sĩ, chuyên gia trị liệu.
Người bệnh hoang tưởng có thể được điều trị theo 2 cách dưới đây:
- Liệu pháp trị liệu tâm lý:
- Trị liệu tâm lý rất hữu ích cho người bệnh hoang tưởng. Qua các buổi trị liệu sẽ giúp người bệnh học cách đối phó với chứng hoang tưởng, học cách giao tiếp với người khác trong các tình huống xã hội giúp giảm cảm giác hoang tưởng.
- Trị liệu tập trung vào việc tăng cường các kỹ năng đối phó chung, đặc biệt là sự tin tưởng và đồng cảm, cũng như cải thiện sự tương tác xã hội, giao tiếp,...
- Sử dụng thuốc điều trị rối loạn hoang tưởng: Các loại thuốc - chẳng hạn như thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần có thể được kê đơn nếu các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hoặc trong trường hợp người bệnh đồng mắc các bệnh lý sức khỏe tâm lý liên quan, chẳng hạn như rối loạn lo âul hoặc trầm cảm.
Phương pháp điều trị là vậy, tuy nhiên để đánh giá triển vọng của việc điều trị còn phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh, các bệnh lý liên quan, người mắc hoang tưởng có sẵn sàng chấp nhận và cam kết điều trị hay không,...
LƯU Ý QUAN TRỌNG TRONG CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG
- Những người mắc chứng hoang tưởng thường không tin tưởng vào người khác, điều này đặt ra thách thức cho các bác sĩ Sức khỏe Tâm thần cũng như chuyên gia Tâm lý Trị liệu. Kết quả là, nhiều người bệnh rối loạn hoang tưởng không hợp tác, không tuân theo kế hoạch điều trị. Trong trường hợp này cần sự đồng hành của gia đình kết hợp với bác sĩ chuyên môn.
- Tuân thủ liều dùng và chỉ định của thuốc: Nếu người bệnh được kê đơn thuốc, hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tăng hoặc giảm liều thuốc một cách đột ngột mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Người nhà, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải khi sử dụng thuốc.
- Khi sống chung với người bệnh, trong trường hợp người bệnh lên cơn hoang tưởng, có biểu hiện hoang tưởng, người nhà không nên vội hoảng hốt hay chống lại người bệnh. Cần bình tĩnh, tạm chiều theo họ, vỗ về và đưa đi thăm khám. Bởi lúc này người bệnh đã không còn có thể tiếp nhận được những lời khuyên răn. Nếu cố chống lại họ rất dễ dẫn đến phản ứng, hành động tiêu cực hơn.
- Người bệnh có thể tập yoga, thiền định, tập thể dục, giữ lịch trình hàng ngày ổn định và ngủ đủ giấc để giúp giảm căng thẳng và cải thiện tinh thần.
Rối loạn hoang tưởng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của một người cũng như gia đình và bạn bè. Tuy nhiên về phía người bệnh hiếm khi tự mình tìm cách điều trị, do vậy nếu quan sát thấy các dấu hiệu rối loạn hoang tưởng ở người bệnh nên đưa họ thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần.
Nguồn tham khảo: