Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì? Những hiểu lầm về bệnh
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là viết tắt của từ tiếng Anh: Obsessive-compulsive Disorder là một dạng rối loạn tâm thần. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu ám ảnh cưỡng chế và những hiểu lầm về bệnh trong bài viết dưới đây.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là viết tắt của từ tiếng Anh: Obsessive-compulsive Disorder là một dạng rối loạn tâm thần. Trong đó có thể nhiều người quen mặt hơn với cụm từ viết tắt OCD khi xem các bộ phim hoặc các bài đăng tình cờ trên mạng xã hội hay trong các cuộc trò chuyện nhiều người thắc mắc mình có mắc OCD không khi liên tục ám ảnh vì sợ bẩn, lo âu, khó chịu quá mức,…
Phòng khám sẽ giải đáp giúp bạn các thông tin về rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì, nguyên nhân, dấu hiệu ám ảnh cưỡng chế và những hiểu lầm về bệnh trong bài viết dưới đây.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là viết tắt của từ tiếng Anh: Obsessive-compulsive Disorder - Ảnh: Canva
RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ OCD LÀ GÌ?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn tâm thần trong đó người bệnh trải qua những suy nghĩ không kiểm soát (ý nghĩ ám ảnh) và thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại (hành vi cưỡng chế).
Giải thích cụ thể hơn, người mắc OCD bị chi phối bởi những suy nghĩ, thôi thúc, hình ảnh tái diễn liên tiếp khiến họ trở nên ám ảnh quá mức (Obsessive). Từ đó, họ buộc phải thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại (Compulsive) nhằm giảm thiểu mức độ lo âu.
Những người mắc OCD nhận thức được hành động của họ là không bình thường, nhưng không thể nào kiểm soát được.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng thông thường có hai độ tuổi bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Đó là mốc 10 - 12 tuổi và sau là từ 19 - 20 tuổi.
BIỂU HIỆN RỐI LOẠN Á M ẢNH CƯỠNG CHẾ
Như Phòng khám đã chia sẻ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế đặc trưng bởi:
- Ý nghĩ ám ảnh
- Hành vi cưỡng chế
Do vậy mời bạn cùng tìm hiểu các biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế thể hiện qua 2 đặc trưng này.
Ý nghĩ ám ảnh
Ý nghĩ ám ảnh là những hình ảnh, lo lắng, nghi ngờ hoặc suy nghĩ liên tục xuất hiện trong tâm trí người bệnh. Ý nghĩ ám ảnh thường gây ra đau khổ hoặc lo lắng rõ rệt.
Các chủ đề nổi bật của ý nghĩ ám ảnh bao gồm:
- Ám ảnh về việc nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm trùng
- Sợ quên, mất hoặc đặt sai chỗ đồ vật
- Sợ mất kiểm soát hành vi của mình
- Sợ làm hại bản thân hoặc người khác
- Sợ nguy hiểm đối với mình hoặc người khác
- Những suy nghĩ ngoài ý muốn, thông thường là hung bạo hoặc tình dục
- Mong muốn có mọi thứ đối xứng hoặc đúng trật tự hoàn hảo
Người bệnh thường cố gắng phớt lờ và/hoặc ngăn chặn, cố gắng vô hiệu hóa chúng bằng cách thực hiện một hành vi cưỡng chế.
Hành vi cưỡng chế
Hành vi cưỡng chế là những hành vi có mục đích, lặp đi lặp lại quá mức mà người bệnh cảm thấy họ phải làm để ngăn chặn hoặc giảm bớt lo lắng do những suy nghĩ ám ảnh gây ra, để hóa giải những ám ảnh của mình.
Ví dụ về hành vi cưỡng chế:
- Rửa tay, lau chùi hoặc làm bất cứ điều gì để giữ sạch sẽ
- Kiểm tra thường xuyên và quá nhiều lần (ví dụ như kiểm tra bếp đã tắt, cửa ra vào đã khóa hay chưa)
- Sắp xếp theo thứ tự (ví dụ, sắp xếp đồ vật, không gian làm việc theo một thứ tự cụ thể)
- Hành vi cưỡng chế trong đầu (như đếm, cầu nguyện và rà soát)
Người bị OCD có hành vi cưỡng chế như rửa tay, lau chùi hoặc làm bất cứ điều gì để giữ sạch sẽ - Ảnh: Canva
Hầu hết các hành vi cưỡng chế, chẳng hạn như rửa tay hoặc kiểm tra ổ khóa,... đều có thể quan sát được, nhưng một số hành vi cưỡng chế, chẳng hạn như đếm lặp đi lặp lại trong im lặng hoặc lẩm bẩm trong hơi thở thì không. Thông thường, các hành vi cưỡng chế phải được thực hiện một cách chính xác theo các quy tắc cứng nhắc.
Triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể bắt đầu vào bất kỳ thời điểm nào nhưng thường khởi phát từ 19 - 20 tuổi. Hầu hết những người mắc OCD được chẩn đoán khi còn trẻ.
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ
Nguyên nhân gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Một số yếu tố dưới đây có thể đóng vai trò làm tăng nguy cơ mắc OCD:
- Tiền sử gia đình: Bạn có nhiều khả năng mắc OCD hơn nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh này. Đó có thể là do gen hoặc kết quả của hành vi học được.
- Sự khác biệt trong não: Một số người mắc OCD có những vùng hoạt động cao bất thường trong não hoặc mức độ Serotonin thấp. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, giúp chuyển tiếp tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác, có chức năng trong việc điều chỉnh tâm trạng.
- Các sự kiện trong cuộc sống: Những người bị bắt nạt, lạm dụng hoặc bỏ rơi,... có thể tăng nguy cơ mắc OCD. Đôi khi, rối loạn ám ảnh cưỡng chế khởi phát sau một sự kiện quan trọng chẳng hạn như sinh con hoặc mất người thân.
- Tính cách: Những người gọn gàng, tỉ mỉ, có phương pháp và có tiêu chuẩn cá nhân cao có thể dễ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế hơn.
CÁCH CHỮA RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là bệnh cần được điều trị. Người mắc OCD có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc và điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Đặc biệt trong trường hợp người bệnh có ý nghĩ ám ảnh và lo âu cần được nhập viện để chăm sóc y tế và loại bỏ căng thẳng từ môi trường bên ngoài.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho người lớn và trẻ em mắc OCD. Nghiên cứu cho thấy một số loại trị liệu tâm lý, bao gồm trị liệu hành vi nhận thức và các liệu pháp liên quan khác có hiệu quả:
- Trị liệu hành vi nhận thức CBT:
- Trị liệu hành vi nhân thức là liệu pháp trò chuyện giúp người bệnh nhận ra những lối suy nghĩ có hại hoặc sai sự thật để họ có thể nhìn rõ hơn và ứng phó với các tình huống.
- CBT giúp mọi người học cách đặt câu hỏi về những suy nghĩ tiêu cực này, xác định cách chúng tác động đến cảm xúc và hành động của họ, đồng thời thay đổi các kiểu hành vi tự chuốc lấy thất bại.
- CBT đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong trị liệu tâm lý đối với nhiều rối loạn tâm thần..
- Liệu pháp phơi nhiễm và ngăn chặn phản ứng ERP:
- Nghiên cứu cho thấy ERP làm giảm hiệu quả các hành vi cưỡng chế. Với ERP, mọi người dành thời gian trong một môi trường an toàn, nơi dần dần đặt họ vào những tình huống kích hoạt nỗi ám ảnh (chẳng hạn như chạm vào đồ vật bẩn) và ngăn cản họ thực hiện hành vi cưỡng chế điển hình (chẳng hạn như rửa tay).
- Mặc dù cách tiếp cận này ban đầu có thể gây lo lắng, tạo ra nguy cơ bỏ điều trị sớm, nhưng hầu hết mọi người sẽ giảm bớt hành vi cưỡng chế khi tiếp tục điều trị.
Sử dụng thuốc
Các bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần có thể kê đơn thuốc điều trị OCD. Các loại thuốc phổ biến nhất được kê đơn là thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu Serotonin.
Việc tuân thủ kế hoạch điều trị là rất quan trọng vì liệu pháp trị liệu tâm lý và thuốc có thể mất một thời gian để phát huy tác dụng.
Mặc dù không có cách chữa khỏi OCD, nhưng các phương pháp điều trị giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng của mình, tham gia vào các hoạt động hàng ngày và có một cuộc sống năng động, trọn vẹn.
Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân sẽ giúp ít rất nhiều cho người bệnh bộc lộ cảm xúc, loại bỏ căng thẳng, khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động xã hội.
MỘT SỐ HIỂU LẦ M THƯỜNG GẶP VỀ OCD
OCD chỉ là 1 đặc điểm tính cách
Bởi vì sạch sẽ và gọn gàng có liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên nhiều người hiểu sai OCD như như một đặc điểm tính cách và là thứ mà có thể kiểm soát. Những người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế thực hiện những hành vi này là do nỗi lo lắng, ám ảnh.
Những người mắc chứng OCD hiểu rằng hành động của họ không có cơ sở hợp lý, không cần thiết. Ngay cả khi đó thì những nỗi ám ảnh hoặc những suy nghĩ xâm nhập vẫn tồn tại, dẫn đến hành vi cưỡng chế.
Ví dụ, một suy nghĩ ám ảnh có thể là nỗi sợ vi khuẩn. Sự lo lắng xung quanh nỗi ám ảnh này dẫn đến hành vi cưỡng chế như rửa tay. Hoàn thành hành vi này sẽ làm giảm sự lo lắng xung quanh nỗi sợ hãi.
OCD chỉ liên quan đến việc sạch sẽ
Mặc dù sự sạch sẽ là một sự hành vi cưỡng ép phổ biến của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nhưng nó không phải là hành cưỡng chế duy nhất có liên quan. Hành vi cũng có thể bao gồm những hành vi khác như:
- Tích trữ
- Cầu nguyện
- Đếm
- Lặp đi lặp lại một số chuyển động nhất định
- Chạm vào đồ vật
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở mỗi người là khác nhau và các triệu chứng có thể thay đổi trong suốt cuộc đời người bệnh.
Có thể dễ dàng nhận ra 1 người mắc OCD
Do cách các phương tiện truyền thông, phim ảnh miêu tả những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế: sợ bẩn, thích sắp xếp mọi thứ theo trật tự,... nhiều người cho rằng có thể biết ngay ai đó mắc chứng rối loạn.
Mặc dù vậy, nhiều người mắc chứng OCD và không nhận ra điều đó. Những người mắc chứng OCD thường có thể che giấu các triệu chứng khi ở nơi công cộng. Điều này đặc biệt đúng nếu họ nhận được sự điều trị thích hợp từ chuyên gia Sức khỏe Tâm thần.
Nếu bạn hoặc người thân có các biểu hiển về ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế nên thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn. Liên hệ hotline: 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để đặt lịch khám với chuyên gia hàng đầu về Sức khỏe - Tâm thần tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa.
- Địa chỉ: Số 11 i4, ngõ 37 Trần Kim Xuyến, khu Đô Thị Mới Yên Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 - Chủ nhật: 8h00 - 19h30
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/obsessive-compulsive-disorder-ocd/overview/
- https://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd#:~:text=Obsessive%2Dcompulsive%20disorder%20(OCD),or%20interfere%20with%20daily%20life.
- https://www.nystromcounseling.com/ocd/5-common-myths-about-ocd/