Suy nghĩ lo lắng quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

07/07/2024 02:18

Lo lắng, suy nghĩ quá nhiều không chỉ tác động tiêu cực đến tâm trạng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hiểu được tác hại của lo âu kéo dài sẽ giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Văn Hải - Bác sĩ hiện đang công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Lo lắng, suy nghĩ quá nhiều không chỉ tác động tiêu cực đến tâm trạng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hiểu biết các thông tin về tác hại của lo âu kéo dài sẽ giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

lo-lang-anh-huong-den-suc-khoe-nhu-the-nao.jpg

Lo lắng quá mức ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần

LO LẮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO?

Lo lắng là phản ứng thông thường khi phải đối với những áp lực trong cuộc sống như tài chính, công việc, việc học, mâu thuẫn trong các mối quan hệ cá nhân, vấn đề sức khỏe,… Trạng thái này được hình thành từ amygdala (hạch hạnh nhân) ở não bộ – cơ quan có vai trò quản lý cảm xúc. Khi rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể dẫn đến nhiều triệu chứng thể chất và tâm thần.

Thông thường, lo lắng có thể thuyên giảm sau khi vấn đề nan giải đã được khắc phục và giải quyết. Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ có phản ứng cân bằng để giảm bớt sự lo âu và điều chỉnh lại tâm trạng. Tuy nhiên nếu phải đối với căng thẳng thường xuyên, tình trạng lo lắng có thể xảy ra trong một thời gian dài.

Lo lắng quá mức, kéo dài gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Các ảnh hưởng này thường bắt nguồn từ sự gia tăng của các hormone trong cơ thể dưới tác động của tín hiệu từ não bộ. Trong đó thường gặp nhất là hormone cortisol và adrenaline. Về lâu dài, lo lắng quá mức có thể dẫn đến các bệnh lý mãn tính và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần.

Dưới đây là một số ảnh hưởng đến cuộc sống khi suy nghĩ và lo lắng quá mức, kéo dài:

1. Khiến tâm trạng trở nên bất ổn

Như đã đề cập, trạng thái lo lắng phát triển ở amygdala – cơ quan bên trong não bộ chịu trách nhiệm chi phối và quản lý cảm xúc. Trong trường hợp lo lắng quá mức và kéo dài, cơ quan này có thể trở nên nhạy cảm hơn với những tác động từ bên ngoài. Do đó, những người bị lo âu kéo dài thường có tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, buồn phiền, chán nản và ít có các cảm xúc tích cực như vui tươi, lạc quan, sảng khoái,…
 

lo-lang-qua-muc-cau-gat_1.jpg

Lo lắng quá mức khiến tâm trạng trở nên bất ổn, dễ cáu gắt và tức giận vô lý

2. Tăng áp lực lên cơ quan hô hấp

Khi lo lắng và suy nghĩ quá nhiều, hormone cortisol và adrenalin sẽ được giải phóng. Tác dụng của 2 loại hormone này khiến nhịp thở và huyết áp tăng, điều này làm gia tăng áp lực lên cơ quan hô hấp. Do đó khi lo lắng quá mức, phổi phải hoạt động liên tục để bơm oxy đến tất ca các cơ quan trong cơ thể. Biểu hiện rõ nhất của tăng áp lực lên cơ quan hô hấp là nhịp thở nhanh, nghẹn thở, thở nông, yếu, chóng mặt, mệt mỏi,…

Với những người có tiền sử mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính, lo lắng quá mức có thể khiến triệu chứng bùng phát với mức độ và tần suất nghiêm trọng hơn trước.

3. Gia tăng các vấn đề về tim mạch

Hormone cortisol và adrenalin cũng gây ra những tác động đáng kể đối với sức khỏe tim mạch. Cụ thể, cả hai hormone này đều làm tăng huyết áp, nhịp tim và gia tăng áp lực lên cơ tim. Trong thời gian bị căng thẳng và lo lắng quá mức, tim phải hoạt động liên tục để bơm máu và oxy đến tất cả các cơ quan.

Do đó khi lo lắng quá mức, cơ thể thường có những biểu hiện như nóng bừng mặt, tăng thân nhiệt, đau thắt ngực, mệt mỏi, bồn chồn,… Về lâu dài, cơ tim có thể bị suy yếu nếu phải hoạt động liên tục và quá mức. Ngoài ra, lo lắng và phiền muộn cũng gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim,…

4. Rối loạn​​​​​​​ tiêu hóa

Lo lắng cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với các cơ quan tiêu hóa. Khi hormone cortisol được sản sinh, lưu lượng máu tuần hoàn đến dạ dày, đường ruột và các cơ quan tiêu hóa khác giảm đi đáng kể. Đồng thời tăng mức độ viêm ở niêm mạc dạ dày, đường ruột và kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị quá mức.

Trong thời gian lo lắng và suy nghĩ nhiều, hệ tiêu hóa có thể bị rối loạn với các biểu hiện thường gặp như đau dạ dày, ăn không ngon, khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng và táo bón. Ngoài ra, lo lắng kéo dài còn gia tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS), chứng khó tiêu chức năng, giảm hấp thu dinh dưỡng,…

5. Giảm khả năng miễn dịch

Căng thẳng, lo lắng không chỉ gây ra sự bất ổn về tâm trạng và cảm xúc mà còn là tác nhân “tàn phá” hệ miễn dịch. Khi lo âu quá mức, hormone adrenaline và cortisol sẽ được giải phóng. Cả hai hormone này đều có tác dụng giảm phản ứng viêm – kết quả từ quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Trong trường hợp lo lắng quá mức và kéo dài, hệ miễn dịch sẽ dần suy giảm và kém nhạy cảm với các tác nhân có hại. Chính vì vậy, lo âu, phiền muộn có thể giảm chức năng miễn dịch và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm như cảm lạnh, cảm cúm, viêm amidan, viêm họng,…

6. Tăng tần suất tiểu tiện

Phản xạ tiểu tiện là kết quả của sự kết hợp giữa các nhóm cơ bao gồm cơ thắt niệu đạo trong, cơ trơn bàng quang, nhóm cơ sàn chậu, cơ thắt niệu đạo ngoài,… và hệ thần kinh trung ương. Khi bàng quang đầy, các cơ thành bàng quang sẽ truyền tín hiệu lên não bộ, sau đó vỏ não truyền các xung động đi xuống nhằm giãn cơ vòng niệu đạo.

Chính vì vậy khi căng thẳng quá mức, trung tâm mót tiểu ở cầu não có thể bị kích thích dẫn đến phản ứng đi tiểu nhiều lần. Về lâu dài, hệ tiết niệu có thể gặp phải một số vấn đề mãn tính như thận yếu, tiểu nhiều lần, mót tiểu,… Do đó nếu nhận thấy tần suất tiểu tiện tăng lên đáng kể, cần chủ động trong việc thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe.

7. Căng cơ, đau nhức xương khớp

Ít người biết rằng, lo lắng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Khi adrenalin được giải phóng, cơ thể sẽ tập trung tuần hoàn máu và oxy đến những cơ quan quan trọng như phổi, tim và não bộ. Do đó, lưu lượng máu di chuyển đến các cơ trong cơ thể sẽ giảm đi đáng kể. Điều này dẫn đến tình trạng căng cơ, đau nhức, mỏi vai gáy,…

Về lâu dài, căng thẳng và lo lắng gia tăng gốc tự do trong cơ thể, từ đó đẩy nhanh tốc độ thoái hóa sụn và các cơ quan cấu tạo ổ khớp. Chính vì vậy, lo lắng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp. Đây cũng là lý do vì sao cơ thể luôn mệt mỏi, đau nhức và giảm các hoạt động thể chất khi bị căng thẳng, rối loạn lo âu.

8. Da sạm và nổi mụn trứng cá

Khi suy nghĩ và lo lắng quá mức, nồng độ hormone cortisol do tuyến thượng thận sản sinh sẽ tăng lên đáng kể. Hormone này có vai trò điều chỉnh các cơ quan trong cơ thể để thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt nhất. Do đó, cortisol sẽ làm tăng đường huyết, tích tụ mỡ bụng, tăng cảm giác thèm ăn và tăng nhịp tim.

Tuy nhiên khi tăng đường huyết, da sẽ tăng sản xuất bã nhờn dẫn đến tình trạng đen sạm, sần sùi, lỗ chân lông to và không đều màu. Vì vậy khi lo lắng quá mức, da mặt thường có xu hướng nổi nhiều mụn trứng cá và giảm khả năng đề kháng với những tác nhân có hại từ môi trường. Đối với những người mắc các bệnh da liễu mãn tính, căng thẳng và lo lắng có thể kích thích các bệnh lý này bùng phát.

9. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là một trong những ảnh hưởng thường gặp khi căng thẳng và lo lắng quá mức. Khi lo lắng, não bộ sẽ bị kích thích liên tục và có xu hướng tập trung suy nghĩ về những vấn đề và tình huống gây stress. Do đó, tuyến tùng có thể bị rối loạn. Như đã biết, cơ quan này chịu trách nhiệm sản sinh hormone melatonin tạo cảm giác buồn ngủ và thư giãn.
 

2-2_1.jpg

Rối loạn giấc ngủ thường thấy khi gặp phải tình trạng lo lắng và suy nghĩ quá mức

Khi căng thẳng kéo dài, lượng hormone giảm đi đáng kể dẫn đến nhiều vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, thường xuyên gặp ác mộng,… Chất lượng giấc ngủ giảm thấp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gia tăng mức độ căng thẳng và phiền muộn. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến căng thẳng tăng dần, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần.

10. Đau​​​​​​​ đầu

Đau đầu là triệu chứng khá phổ biến do căng thẳng và lo lắng quá mức. Khi rơi vào trạng thái lo âu, lưu lượng máu tuần hoàn lên não thường không ổn định cộng với sự mất cân bằng của các chất nội sinh trong não bộ có thể gây ra tình trạng choáng, đau đầu và đau nửa đầu.

Đặc điểm của chứng đau đầu do suy nghĩ, lo lắng quá mức là có cảm giác căng ở các cơ vùng cổ, đầu đau ê ẩm và lan tỏa nhưng đau nhiều hơn ở vùng sau đầu. Ngoài ra, chứng đau đầu do lo lắng và phiền muộn còn đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn mửa.

11. Tác động xấu đến trí nhớ

Ngoài chứng đau đầu, suy nghĩ và lo lắng quá mức còn tác động xấu đến trí nhớ. Cụ thể khi lo âu và phiền muộn kéo dài, lưu lượng máu lên não bộ giảm đi đáng kể. Tình trạng này dẫn đến giảm trí nhớ và khả năng tập trung.

Hồi hải mã bên trong não bộ là cơ quan chịu trách nhiệm củng cố trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Khi giảm lưu lượng lên não kéo dài, cơ quan này có thể bị rối loạn dẫn đến nhiều vấn đề về trí nhớ. Do đó, những người có xu hướng hay lo âu, căng thẳng thường có trí nhớ kém, thường xuyên quên những việc cần phải thực hiện trong ngày dẫn đến nhiều sai sót và phiền toái. Điều này tạo ra tác động ngược và làm nghiêm trọng hơn mức độ lo âu, căng thẳng.

12. Rối loạn kinh nguyệt

Lo lắng, suy nghĩ quá mức còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của nữ giới. Hormone cortisol được sản sinh khi căng thẳng, lo âu đã được chứng minh tác động đáng kể đến quá trình rụng trứng, nồng độ hormone estrogen và progesterone. Kết quả là gây rối loạn kinh nguyệt với những biểu hiện thường gặp như mất kinh, vòng kinh thưa, đau bụng kinh dữ dội,…
 

tram-cam-chua-duoc-khong.jpg

Lo lắng gây rối loạn nội tiết tố dẫn đến mất kinh, kinh nguyệt không đều,…

Chu kỳ kinh nguyệt không đều khiến khả năng thụ thai giảm đi đáng kể. Về lâu dài, nữ giới có thể gặp khó khăn trong việc mang thai. Do đó, cần phải có biện pháp giảm stress, giải tỏa lo âu và phiền muộn trong thời gian sớm nhất.

13. Rối loạn chức năng tình dục

Rối loạn chức năng tình dục là một trong những ảnh hưởng do lo âu, suy nghĩ quá nhiều gây ra. Nguyên nhân được xác định là do tác động của hormone cortisol và adrenalin. Các hormone này gây rối loạn hormone estrogen, progesterone và testosterone. Đây đều là những hormone chi phối sức khỏe sinh lý và tình dục ở cả nam và nữ.

Thống kê cho thấy, nữ giới bị lo âu, căng thẳng thường giảm ham muốn, dễ gặp phải tình trạng khô hạn, đau khi quan hệ và khó đạt cực khoái. Trong khi đó, nam giới thường gặp phải vấn đề về cương dương, rối loạn xuất tinh, giảm ham muốn.

14. Kích thích các bệnh mãn tính bùng phát

Căng thẳng, lo lắng được xem là tác nhân kích thích các bệnh mãn tính bùng phát như các bệnh về da, đường ruột, hô hấp, xương khớp,… Trên thực tế, lo lắng không chỉ là trạng thái cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, sự thay đổi của các cơ quan này tạo ra kích thích khiến các bệnh lý mãn tính bùng phát trở lại.

15. Gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần

Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, lo lắng quá mức còn tác động đến sức khỏe tâm thần. Lo âu, bất an, phiền muộn kéo dài chính là nguồn cơn dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, chứng ám ảnh sợ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Do đó nếu nhận thấy lo lắng kéo dài và không thể tự mình kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Mỗi người cần trang bị kỹ năng để đối phó với căng thẳng và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống. Nếu nhận thấy lo âu kéo dài và cảm xúc có dấu hiệu bất ổn, nên chủ động tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Sưu tầm

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC

Rối loạn lo âu bệnh tật: đừng quá bi quan với triệu chứng cơ thể
Rối loạn lo âu bệnh tật: đừng quá bi quan với triệu chứng cơ thể
07/07/2024 02:18
Việc mọi người thỉnh thoảng lo lắng về sức khỏe của mình là điều bình thường. Nhưng những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật thường rất lo lắng liệu họ có đang mắc phải một căn bệnh rất nặng, hoặc bệnh nan y.
Rối loạn lo âu có chữa được không? Tổng hợp phương pháp điều trị
Rối loạn lo âu có chữa được không? Tổng hợp phương pháp điều trị
07/07/2024 02:18
Phòng khám giải đáp câu hỏi rối loạn lo âu có chữa được không trong nội dung dưới đây để người bệnh hoặc người thân đang đồng hành cùng bệnh nhân có thông tin tham khảo và tìm cách điều trị hiệu quả.
Overthinking - suy nghĩ quá mức: hiểu về tác động và cách đối phó
Overthinking - suy nghĩ quá mức: hiểu về tác động và cách đối phó
07/07/2024 02:18
Trong cuộc sống hiện đại, Overthinking hay suy nghĩ quá mức đã trở thành một vấn đề phổ biến. Overthinking làm tinh thần kiệt quệ, nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần: trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống,...
Rối loạn lo âu hậu COVID-19
Rối loạn lo âu hậu COVID-19
07/07/2024 02:18
Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới, trong đó không ít người mắc rối loạn lo âu hậu COVID-19.
Tìm hiểu các dạng rối loạn lo âu phổ biến và rối loạn lo âu có nguy hiểm không?
Tìm hiểu các dạng rối loạn lo âu phổ biến và rối loạn lo âu có nguy hiểm không?
07/07/2024 02:18
Hiểu được các dạng rối loạn lo âu khác nhau có thể giúp người bệnh, người nhà nhận ra các triệu chứng cần lưu ý và kịp thời thăm khám, điều trị.