Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì? Triệu chứng? Nguyên nhân
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội tiếng Anh là Antisocial Personality Disorder - viết tắt ASPD - là một vấn đề tâm lý phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của người bệnh.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội tiếng Anh là Antisocial Personality Disorder - viết tắt ASPD - là một vấn đề tâm lý phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của người bệnh. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu thông tin tổng quan về rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì, triệu chứng, các nguyên nhân, hệ quả và phương pháp điều trị.
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI LÀ GÌ?
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần, đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm và quan tâm đến người khác. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội ít hoặc không quan tâm đến đúng hay sai. Người bệnh có xu hướng cố tình làm cho người khác tức giận hoặc khó chịu, thao túng hoặc đối xử với người khác một cách khắc nghiệt, thờ ơ tàn nhẫn. Họ thiếu sự hối hận hoặc không cảm thấy hối hận về hành vi của mình.
Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có xu hướng vi phạm các quy tắc xã hội, không tuân thủ luật pháp và có thể thực hiện hành vi gây hấn, thách thức. Họ thường không thể thích nghi với các quy tắc mà xã hội đặt ra, gây ra sự mất cân bằng và căng thẳng trong quan hệ tương tác với người khác.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xuất hiện trong thời niên thiếu và tiếp tục kéo dài đến độ tuổi trưởng thành.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần, đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm và quan tâm đến người khác - Ảnh: Canva
TRIỆU CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI
Các dấu hiệu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội bao gồm:
- Nói dối (lặp đi lặp lại) để lợi dụng người khác vì lợi ích hoặc niềm vui cá nhân.
- Không tôn trọng người khác.
- Sử dụng sự quyến rũ hoặc trí thông minh để thao túng người khác vì lợi ích hoặc niềm vui cá nhân.
- Có cảm giác ưu việt và cực kỳ cố chấp.
- Không tuân thủ pháp luật, bao gồm cả hành vi tội phạm.
- Có thái độ thù địch, hung hăng, bạo lực hoặc đe dọa người khác.
- Không cảm thấy tội lỗi khi làm hại người khác.
- Làm những việc nguy hiểm mà không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và người khác.
- Thiếu trách nhiệm và không hoàn thành trách nhiệm công việc hoặc nghĩa vụ.
Người lớn mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường biểu hiện các triệu chứng rối loạn hành vi trước 15 tuổi. Các triệu chứng của rối loạn hành vi bao gồm các vấn đề hành vi nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Sự hung hăng đối với con người và động vật.
- Phá hoại tài sản.
- Nói dối, không trung thực.
- Trộm cắp.
- Vi phạm nghiêm trọng các quy tắc.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được coi là một tình trạng suốt đời. Nhưng ở một số người, một số triệu chứng nhất định - đặc biệt là hành vi phá hoại và phạm tội - có thể giảm theo thời gian. Nguyên nhân sự giảm sút này không rõ, có thể là kết quả của ảnh hưởng của tuổi già đến tâm trí và cơ thể, nhận thức ngày càng tăng về tác động của hành vi chống đối xã hội đối với cuộc sống hay các yếu tố khác.
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI
Nguyên nhân chính xác của rối loạn nhân cách chống đối xã hội vẫn chưa được biết rõ, có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong số đó là:
- Yếu tố môi trường, bao gồm gia đình không ổn định, vô tổ chức, thiếu sự quan tâm, yêu thương hoặc bạo lực thời thơ ấu có thể tăng nguy cơ rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
- Di truyền cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Có những nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa di truyền và rối loạn nhân cách, nhưng cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối tương quan này.
Bạo lực thời thơ ấu có thể tăng nguy cơ rối loạn nhân cách chống đối xã hội - Ảnh: Canva
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Hệ quả của rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống. Các vấn đề quan hệ xã hội là một trong những khía cạnh chính, khi quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng trở nên căng thẳng.
Một người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có rất ít khả năng thân mật với người khác. Bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào cũng có thể liên quan đến việc lạm dụng hoặc bỏ bê ở một mức độ nào đó.
Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể gặp khó khăn trong việc duy trì quan hệ trong thời gian dài vì hành vi không thích hợp. Họ có thể trở nên cô độc và cảm thấy không được chấp nhận trong xã hội.
Tiếp nữa, hành vi tội phạm là đặc điểm chính của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội và có nguy cơ cao là người mắc chứng rối loạn này sẽ phạm tội và phải ngồi tù vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Đàn ông mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội được phát hiện có nguy cơ lạm dụng rượu và ma túy cao gấp 3 đến 5 lần so với phụ nữ mắc chứng rối loạn này. Nam giới cũng có nguy cơ tử vong sớm cao hơn do hành vi liều lĩnh hoặc cố gắng tự tử .
BÀI TEST RỐI LOẠN NHÂN CÁ CH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI
Bạn đọc có thể tìm kiếm bài test rối loạn nhân cách chống đối xã hội trên mạng với các câu hỏi về tính cách của mình. Bài test thường dựa trên tiêu chí DSM mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để giúp chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tuy nhiên, những bài test này chỉ nhằm mục đích tham khảo, không nhằm mục đích thay thế chẩn đoán chuyên môn.
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội rất khó điều trị. Tuy vậy, bằng chứng cho thấy hành vi có thể được cải thiện theo thời gian nhờ tâm lý trị liệu. Hiệu quả điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người, sự sẵn lòng tham gia điều trị và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể miễn cưỡng tìm cách điều trị và chỉ có thể bắt đầu trị liệu khi có lệnh của tòa án.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp quan trọng trong điều trị bệnh sức khỏe tâm thần. Tâm lý trị liệu với người bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội bao gồm: tư vấn cá nhân, tư vấn gia đình và các hình thức điều trị như liệu pháp nhận thức hành vi(CBT). Thông qua quá trình tư vấn, người bệnh có thể tìm hiểu, thay đổi các suy nghĩ và hành vi không lành mạnh, đồng thời phát triển kỹ năng xã hội và quản lý cảm xúc.
Tuy vậy, liệu pháp nhận thức hành vi không phải lúc nào cũng hiệu quả, đặc biệt nếu các triệu chứng nghiêm trọng và người bệnh không thể thừa nhận rằng chúng góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng.
Sử dụng thuốc
Có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc để điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội, nhưng một số loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm có thể hữu ích trong một số trường hợp.
Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục và nhận thức xã hội về rối loạn nhân cách chống đối xác hội cũng là một phương pháp quan trọng để giảm sự kỳ thị và tăng cường sự hiểu biết về tình trạng này. Việc tạo ra một môi trường chấp nhận và hỗ trợ có thể giúp người bệnh cảm thấy tự tin hơn trong việc tham gia vào xã hội và xây dựng quan hệ tốt hơn với người khác.
Trong quá trình điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội, sự kiên nhẫn và sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè là rất quan trọng. Người bệnh cần được thấy rằng họ không bị đánh giá hoặc bị cách ly vì rối loạn của mình, mà được động viên và hỗ trợ để phát triển các kỹ năng xã hội và quản lý cảm xúc. Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch thăm khám, tư vấn trong thời gian sớm nhất!
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/antisocial-personality-disorder/
- mayoclinic.org/diseases-conditions/antisocial-personality-disorder/symptoms-causes/syc-20353928