Rối loạn nhân cách giới khiến bạn “mất” nhiều hơn “được”
Chứng rối loạn nhân cách giới có nguy cơ gây tự tử cao bởi các triệu chứng đi kèm gây nên như trầm cảm, lo lắng, rối loạn sử dụng chất gây nghiện và tự làm hại bản thân.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths.BSNT Nguyễn Minh Quyết – Bác sĩ khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorders) là một rối loạn sức khỏe tinh thần khiến người bệnh không ổn định về mặt cảm xúc. Chứng rối loạn nhân cách giới có nguy cơ gây tự tử cao bởi các triệu chứng đi kèm gây nên như trầm cảm, lo lắng, rối loạn sử dụng chất gây nghiện và tự làm hại bản thân.
Nếu bạn mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới, đừng nản lòng. Nhiều người mắc chứng rối loạn này sẽ khỏi bệnh theo thời gian nhờ điều trị liên tục và có thể học cách sống cùng các triệu chứng một cách hòa bình.
HIỂU RÕ HƠN VỀ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI
Như đã đề cập, Rối loạn nhân cách ranh giới khiến sức khỏe tâm thần gần như luôn trong trạng thái bất ổn. Biểu hiện của dạng tâm thần này là sự biến động tâm trạng cực độ và sự bốc đồng thái quá trong các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Những người mắc bệnh BPD rất sợ bị bỏ rơi và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, đặc biệt là sự tức giận. Họ cũng có xu hướng thể hiện những hành vi bốc đồng và nguy hiểm, chẳng hạn như lái xe liều lĩnh và đe dọa tự làm hại bản thân. Tất cả những hành vi này là nguyên nhân khiến họ khó duy trì các mối quan hệ xung quanh mình.
Rối loạn nhân cách giới là một trong các nhóm bệnh được gắn nhãn Rối loạn nhân cách “Nhóm B”, bao gồm các hành vi kịch tính và thất thường.
Rối loạn nhân cách giới biểu hiện bằng sự biến động tâm trạng và sự bốc đồng thái quá - Ảnh: Internet
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI VÀ RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC CÓ GIỐNG NHAU KHÔNG?
Mặc dù dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực cũng bao gồm sự biến động lớn trong tâm trạng và hành vi, nhưng tình trạng này khác với rối loạn nhâ n cách ranh giới.
Ở bệnh nhân BPD, tâm trạng và hành vi thay đổi nhanh chóng để đối phó với căng thẳng, đặc biệt là khi tương tác với người khác. Trong khi đó, ở người bệnh rối loạn lưỡng cực, tâm trạng được duy trì lâu hơn và ít xảy ra các phản ứng thái quá. Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực cũng có những thay đổi đáng kể về năng lượng và hoạt động thường ngày, không giống như những người mắc bệnh BPD.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI
Nghiên cứu cho thấy các yếu tố di truyền, môi trường và xã hội là những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Cụ thể hơn:
- Tiền sử gia đình: Những người có thành viên thân thiết trong gia đình (chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em) đã từng được chẩn đoán BPD có tỉ lệ cao mắc rối loạn nhân cách giới vì có cùng bộ gen di truyền.
- Cấu trúc và chức năng não: Nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới có thể có những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong não, đặc biệt là ở những vùng kiểm soát xung động và điều tiết cảm xúc.
- Các yếu tố môi trường, văn hóa và xã hội: Nhiều người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới cho biết đã trải qua những sự kiện đau thương như bị lạm dụng, bị bỏ rơi hoặc gặp khó khăn trong thời thơ ấu. Những người khác có thể đã trải qua những mối quan hệ hoặc xung đột không ổn định trong khoãng thời gian dài, tác động tiêu cực đến tinh thần của họ.
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI CÓ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới thường xuất hiện ở cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Theo thời gian, các triệu chứng thường giảm dần và có thể biến mất hoàn toàn.
Các triệu chứng có thể phát triển từ mức có thể kiểm soát được đến rất nghiêm trọng, có khả năng xảy ra đồng thời tại một thời điểm nhất định:
- Sợ bị bỏ rơi: Những người mắc bệnh rối loạn nhân cách giới thường cảm thấy không thoải mái khi ở một mình. Họ cảm thấy mình bị bỏ rơi, sợ hãi hoặc tức giận tột độ. Họ có thể theo dõi tung tích của người thân hoặc ngăn những người này rời đi. Hoặc, họ có thể đẩy mọi người ra xa trước khi trở nên thân thiết để tránh bản thân bị từ chối.
- Các mối quan hệ không ổn định, thường xuyên căng thẳng: Bệnh nhân BPD cảm thấy khó khăn trong việc giữ các mối quan hệ cá nhân lành mạnh vì họ có xu hướng thay đổi quan điểm của mình về người khác một cách đột ngột. Họ dễ dàng chuyển từ lý tưởng hóa người khác sang hạ thấp giá trị của họ một cách nhanh chóng và ngược lại. Tình bạn, hôn nhân và mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình thường hỗn loạn và không ổn định.
- Hình ảnh bản thân hoặc ý thức về bản thân không ổn định: BPD khiến người bệnh nhận thức hình ảnh bản thân bị bóp méo, không rõ ràng, thường cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ và coi mình là “tồi tệ”. Họ cũng có thể thay đổi đột ngột và đáng kể hình ảnh bản thân, thể hiện bằng việc thay đổi đột ngột mục tiêu, quan điểm, sự nghiệp hoặc bạn bè. Họ cũng có xu hướng phá hoại sự tiến bộ của chính mình. Ví dụ, họ có thể cố tình trượt một bài kiểm tra, hủy hoại các mối quan hệ hoặc bị sa thải.
- Thay đổi tâm trạng nhanh chóng: Những người mắc bệnh BPD có thể trải qua những thay đổi bất ngờ trong cách họ cảm nhận về người khác, bản thân và thế giới xung quanh. Những cảm xúc phi lý - bao gồm sự tức giận không thể kiểm soát, sợ hãi, lo lắng, hận thù, buồn bã và tình yêu - diễn ra thường xuyên. Những thay đổi này thường chỉ kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài hơn vài ngày.
- Hành vi bốc đồng và nguy hiểm: Lái xe liều lĩnh, đánh nhau, cờ bạc, sử dụng chất gây nghiện, ăn uống vô độ và/hoặc hoạt động tình dục không an toàn là phổ biến ở những người mắc bệnh BPD.
- Hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử nhiều lần: Những người mắc chứng BPD có thể tự cắt, đốt hoặc làm bị thương bản thân (tự làm hại mình) hoặc đe dọa làm như vậy. Họ cũng có thể có ý nghĩ tự sát. Những hành vi tự hủy hoại này thường được kích hoạt bởi sự từ chối, có thể là sự bỏ rơi hoặc thất vọng đối với người chăm sóc hoặc người yêu.
- Cảm giác trống rỗng dai dẳng: Nhiều người mắc bệnh BPD cảm thấy buồn, chán nản, không được thỏa mãn hoặc “trống rỗng”. Cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân cũng rất phổ biến.
- Quản lý cơn tức giận kém: Những người mắc bệnh BPD gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn tức giận của mình và thường trở nên tức giận dữ dội. Họ có thể thể hiện sự tức giận của mình bằng những lời mỉa mai cay nghiệt, cay đắng hoặc những tràng đả kích giận dữ. Những tình tiết này thường kéo theo sự xấu hổ và tội lỗi sau đó.
- Suy nghĩ hoang tưởng tạm thời: Các giai đoạn phân ly, suy nghĩ hoang tưởng và đôi khi là ảo giác có thể được kích hoạt bởi căng thẳng cực độ, thường là sợ bị bỏ rơi. Những triệu chứng này chỉ là tạm thời và thường không đủ nghiêm trọng để được coi là một chứng rối loạn riêng biệt.
Không phải ai mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới đều trải qua tất cả các triệu chứng này. Mức độ nghiêm trọng, tần suất và thời gian của các triệu chứng là khác nhau đối với mỗi người.
CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
Nhân cách tiếp tục phát triển từ giai đoạn trẻ em đến thanh thiếu niên. Do đó, các chuyên gia tâm lý thường khó chẩn đoán chính xác dấu hiệu của rối loạn nhân cách ranh giới cho đến giai đoạn sau 18 tuổi. Đôi khi, một người dưới 18 tuổi có thể được chẩn đoán mắc bệnh BPD nếu các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài ít nhất một năm.
Rối loạn nhân cách, bao gồm rối loạn nhân cách ranh giới, có thể khó chẩn đoán vì hầu hết những người mắc chứng rối loạn nhân cách đều thiếu hiểu biết sâu sắc về hành vi gây rối và kiểu suy nghĩ của họ.
Khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ, thường là vì nguyên nhân lo lắng hoặc trầm cảm do chứng rối loạn nhân cách của họ tạo ra, chẳng hạn như ly hôn hoặc mất các mối quan hệ, chứ không phải do bản thân nhận thức rằng mình mắc chứng rối loạn đó.
Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng và trò chuyện với người bệnh về các triệu chứng. Họ cần đặt những câu hỏi để làm rõ hơn về tình trạng bất ổn cảm xúc và hành động của người bệnh:
- Tiền sử sức khỏe bản thân, gia đình, đặc biệt là khía cạnh sức khỏe tâm thần.
- Các công việc đã và đang làm
- Kiểm soát xung động.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng thường thu thập thông tin từ gia đình và bạn bè của người bệnh để có cái nhìn tổng quan về tình trạng bệnh tình.
Giai đoạn sau 18 tuổi chứng kiến sự xuất hiện của các triệu chứng rối loạn nhân cách giới - Ảnh: Internet
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
Với nền y học hiện đại và phát triển, rối loạn nhân cách giới không còn là chứng bệnh tâm thần khó điều trị. Bệnh nhân phát hiện bệnh ở mức độ nhẹ có tỉ lệ điều trị thành công cao hơn.
Tuy nhiên, việc điều trị hiệu quả cần có thời gian, sự kiên nhẫn và cam kết. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý (liệu pháp trò chuyện), dùng thuốc hoặc cả hai. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nên nằm viện ngắn hạn nếu phát hiện họ có nguy cơ làm hại bản thân hoặc người khác.
Tâm lý trị liệu (liệu pháp trò chuyện) là phương pháp điều trị được lựa chọn cho chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Mục tiêu của việc trò chuyện giúp người bệnh khám phá những nguyên nhân và nỗi sợ hãi liên quan đến suy nghĩ và hành vi của họ, đồng thời giúp người bệnh học cách duy trì mối quan hệ với người khác một cách tích cực hơn.
Liệu pháp trò chuyện cho người rối loạn nhân cách giới bao gồm:
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Loại trị liệu này được phát triển dành riêng cho những người mắc bệnh BPD. DBT tập trung vào việc giúp người bệnh chấp nhận thực tế cuộc sống và hành vi của bản thân, học cách thay đổi cuộc sống, hạn chế những hành vi không có ích. DBT dạy các kỹ năng giúp người bệnh kiểm soát những cảm xúc mãnh liệt, giảm bớt những hành vi tự hủy hoại bản thân và cải thiện các mối quan hệ.
- Trị liệu hành vi nhận thức (CBT): Đây là một loại trị liệu có cấu trúc, hướng đến mục tiêu cụ thể. Nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học giúp bạn xem xét kỹ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bạn sẽ hiểu suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến hành động của bạn như thế nào. Thông qua CBT, bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, đồng thời học cách áp dụng các khuôn mẫu và thói quen suy nghĩ lành mạnh hơn.
- Trị liệu nhóm: Đây là một loại trị liệu tâm lý trong đó một nhóm người gặp nhau để mô tả và thảo luận về các vấn đề của họ dưới sự giám sát của nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học. Liệu pháp nhóm có thể giúp những người mắc bệnh BPD tương tác với người khác một cách tích cực hơn và thể hiện bản thân một cách hiệu quả.
Rối loạn nhân cách giới có thể điều trị bằng các phương pháp khác nhau - Ảnh: Internet
KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHÂN CÁCH GIỚI TẠI PHÒNG KHÁM YÊN HÒA
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa là đơn vị chuyên sâu thăm khám và điều trị các triệu chứng Rối loạn nhân cách giới bằng các liệu pháp tâm lý phù hợp với người bệnh:
Một số bác sĩ nổi bật tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa gồm:
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Bình: Nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, Nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, một trong những bác sĩ đầu ngành lĩnh vực tâm thần trên cả nước.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến: Phó Trưởng khoa Khám tự nguyện M2 - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội
- Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thị Thu Hà: Phó Trưởng khoa tâm lý lâm sàng M9 - Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội
Nguồn tham khảo:
- https://www.nimh.nih.gov/health/topics/borderline-personality-disorder
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9762-borderline-personality-disorder-bpd