Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì và lưu ý đặc biệt cho cha mẹ
Bên cạnh những thay đổi tích cực, tuổi dậy thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rối loạn tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, cuộc sống và tương lai của trẻ. Tìm hiểu chi tiết về rối loạn tâm lý tuổi dậy thì trong bài viết dưới đây.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Tuổi dậy thì (bé gái bắt đầu dậy thì khoảng 10 - 11 tuổi, bé trai bắt đầu dậy thì 11 - 12 tuổi) là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất và tâm lý của của trẻ trong giai đoạn 10 - 19 tuổi. Đây là thời điểm trẻ phát triển vượt bậc về chiều cao, cơ thể, đồng thời hình thành những nhận thức, cảm xúc mới mẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, tuổi dậy thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rối loạn tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, cuộc sống và tương lai của trẻ.
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì là vấn đề tương đối phổ biến và có ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UNICEF năm 2021, trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi thì có 1 em bị rối loạn tâm thần. Trẻ có thể có hành vi bạo lực hoặc sử dụng chất kích thích hoặc thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân, thậm chí là tự tử.
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì là vấn đề tương đối phổ biến và có ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: Canva
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ
Sự xuất hiện các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì xuất phát từ nhiều yếu tố đan xen:
- Sinh học - thay đổi nội tiết:
- Dậy thì là giai đoạn cơ thể trẻ trải qua sự thay đổi mạnh mẽ về hormone, đặc biệt là testosterone, estrogen và progesterone.
- Những biến đổi này tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, dẫn đến những biến đổi về cảm xúc và hành vi.
- Tâm lý:
- Áp lực học tập: Việc học tập nặng nề, áp lực thi cử, kỳ vọng cao từ gia đình và nhà trường có thể khiến trẻ lo lắng, căng thẳng, dẫn đến rối loạn tâm lý.
- Bắt nạt học đường: Bị bắt nạt, miệt thị, cô lập ở trường học có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc cho trẻ, khiến trẻ tự ti, thu mình, thậm chí có ý định tự tử.
- Mối quan hệ bạn bè phức tạp: Mâu thuẫn, cạnh tranh, ghen tị trong các mối quan hệ bạn bè cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, khiến trẻ lo lắng, buồn bã, dễ cáu kỉnh.
- Môi trường:
- Môi trường sống không lành mạnh, tiếp xúc với văn hóa phẩm độc hại góp phần gia tăng nguy cơ rối loạn tâm lý ở trẻ. Trẻ dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu.
- Bạo lực gia đình: Trẻ sống trong môi trường bạo lực gia đình thường có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.
- Thiếu thốn tình cảm: Trẻ thiếu thốn tình cảm, không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, buồn bã, tự ti, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý.
Các yếu tố này thường tác động cộng hưởng lẫn nhau, khiến trẻ dễ mắc rối loạn tâm lý trong giai đoạn tuổi dậy thì.
Áp lực thi cử, kỳ vọng cao từ gia đình khiến trẻ căng thẳng, lo lắng, dẫn đến các vấn đề tâm lý - Ảnh: Canva
CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI DẬY THÌ
Các rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến ở tuổi vị thành niên bao gồm những rối loạn liên quan đến rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động giảm chú ý và ăn uống.
Rối loạn lo âu
- Đặc trưng bởi cảm giác bất an, lo lắng và sợ hãi vô cớ, quá mức, căng thẳng, bồn chồn. Các triệu chứng về cơ thể như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở, run rẩy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Trẻ bị rối loạn lo âu khó tập trung, hay quên, dễ bị kích động, mất ngủ, né tránh các hoạt động xã hội.
- Khoảng 3,6% trẻ em từ 10 - 14 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu (Báo cáo của WHO năm 2021)
Trầm cảm
- Biểu hiện qua cảm giác buồn bã, chán nản, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, thay đổi thói quen ăn ngủ, suy nghĩ tiêu cực, có ý định tự tử.
- Trầm cảm được ước tính xảy ra ở 1,1% thanh thiếu niên từ 10 - 14 tuổi (Báo cáo của WHO năm 2021)
Rối loạ n hành vi
- Rối loạn hành vi phổ biến hơn ở thanh thiếu niên trẻ tuổi.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), đặc trưng bởi khó chú ý, hoạt động quá mức và hành động bất chấp hậu quả, xảy ra ở 3,1% trẻ 10 -14 tuổi và 2,4% trẻ 15–19 tuổi. (Báo cáo của WHO năm 2021)
- Rối loạn hành vi chống đối xã hội (liên quan đến các triệu chứng của hành vi phá hoại hoặc thách thức) xảy ra ở 3,6% trẻ từ 10 - 14 tuổi và 2,4% ở trẻ từ 15 - 19 tuổi. (Báo cáo của WHO năm 2021)
- Rối loạn hành vi có thể ảnh hưởng đến việc học tập của thanh thiếu niên và có thể dẫn đến hành vi tội phạm.
Rối loạn ăn uống
- Đặc trưng bởi các hành vi ăn uống cực đoan và bất thường, chẳng hạn như ăn hạn chế hoặc ăn quá nhiều
- Chán ăn tâm thần: Biểu hiện qua nỗi sợ hãi tăng cân, ăn rất ít, thậm chí nhịn ăn, tập thể dục quá mức, có hành vi thanh lọc cơ thể.
- Ăn vô độ: Biểu hiện qua việc ăn quá nhiều trong một thời gian ngắn, mất kiểm soát, cảm giác buồn chán sau khi ăn.
- Rối loạn ăn uống liên quan đến hành vi ăn uống bất thường và mối bận tâm với thức ăn, trong hầu hết các trường hợp đều kèm theo những lo lắng về trọng lượng và hình dáng cơ thể.
Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
- Lạm dụng ma túy: Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia một cách thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và các mối quan hệ.
CÁC DẤU HIỆU RỐI LOẠN TÂM LÝ CHA MẸ CẦN QUAN TÂM
Mức độ và biểu hiện của các rối loạn tâm lý có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Việc chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần. Nhìn chung với cha mẹ, nên quan sát các các dấu hiệu có thể cảnh báo nguy cơ rối loạn tâm lý ở trẻ để phát hiện, điều trị sớm:
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích.
- Có năng lượng thấp: buồn bã, lo lắng, cáu kỉnh, dễ kích động.
- Đau đầu, mất ngủ hay gặp ác mộng.
- Dành nhiều thời gian một mình và tránh tham gia các hoạt động xã hội.
- Tập thể dục, ăn kiêng và/hoặc ăn uống quá độ. Tăng giảm cân bất thường.
- Thực hiện hành vi làm hại bản thân (ví dụ: đốt hoặc cắt da).
- Sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích: các loại ma túy khác.
- Tham gia vào hành vi nguy hiểm hoặc phá hoại, chống đối.
- Có ý nghĩ tự tử.
- Nghĩ rằng tâm trí của mình đang bị kiểm soát hoặc mất kiểm soát hoặc nghe thấy những điều mà người khác không thể nghe thấy.
LỜI KHUYÊN CHO CHA MẸ CÓ CON CÁI Ở TUỔI DẬY THÌ
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì không chỉ ảnh hưởng đến học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội mà còn tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng:
- Tăng nguy cơ tự tử, hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.
- Gây tổn thương tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách, hình thành các rối loạn tâm lý nặng nề hơn ở giai đoạn trưởng thành.
Hậu quả của việc không giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất, tinh thần và hạn chế cơ hội trẻ có được cuộc sống trọn vẹn khi trưởng thành.
Để phòng ngừa và can thiệp hiệu quả đối với rối loạn tâm lý tuổi dậy thì, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
- Phòng ngừa: Giáo dục giới tính, kỹ năng sống, xây dựng môi trường sống lành mạnh, cởi mở, tạo điều kiện cho trẻ chia sẻ, kết nối.
- Can thiệp: Phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được tư vấn, điều trị phù hợp.
- Hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, nhà trường:
- Là cha mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban,… cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.
- Dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con chia sẻ về những khó khăn, cảm xúc của con.
- Thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm với những gì con đang trải qua.
- Tôn trọng con, tránh phán xét, chỉ trích hay so sánh con với người khác.
- Cha mẹ nên tìm hiểu về các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì để hiểu rõ hơn về vấn đề con mình đang gặp phải và đồng hành cùng.
- Tạo môi trường an toàn, yêu thương, hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Là cha mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban,… cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết hiệu quả. Nếu nghi ngờ con có dấu hiệu rối loạn tâm lý, hãy đưa con đến gặp bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán và điều trị. Cha mẹ nên đồng hành tích cực trong quá trình điều trị của con, phối hợp với bác sĩ để hỗ trợ con hiệu quả nhất. Cha mẹ cần kiên nhẫn, bình tĩnh và không nên nóng vội trong quá trình hỗ trợ con.
Nguồn tham khảo