Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: nhận diện và hỗ trợ trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ
Thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là rất quan trọng để mỗi đứa trẻ có thể nhận được sự giúp đỡ phù hợp và phát triển toàn diện.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết - Bác sĩ khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là một vấn đề ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, học tập và hòa nhập xã hội của trẻ. Rối loạn biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ nói ngọng, nói lắp đến khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Để hiểu chi tiết hơn, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Phòng khám.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là một vấn đề ngày càng phổ biến - Ảnh: Canva
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
Ngôn ngữ đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Phát triển ngôn ngữ giúp trẻ giao tiếp với người khác, thể hiện nhu cầu, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Ngôn ngữ cũng là công cụ quan trọng để trẻ học tập và khám phá thế giới xung quanh.
Đáng chú ý là hiện nay, tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ngày càng gia tăng.
Rối loạn ngôn ngữ có thể xảy ra cùng với các rối loạn học tập khác ảnh hưởng đến khả năng đọc và viết. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể cảm thấy thất vọng vì không thể hiểu người khác hoặc không hiểu được bản thân mình và có thể hành động bất lực hoặc rút lui. Rối loạn ngôn ngữ cũng có thể biểu hiện cùng với rối loạn cảm xúc hoặc hành vi, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn lo âu.
Thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là rất quan trọng để mỗi đứa trẻ có thể nhận được sự giúp đỡ phù hợp và phát triển toàn diện.
RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ LÀ GÌ?
Hầu hết trẻ nhỏ từ 2 tháng tuổi hoặc trẻ mới biết đi từ 1 - 3 tuổi đều có thể hiểu những gì bạn nói trước khi trẻ có thể nói rõ ràng. Khi trẻ lớn lên và kỹ năng giao tiếp phát triển, hầu hết trẻ học cách biểu đạt cảm xúc của mình bằng lời nói. Nhưng một số trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chia thành 2 dạng chính:
- Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (Receptive language disorder): Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu từ ngữ mà mình nghe và đọc.
- Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt (Expressive language disorder): Trẻ gặp khó khăn khi nói chuyện với người khác và biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc.
Một trẻ thường mắc cả hai rối loạn cùng một lúc. Những rối loạn như vậy thường được chẩn đoán ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.
DẤU HIỆU TRẺ RỐI LOẠN NGÔN NGỮ
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ, khó khăn trong việc nắm bắt ý nghĩa của những từ mình nghe và đọc được. Điều này bao gồm việc mọi người nói chuyện với trẻ và những từ trẻ đọc trong sách hoặc trên biển hiệu.
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận có thể gặp khó khăn:
- Hiểu những gì mọi người nói.
- Hiểu cử chỉ.
- Hiểu các khái niệm và ý tưởng.
- Hiểu những mình đọc.
- Học từ mới.
- Trả lời câu hỏi.
- Làm theo chỉ dẫn.
- Nhận dạng đồ vật.
Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ biểu đạt gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trẻ có thể hiểu được những gì người khác nói nhưng gặp khó khăn khi cố gắng nói chuyện và thường không thể diễn tả được những gì mình đang cảm nhận, suy nghĩ.
Rối loạn có thể ảnh hưởng đến cả ngôn ngữ viết và nói. Trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ biểu đạt có thể gặp khó khăn:
- Sử dụng từ ngữ một cách chính xác.
- Thể hiện suy nghĩ và ý tưởng.
- Kể chuyện.
- Sử dụng cử chỉ.
- Hỏi những câu hỏi.
- Hát những bài hát hoặc đọc thơ.
- Đặt tên đồ vật.
Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ biểu đạt gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ diễn tả được những gì mình đang cảm nhận, suy nghĩ - Ảnh: Canva
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến vấn đề sức khỏe hoặc khuyết tật như:
- Rối loạn thần kinh như chứng tự kỷ.
- Tổn thương não bộ: chấn thương não hoặc khối u não.
- Dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, hội chứng Fragile X hoặc bại não.
- Các vấn đề trong quá trình mang thai hoặc sinh nở, chẳng hạn như dinh dưỡng kém, hội chứng rượu bào thai, sinh non hoặc nhẹ cân.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân không được xác định, nhưng trẻ có nguy cơ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ bao gồm những trẻ:
- Có tiền sử gia đình có người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ.
- Sinh non.
- Cân nặng khi sinh thấp.
- Mất thính lực.
- Tự kỷ.
- Rối loạn di truyền như hội chứng Down.
- Rối loạn phổ rượu thai nhi.
- Chấn thương sọ não.
- Khối u.
- Bại não.
- Dinh dưỡng kém.
- Chậm tăng cân.
- Thiếu hụt giao tiếp: Trẻ không được tiếp xúc với ngôn ngữ thường xuyên hoặc không được khuyến khích giao tiếp có thể gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.
CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
Rối loạn ngôn ngữ là một vấn đề thường gặp ở trẻ em và có thể điều trị được.
Nếu bạn nghi ngờ con mình có thể bị rối loạn ngôn ngữ, hãy đưa trẻ thăm khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác, loại trừ hoặc chẩn đoán các tình trạng khác, như vấn đề về thính lực,... Sau thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ dẫn cách điều trị cụ thể. Nhưng điều cần lưu ý là cha mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Cha mẹ sẽ cần phải giao tiếp với con để giúp trẻ sử dụng và hiểu ngôn ngữ.
Nhìn chung, việc điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ cần sự phối hợp của chuyên gia y tế, gia đình và giáo viên.
Âm ngữ trị liệu
Phương pháp chữa trị phổ biến cho rối loạn ngôn ngữ là âm ngữ trị liệu. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào tuổi của con, nguyên nhân cũng như mức độ tình trạng. Ví dụ, trẻ có thể tham gia vào các buổi trị liệu 1 - 1 với một chuyên viên âm ngữ trị liệu hoặc tham gia vào các buổi theo nhóm.
Các chuyên gia về âm ngữ trị liệu sẽ nói chuyện với trẻ và có thể:
- Sử dụng đồ chơi, sách, đồ vật hoặc tranh ảnh để giúp phát triển ngôn ngữ.
- Cho trẻ tập hỏi và trả lời các câu hỏi.
- Cho trẻ thực hiện các hoạt động, chẳng hạn như các hoạt động thủ công.
Chăm sóc tại nhà
- Nói rõ ràng, chậm rãi khi trò chuyện, hỏi đáp với trẻ.
- Kiên nhẫn chờ đợi khi con đưa ra một câu trả lời.
- Giữ không khí thoải mái để giảm căng thẳng.
- Yêu cầu con nhắc lại/diễn đạt lại yêu cầu của cha mẹ theo cách của mình.
Tâm lý trị liệu
Gặp khó khăn trong việc hiểu và giao tiếp với người khác có thể gây thất vọng và có thể kích thích các trạng thái hành động phản ứng. Trong trương hợp này, trẻ có thể cần tư vấn để giải quyết các vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi.
Tổng quan chung, phát triển ngôn ngữ là một quá trình quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc nên quan tâm và hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ.
Rối loạn ngôn ngữ có thể gây khó chịu cho phụ huynh, giáo viên và cả trẻ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, trẻ mắc chứng rối loạn như vậy có thể không học tốt ở trường. Trẻ cũng có thể cư xử không đúng mực vì thất vọng khi không thể giao tiếp. Nhưng rối loạn ngôn ngữ là một vấn đề có thể điều trị được.
Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch khám với các bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Yên Hòa trong thời gian sớm nhất!
Nguồn tham khảo:
- https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=language-disorders-in-children-160-238
- https://www.cdc.gov/ncbddd/developmentaldisabilities/language-disorders.html
- https://www.healthline.com/health/mixed-receptive-expressive-language-disorder
- https://bvquyhoa.vn/cac-roi-loan-than-kinh-o-tre-cham-va-roi-loan-ngon-ngu/
- https://hochiminhcity.gov.vn/-/tu-van-va-tam-soat-suc-khoe-tiep-can-roi-loan-ngon-ngu-o-tre-em-