8 điều cha mẹ cần biết về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Dưới đây là 8 điều cơ bản cha mẹ có thể tìm hiểu về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ để kịp thời cho trẻ thăm khám hoặc đồng hành cùng con trong quá trình điều trị.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết - Bác sĩ khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương
Hầu hết trẻ em đều có những lúc nghịch ngợm, thích chạy nhảy, leo trèo hoặc mất tập trung. Nhưng đối với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý, những hành động này trở thành mối lo ngại thường xuyên và ở mức độ nghiêm trọng, cản trở khả năng hoạt động hiệu quả trong các hoạt động, sinh hoạt, học tập hàng ngày của trẻ.
Dưới đây là 8 điều cơ bản cha mẹ có thể tìm hiểu về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ để kịp thời cho trẻ thăm khám hoặc đồng hành cùng con trong quá trình điều trị.
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì? Các loại rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm: biểu hiện quá mức tình trạng không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát và tăng hoạt động.
3 dạng tăng động giảm chú ý chủ yếu là giảm chú ý, tăng động/bốc đồng và kết hợp cả hai dạng trên:
- Rối loạn tăng động - nổi trội về giảm chú ý: Trẻ khó tổ chức hoặc hoàn thành một nhiệm vụ, không chú ý đến chi tiết hoặc làm theo hướng dẫn hoặc cuộc trò chuyện. Trẻ dễ bị phân tâm hoặc quên các chi tiết của thói quen hàng ngày.
- Rối loạn tăng động - nổi trội về tăng động/bốc đồng: Người bồn chồn và nói nhiều, khó để ngồi yên lâu (ví dụ như trong bữa ăn hoặc khi làm bài tập về nhà). Trẻ nhỏ hơn có thể chạy, nhảy hoặc leo trèo liên tục. Trẻ cảm thấy bồn chồn và gặp rắc rối với tính bốc đồng. Trẻ bốc đồng có thể ngắt lời người khác, cướp đồ của người khác hoặc nói vào những thời điểm không thích hợp. Trẻ có thể khó chờ đến lượt mình hoặc nghe chỉ đường.
- Rối loạn tăng động dạng kết hợp: Trẻ có các triệu chứng của hai loại trên đều hiện diện như nhau.
Trẻ chạy, nhảy hoặc leo trèo liên tục, không ngồi yên lâu - Ảnh: Canva
2. Dấu hiệu trẻ tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý khởi phát trước 7 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên, thậm chí là trưởng thành. Những trẻ mắc rối loạn này thường có biểu hiện kém chú ý, tính hấp tấp/bốc đồng, tăng hoạt động:
- Kém chú ý: Bao gồm tình trạng vô tổ chức, khó thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên mơ mộng và không chú ý khi được nói chuyện trực tiếp.
- Hay lơ đễnh trong trong học tập, công việc
- Khó duy trì sự chú ý, tập trung trong công việc, trò chơi
- Không làm theo chỉ dẫn và không hoàn thành các bài tập ở trường hay các nhiệm vụ trong gia đình
- Thường xuyên tỏ ra lơ đãng khi người khác nói chuyện với mình
- Hay quên trong sinh hoạt hàng ngày
- Hay làm mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập như sách vở, bút, thước,…
- Tính bốc đồng: Bao gồm các quyết định nhất thời, hành động vội vàng có khả năng dẫn đến kết quả tiêu cực:
- Thường xuyên bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Thường xuyên gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt mình.
- Thường xuyên áp đặt, ngắt lời người khác.
- Nói quá nhiều.
- Tăng động: gồm các hoạt động vận động quá mức, đặc biệt là trong những tình huống không phù hợp:
- Luôn ngọ nguậy chân tay hay uốn éo, vặn vẹo mình trên ghế.
- Luôn nhấp nhỏm đứng lên trong lớp học hoặc ở những nơi cần phải ngồi yên trên ghế.
- Chạy nhảy, leo trèo khắp nơi ở những nơi không cho phép (nếu là trẻ vị thành niên hay người trưởng thành có thể chỉ có cảm giác bồn chồn, khó chịu)
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật lệ của các trò chơi hoặc các hoạt động giải trí.
- Vận động liên tục không biết mệt mỏi
Tăng động giảm chú ý khởi phát trước 7 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên, thậm chí là trưởng thành - Ảnh: Canva
3. Nguyên nhân tăng động giảm chú ý
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra tăng động giảm chú ý vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy di truyền đóng vai trò quan trọng. Ngoài di truyền, các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác có thể xảy ra bao gồm:
- Tổn thương não:
- Nghiên cứu cho thấy trẻ tăng động giảm chú ý có sự bất thường về mối liên hệ giữa thùy trán, thùy thái dương, nhân đuôi và tiểu não.
- Thùy trán là phần phía trước của não. Thùy trán chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chú ý, đưa ra quyết định và sử dụng ngôn ngữ để điều khiển hành vi. Nhóm mắc tăng động giảm chú ý có thể tích não nhỏ hơn 3-4% so với nhóm chứng trên tất cả các vùng não nghiên cứu: các thuỳ trán, chất xám thuỳ thái dương, nhân đuôi và tiểu não.
- Tiếp xúc với các rủi ro về môi trường (ví dụ như chi) khi mang thai hoặc khi còn trẻ.
- Sử dụng rượu và thuốc lá khi mang thai.
- Sinh non.
- Cân nặng khi sinh thấp.
Nhiều nghiên cứu không ủng hộ quan điểm phổ biến rằng tăng động giảm chú ý là do ăn quá nhiều đường, xem quá nhiều tivi, nuôi dạy con cái không tốt hoặc các yếu tố xã hội và môi trường như nghèo đói hoặc gia đình phức tạp. Tất nhiên, những yếu tố này có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt ở một số trẻ. Nhưng bằng chứng không đủ mạnh để kết luận rằng đây là những nguyên nhân chính gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý.
4. Chẩn đoán trẻ tăng động giảm chú ý như thế nào?
- Trẻ cần được khám toàn diện, hỏi tiền sử bệnh sử để tìm hiểu nguyên nhân, quá trình diễn biến và cách ứng phó của gia đình khi nhận thấy trẻ bị tăng động giảm chú ý. Cần quan sát hành vi của trẻ ở một số hoàn cảnh khác nhau như khi chơi, hoạt động, học tập,...
- Thực hiện các bài trắc nghiệm tâm lý đánh giá khả năng trí tuệ (chỉ số IQ) cho trẻ trên 6 tuổi thông qua test Raven, Gille, vẽ hình người, WISC. Đối với trẻ dưới 6 tuổi đánh giá sự phát triển tâm vận động bằng bài test Denver II, Baley.
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá hành vi cảm xúc của trẻ bằng bảng liệt kê hành vi của trẻ em Achenbach (CBCL), thang tăng động giảm chú ý của Vanderbilt. Thang Vanderbilt gồm có 4 phần để đánh giá mức độ giảm chú ý, tăng động xung động, rối loạn hành vi chống đối và cảm xúc. Một số trẻ lớn có thể làm thêm test tâm lý khác để đánh giá các rối loạn hành vi - cảm xúc đi kèm.
- Các xét nghiệm khác nếu cần để chuẩn đoán phân biệt tăng động giảm chú ý hay các vấn đề về sức khỏe khác
5. Điều trị tăng động giảm chú ý như thế nào? Có chữa khỏi được không?
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng tăng động giảm chú ý được điều trị tốt nhất bằng cách kết hợp giữa sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý xã hội.
Đối với trẻ em độ tuổi mẫu giáo (4 - 5 tuổi) bị rối loạn tăng động giảm chú ý, liệu pháp hành vi, đặc biệt là huấn luyện cho cha mẹ, được khuyến nghị là phương pháp điều trị đầu tiên trước khi dùng thuốc. Phác đồ điều trị tốt sẽ bao gồm việc theo dõi chặt chẽ và thực hiện các thay đổi nếu cần trong quá trình điều trị.
Việc có lối sống lành mạnh cũng giúp trẻ đối phó với các triệu chứng tăng động giảm chú ý dễ dàng hơn. Dưới đây là một số hành vi lành mạnh có thể giúp ích:
- Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh như ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và lựa chọn nguồn protein nạc,...
- Tham gia hoạt động thể chất hàng ngày theo độ tuổi.
- Hạn chế thời gian sử dụng màn hình hàng ngày từ TV, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
- Ngủ đủ thời gian được khuyến nghị mỗi đêm tùy theo độ tuổi.
Chi tiết về phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý, Phòng khám đã có bài viết chia sẻ cụ thể, cha mẹ có thể tham khảo để tìm hiểu kỹ hơn.
Tình trạng tăng động giảm chú ý được điều trị tốt nhất bằng cách kết hợp giữa sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý xã hội - Ảnh: Canva
6. Triển vọng khi điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ
Mặc dù các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ không có tác dụng chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng sẽ giúp trẻ cải thiện được các hành vi, giảm được rắc rối trong các mối quan hệ xã hội hay học tập ở trường.
Tiếp nữa, trẻ không thể hết rối loạn tăng động giảm chú ý khi lớn lên, nhưng có thể học cách kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả, để các triệu chứng không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, giúp trẻ có cuộc sống trọn vẹn.
Tiên lượng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý phụ thuộc vào việc trẻ có được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị hay không. Với liệu pháp hành vi và thuốc, hầu hết trẻ em đều có cuộc sống khỏe mạnh.
Nếu không điều trị, những người bị tăng động giảm chú ý có thể gặp kết quả kém hơn và các biến chứng suốt đời:
- Rắc rối trong việc quản lý các hoạt động hàng ngày.
- Các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
- Rối loạn sử dụng chất.
- Các vấn đề liên quan đến học tập hoặc công việc như thất bại ở trường và thay đổi công việc thường xuyên.
7. Có thể phòng rối loạn tăng động giảm chú ý được không và phòng tránh như thế nào?
Vấn đề phòng bệnh khá khó khăn vì nguyên nhân tăng động giảm chú ý chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền. Các nhà khoa học tin rằng di truyền đóng vai trò chính trong sự phát triển của rối loạn tăng động giảm chú ý. Do vậy, bạn không thể ngăn chặn sự xuất hiện của tình trạng này.
Nhưng có một số yếu tố rủi ro nhất định có thể tránh được như sau:
Chăm sóc tốt mẹ bầu và an toàn sinh nở.
Phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ.
Không hút thuốc, uống rượu khi mang thai, giữ gìn sức khỏe.
Môi trường sống an toàn, ổn định, tránh nhiễm độc nhiễm trùng.
Kiểm tra sự phát triển tâm lý của trẻ, nếu thấy trẻ hiếu động nên cho đi khám và đánh giá tâm lý.
8. Khám tăng động giảm chú ý cho trẻ ở đâu tốt?
Nếu bạn thấy các dấu hiệu bất thường và lo lắng con mình có thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý nên cho trẻ thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên sâu thăm khám tâm thần trẻ em như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai,...
Với cha mẹ muốn khám đích danh với các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần giỏi, công tác tại bệnh viện lớn, hạn chế việc phải chờ đợi lâu, lựa chọn được khung giờ thăm khám để sắp xếp công việc phù hợp, có thể thăm khám tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa.
Phòng khám có các bác sĩ công tác tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai,... sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn cho trẻ, phụ huynh,... Liên hệ hotline: 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được tư vấn và đặt lịch khám.
Nguồn tham khảo:
- https://benhviennhitrunguong.gov.vn
- https://www.webmd.com/add-adhd/childhood-adhd/add-vs-adhd