Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em: Triệu chứng là gì? Làm sao để biết trẻ bị tự kỷ?

06/07/2024 00:17

Làm thế nào để xác định một đứa trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ? Triệu chứng nào cho thấy phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám tự kỷ?

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ tại Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Không khó để bắt gặp một hay nhiều trường hợp trẻ tự kỷ trong bối cảnh hiện nay. Làm thế nào để xác định một đứa trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ? Triệu chứng nào cho thấy phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám tự kỷ?

BỆNH TỰ KỶ LÀ GÌ?

Tự kỷ, hay còn được gọi là chứng Rối loạn phổ tự kỷ (ASD), là một dạng rối loạn phát triển thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau, xuất hiện phổ biến ở trẻ trước 3 tuổi và tiếp tục kéo dài sau đó. Giả thuyết cho rằng, cấu trúc não của trẻ tự kỷ có sự thay đổi bất thường ở tiểu não, thùy thái dương, bất thường sinh hóa thần kinh so với trẻ phát triển bình thường.

Trẻ tự kỷ thường gặp rắc rối trong việc tương tác với môi trường xung quanh, giao tiếp kém và có những hành vi bất thường. Số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng cao, cứ 100 trẻ thì có 1 em bị tự kỷ.

Thông thường, hình thức bên ngoài của trẻ mắc tự kỷ không có gì khác biệt với các trẻ khác. Tuy nhiên, cách mà trẻ tự kỷ giao tiếp, tương tác, cư xử, và học tập lại có phần khác biệt với hầu hết các bạn cùng tuổi. Khả năng học tập, tư duy, và giải quyết vấn đề của những đứa trẻ mắc tự kỷ có thể nằm trong phạm vi từ tài năng đến gặp khó khăn nghiêm trọng. Một số khác cần được giúp đỡ nhiều trong cuộc sống hàng ngày, số khác cần ít hơn.

hand-drawn-speech-therapy-scenes-collection_52683-78405.jpg

Trẻ tự kỷ không có khác biệt về ngoại hình, chỉ gặp khó khăn trong tương tác với mọi thứ xung quanh - Ảnh: Freepik

NHỮNG TRIỆU CHỨNG PHỔ BIẾN CỦA BỆNH TỰ KỶ

Bệnh tự kỷ bao gồm các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Mỗi trường hợp trẻ tự kỷ đều có những dấu hiệu khác nhau. Nếu quan sát con trẻ và thấy bé có nhiều hơn một trong số các triệu chứng sau đây, lặp lại trong khoảng thời gian dài, hãy đưa con đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra cùng các chuyên gia tâm lý - tâm thần uy tín:

  • Bé không nhìn bố, mẹ khi được gọi tên hoặc có những phản ứng không nhất quán
  • Trẻ trong độ tuổi từ 6 - 9 - 12 tháng không có những biểu cảm đa dạng như: cười tươi, tương tác, phản ứng vui vẻ cùng người thân, tạo những âm thanh ê a, bập bẹ bắt đầu nói, không có các hành động vươn hoặc vẫy tay, không phản hồi với những trò chơi yêu cầu tương tác
  • Trẻ 16 tháng tuổi chưa biết nói
  • Thiếu hụt sự tiếp xúc, tương tác xã hội

Ngoài ra, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ cũng bao gồm các hành vi bị hạn chế, có tính lặp lại:

  • Bé xếp hoặc chơi cùng các món đồ chơi cùng một cách mọi lúc
  • Luôn tuân theo các thói quen nhất định và có phản ứng cực đoan với những thay đổi nhỏ 
  • Các giác quan có độ nhạy cảm nhất định, thậm chí ác cảm với tiếng ồn, không thích mặc quần áo chật, kén ăn…
  • Có các hành vi tìm kiếm cảm giác, chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào đồ vật, hửi hoặc liếm đồ vật

hand-drawn-autism-infographic_23-2149399719.jpg

Những biểu hiện của chứng tự kỷ - Ảnh: Freepik

BỆNH TỰ KỶ ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN THẾ NÀO?

Không giống như các bệnh lý khác, bệnh tự kỷ không thể dựa vào các xét nghiệm lâm sàng để đưa ra kết luận cuối cùng. Chẩn đoán bệnh tự kỷ phải dựa trên sự quan sát của những người có chuyên môn về tâm lý – nhi khoa, đồng thời trẻ cần thực hiện nhiều lần các bài kiểm tra tự kỷthang đánh giá được nghiên cứu và sử dụng riêng cho bệnh nhân tự kỷ. Các bước thông thường để chẩn đoán trẻ liệu có mắc chứng tự kỷ không bao gồm:

Giám sát quá trình phát triển

Các chuyên gia về sức khỏe và vận động phát triển sẽ quan sát những hành vi của trẻ và tham khảo quá trình phát triển từ khi chào đời của bé. Nhiều chuyên gia yêu cầu bố mẹ ghi chép lại những gì mà họ quan sát được về bé trong sinh hoạt hàng ngày và báo cáo lại. Quá trình này đòi hỏi sự liên tục để có những dữ liệu thực tế và chính xác về hành vi và khả năng của trẻ.

Sàng lọc

Sàng lọc là bước cao hơn của giám sát, trong đó chuyên gia sử dụng các bài test hoặc thang đánh giá chuyên nghiệp để sàng lọc các dấu hiệu của bệnh tự kỷ.

Một loạt các câu hỏi được đặt ra cho phụ huynh kèm theo những bài kiểm tra về hành động được thiết kế để so sánh hành vi, tương tác, phản ứng của trẻ với các đứa trẻ khác cùng trang lứa. Thông thường, kết quả từ những bài test sàng lọc chưa phải là yếu tố quyết định liệu trẻ có mắc tự kỷ hay không, nhưng đây là dữ liệu quan trọng thể hiện rõ sự phát triển của trẻ có bất thường hay không.

Đánh giá chính thức (Formal Evaluation)

Đây là bước quan trọng nhất mà các chuyên gia sẽ thực hiện để có cái nhìn sâu và toàn diện hơn về sự phát triển của con bạn. Nhà tâm lý học, bác sĩ nhi khoa về phát triển vận động sẽ quan sát trẻ và thực hiện các bài kiểm tra phổ tự kỷ có cấu trúc. Họ cũng sẽ đặt những câu hỏi sâu hơn cho phụ huynh. Tất cả kết quả từ đánh giá chính thức sẽ cho biết điểm tích cực và tiêu cực ở quá trình phát triển của trẻ, đồng thời kết luận liệu trẻ có bị tự kỷ hay không.

autism-composition-with-childrens-room-flat-interior-characters-tutor-autistic-boy-playing-cubes-vec.jpg

Đánh giá chính thức là bước cuối cùng để chẩn đoán trẻ có bị tự kỷ hay không - Ảnh: Freepik

PHÒNG NGỪA BỆNH TỰ KỶ NHƯ THẾ NÀO?

Hội chứng Rối loạn phổ tự kỷ không thể phòng ngừa bằng bất cứ biện pháp thông thường nào. Những gì mà các bậc cha mẹ có thể thực hiện là giảm tối đa rủi ro mắc tự kỷ ở trẻ thông qua các gợi ý sau đây:

  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Đảm bảo rằng cả bố và mẹ thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Trong khi mang thai, người mẹ nên bổ sung các loại vitamin cần thiết để thai nhi phát triển đồng đều, khỏe mạnh.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc: Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng hoặc ngừng sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
  • Không uống bia, rượu, thức uống có cồn: Không có bất  cứ loại thức uống có cồn nào an toàn cho bà bầu và thai nhi.
  • Chấp hành đúng thời gian tiêm chủng: Tiêm tất cả các loại vaccine được bác sĩ khuyến cáo, bao gồm vaccine sởi Rubella - loại vaccine có thể ngăn chặn tự kỷ do vi-rút rubella gây nên.

Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của bệnh tự kỷ trở nên nhẹ hơn khi trẻ lớn dần. Tuy vậy, phụ huynh cần linh hoạt trong việc điều trị cho con trẻ dù ở bất cứ giai đoạn nào.

Trẻ em mắc hội chứng tự kỷ vẫn có thể có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Song, khi về già, họ cần sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những cộng đồng, tổ chức liên quan. Nhu cầu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các trường hợp trẻ tự kỷ đều cần có sự hỗ trợ liên tục từ những người xung quanh.

Nguồn tham khảo:

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8855-autism 

https://www.vinmec.com/vi/benh/tu-ky-o-tre-em-3232/ 

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC

Thang đánh giá tự kỷ CARS dành cho trẻ từ 2 tuổi
Thang đánh giá tự kỷ CARS dành cho trẻ từ 2 tuổi
06/07/2024 00:17
Có rất nhiều công cụ đánh giá khác nhau giúp phát hiện và chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ em. Một trong số những công cụ phổ biến được sử dụng nhiều tại các cơ sở khám chữa bệnh tâm lý hiện nay là CARS - Thang Đánh giá Tự kỷ ở trẻ em.
Hiểu về tự kỷ chức năng cao là gì và cách hỗ trợ
Hiểu về tự kỷ chức năng cao là gì và cách hỗ trợ
06/07/2024 00:17
Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y tế chính thức. Nó thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có khả năng đọc, viết, nói và quản lý các kỹ năng sống mà không cần nhiều sự trợ giúp.
Chậm nói và tự kỷ: giải đáp các câu hỏi thường gặp
Chậm nói và tự kỷ: giải đáp các câu hỏi thường gặp
06/07/2024 00:17
Chậm nói và tự kỷ có mối liên hệ nhất định với nhau, tuy vậy không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ. Tìm hiểu chi tiết hơn về chậm nói, tự kỷ và cách phát triển ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ trong bài viết dưới đây.
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ và những điều phụ huynh cần nắm rõ
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ và những điều phụ huynh cần nắm rõ
06/07/2024 00:17
Mặc dù gây ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ ở nhiều khía cạnh khác nhau, song hiểu rõ về rối loạn phổ tự kỷ và cách điều trị sẽ giúp con trẻ hòa nhập tốt với môi trường sống xung quanh.
Tự kỷ ám thị: khía cạnh tích cực và tiêu cực
Tự kỷ ám thị: khía cạnh tích cực và tiêu cực
06/07/2024 00:17
Tự kỷ ám thị hay tự thôi miên đề cập đến việc một người tự tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân thông qua những lời nói hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại.