Hiểu về tự kỷ chức năng cao là gì và cách hỗ trợ
Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y tế chính thức. Nó thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có khả năng đọc, viết, nói và quản lý các kỹ năng sống mà không cần nhiều sự trợ giúp.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y tế chính thức. Nó thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có khả năng đọc, viết, nói và các kỹ năng sống mà không cần nhiều sự trợ giúp. Điều đó có nghĩa là những đặc điểm và hành vi của họ không tạo ra quá nhiều gián đoạn trong các mối quan hệ, nghề nghiệp hoặc học tập. Cùng Phòng khám tìm hiểu các thông tin về tự kỷ chức năng cao trong bài viết dưới đây.
Như đã biết, rối loạn phổ tự kỷ là các rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi những khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội. Một số người tự kỷ cần sự hỗ trợ tối thiểu, trong khi những người khác cần sự hỗ trợ đáng kể hàng ngày. Tự kỷ chức năng cao thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có nhu cầu hỗ trợ thấp hơn.
Tự kỷ chức năng cao thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có nhu cầu hỗ trợ thấp hơn - Ảnh: Canva
CÁC MỨC ĐỘ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
Rối loạn phổ tự kỷ được chia thành 3 cấp độ:
- Cấp độ 1 - Cần hỗ trợ: Những người ở cấp độ này có thể có các triệu chứng không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc, học tập hoặc các mối quan hệ. Đây là điều mà hầu hết mọi người đang đề cập đến khi sử dụng thuật ngữ tự kỷ chức năng cao hoặc hội chứng Asperger.
- Cấp độ 2 - Cần hỗ trợ đáng kể: Những người ở cấp độ này cần có sự hỗ trợ đáng kể hàng ngày. Ví dụ về hỗ trợ bên ngoài bao gồm âm ngữ trị liệu và đào tạo kỹ năng xã hội.
- Cấp độ 3 - Cần hỗ trợ rất nhiều: Những người ở cấp độ này cần có sự hỗ trợ rất nhiều. Trong một số trường hợp, hỗ trợ có thể bao gồm có trợ lý toàn thời gian hoặc liệu pháp chuyên sâu.
XÁC ĐỊNH CẤP ĐỘ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ NHƯ THẾ NÀO?
Mặc dù rất khó để xác định mức độ rối loạn phổ tự kỷ, một số biện pháp thường được sử dụng để chẩn đoán tự kỷ bao gồm:
ADI - R: Bảng phỏng vấn chẩn đoán tự kỷ có điều chỉnh được sử dụng để đánh giá bệnh tự kỷ ở những trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Thang đánh giá phổ tự kỷ (ASRS) (bài test tự kỷ cho trẻ dưới 2 tuổi M-chat, bài test tự kỷ cho trẻ trên 2 tuổi CARS): ASRS sử dụng dữ liệu quan sát từ người giám hộ và giáo viên để xác định một cá nhân có đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán về bệnh tự kỷ hay không. Nó được sử dụng cho những người trong độ tuổi từ 1,5 đến 18 tuổi.
Bảng quan sát chẩn đoán tự kỷ: Đây là công cụ được thiết kế dưới dạng các hoạt động giúp đánh giá các vấn đề về giao tiếp, kĩ năng chơi, tương tác xã hội, hành vi rập khuôn và sở thích định hình.
Rối loạn phổ tự kỷ có thể được chẩn đoán sớm nhất là 18 tháng. Tuy nhiên, nhiều trẻ em và thậm chí một số người lớn có thể không được chẩn đoán cho đến rất lâu sau đó.
Việc chẩn đoán ở độ tuổi muộn hơn có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Nếu bạn hoặc bác sĩ Nhi khoa cho rằng trẻ có thể mắc chứng tự kỷ, hãy cân nhắc việc đặt lịch hẹn với chuyên gia Sức khỏe tâm thần.
TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO VÀ HỘI CHỨNG ASPERGER
Hội chứng Asperger trước đây được coi là một dạng của tự kỷ "nhẹ" hoặc "chức năng cao". Asperger được giới thiệu lần đầu trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) vào năm 1994. Người mắc hội chứng Asperger có trí thông minh trung bình hoặc cao hơn trung bình và có kỹ năng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi nhưng lại gặp nhiều khó khăn hơn với các kỹ năng xã hội.
Tổng quan chung, những người mắc hội chứng Asperger có một số triệu chứng giống với người tự kỷ, nhưng không có sự chậm trễ trong:
- Sử dụng ngôn ngữ.
- Phát triển nhận thức.
- Phát triển các kỹ năng tự lực phù hợp với lứa tuổi.
- Phát triển hành vi thích ứng.
- Phát triển sự tò mò về môi trường.
Các triệu chứng thường nhẹ hơn và ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hơn so với các triệu chứng của người tự kỷ. Họ thậm chí có thể được coi là “có chức năng cao”.
Tuy nhiên, tự kỷ chức năng cao chưa bao giờ được chẩn đoán lâm sàng chính thức và hội chứng Asperger đã bị loại khỏi DSM-5 cùng với một số rối loạn phát triển thần kinh khác. Asperger hiện được coi là một phần của phổ tự kỷ và không còn được chẩn đoán là một tình trạng riêng biệt nữa.
Trẻ tự kỷ chức năng cao cần ít sự hỗ trợ hơn
Các triệu chứng thường nhẹ hơn và ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hơn so với các triệu chứng của người tự kỷ - Ảnh: Canva
HỖ TRỢ NGƯỜI BỆNH TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO NHƯ THẾ NÀO?
Không có bất kỳ khuyến nghị tiêu chuẩn nào về hỗ trợ cho các cấp độ rối loạn phổ tự kỷ khác nhau. Việc hỗ trợ tùy thuộc vào triệu chứng riêng của mỗi người.
Những người có mức độ rối loạn phổ tự kỷ khác nhau đều có thể cần những hình thức hỗ trợ khác nhau, nhưng những người mắc rối loạn phổ tự kỷ cấp độ 2 hoặc cấp độ 3 có thể sẽ cần hỗ trợ chuyên sâu và lâu dài hơn những người mắc rối loạn phổ tự kỷ cấp độ 1.
Các hình thức hỗ trợ có thể bao gồm:
- Âm ngữ trị liệu: Rối loạn phổ tự kỷ có thể gây ra nhiều vấn đề về giọng nói. Một số người tự kỷ có thể không nói được gì cả, trong khi những người khác có thể gặp khó khăn khi trò chuyện với người khác. Âm ngữ trị liệu có thể giúp giải quyết các vấn đề về ngôn ngữ.
- Vật lý trị liệu: Một số người tự kỷ gặp rắc rối với kỹ năng vận động. Điều này có thể khiến các hành động như nhảy, đi bộ hoặc chạy trở nên khó khăn. Vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện kỹ năng vận động.
- Trị liệu nghề nghiệp: Liệu pháp nghề nghiệp có thể giúp bạn học cách sử dụng tay, chân hoặc các bộ phận cơ thể khác hiệu quả hơn. Điều này có thể làm cho công việc hàng ngày và làm việc dễ dàng hơn.
- Rèn luyện giác quan: Người tự kỷ thường nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng và xúc giác. Rèn luyện giác quan giúp mọi người trở nên thoải mái hơn với thông tin đầu vào từ giác quan.
- Phân tích hành vi ứng dụng (ABA): Đây là một kỹ thuật khuyến khích các hành vi tích cực hoặc hữu ích đồng thời giảm thiểu các hành vi cản trở chức năng. Có một số loại phân tích hành vi ứng dụng (ABA), nhưng hầu hết đều sử dụng hệ thống khen thưởng.
- Thuốc: Mặc dù không có bất kỳ loại thuốc nào được thiết kế để điều trị rối loạn phổ tự kỷ, nhưng một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc. Khoảng 70% người tự kỷ có ít nhất một chẩn đoán bệnh đi kèm, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, trầm cảm, lưỡng cực, rối loạn tâm thần,...
Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y khoa và không có định nghĩa rõ ràng. Việc sử dụng thuật ngữ này có thể đang đề cập đến một bệnh tương tự như phổ tự kỷ cấp độ 1. Nếu bạn cho rằng bạn hoặc con bạn có bất kỳ triệu chứng nào của rối loạn phổ tự kỷ, hãy cho trẻ thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần.
Nguồn tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/high-functioning-autism
- https://www.verywellmind.com/what-is-high-functioning-autism-5198358