Chậm nói và tự kỷ: giải đáp các câu hỏi thường gặp

04/07/2024 18:02

Chậm nói và tự kỷ có mối liên hệ nhất định với nhau, tuy vậy không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ. Tìm hiểu chi tiết hơn về chậm nói, tự kỷ và cách phát triển ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ trong bài viết dưới đây.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Thị  Anh Thoa - Bác sĩ Điều trị Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chậm nói là tình trạng trẻ có khả năng ngôn ngữ phát triển chậm hơn so với trẻ cùng độ tuổi. Tự kỷ là một rối loạn phát triển ảnh hưởng đến giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Hai vấn đề này có mối liên hệ nhất định với nhau, nhưng không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ. Cùng Phòng khám tìm hiểu và giải đáp các câu hỏi thường gặp về chậm nói và tự kỷ trong bài viết dưới đây. 

cham-noi-va-tu-ky.png

Tìm hiểu về chậm nói và tự kỷ ở trẻ - Ảnh: Canva

CHẬM NÓI Ở TRẺ

Trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (cụm 2 từ). Cha mẹ nên để ý các dấu hiệu như:

  • 12 tháng: trẻ chưa bập bẹ thành tiếng.
  • 18 tháng: trẻ chưa nói được các từ đơn.
  • 2 tuổi: không biết sử dụng cụm 2 từ, chưa nói được ít nhất 50 từ
  • 2 tuổi - 2,5 tuổi: chưa nói được cụm từ 2 - 3 từ.

TỰ KỶ Ở TRẺ

Tự kỷ là các rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn, và sự phát triển trí tuệ không đều đôi khi có khuyết tật về trí tuệ. (MSD Manual)

Các dấu hiệu báo động tự kỷ ở trẻ trước 24 tháng:

  • Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi
  • Không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: chỉ tay vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp,…
  • Không nói được từ đơn khi 16 tháng
  • Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng
  • Mất kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Bên cạnh đó, ở trẻ tự kỷ sẽ thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội, trẻ thường không tập trung, không có tương tác với người đang giao tiếp với mình, không giao tiếp bằng mắt, hầu như không có biểu cảm trên khuôn mặt.

Tiếp nữa, hầu hết các trẻ bị tự kỷ đều bị rối loạn về hành vi. Cha mẹ có thể quan sát các dấu hiệu rối loạn hành vi như tăng động, đi kiễng chân, chạy vòng tròn, nhìn tay, nghiêng đầu nhìn, cho tay vào miệng,…

tre-tang-dong.png

Tăng động là hành vi thường thấy ở trẻ tự kỷ - Ảnh: Canva

TRẺ CHẬM NÓI CÓ PHẢI TỰ KỶ KHÔNG?

Tình trạng chậm nói ở trẻ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể do các vấn đề về lưỡi, vòm miệng, vấn đề về thính lực, các bệnh lý về thần kinh, thiếu sự tương tác trực tiếp,... 

Với trẻ chậm nói, ngôn ngữ của trẻ phát triển nhưng tốc độ chậm hơn so với các trẻ cùng độ tuổi khác. Trẻ chậm nói vẫn có khả năng nghe hiểu, tương tác với người khác vẫn bình thường.

Còn với trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn về tương tác, giao tiếp xã hội, không tương tác với người đối diện, chẳng hạn như người khác gọi nhưng không phản ứng, không quay lại, không giao tiếp bằng mắt,... 

Lấy ví dụ về trẻ A và trẻ B với các biểu hiện: 

  • Trẻ A: chưa nói được nhiều lúc 2 tuổi. Tuy nhiên, dù chưa nói được nhiều từ nhưng trẻ lại phát ra những âm thanh bập bẹ và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với những người xung quanh. Trẻ chỉ tay, lôi kéo mọi người tới những thứ mình muốn và tương tác với người khác. Trẻ tích cực chơi với bố mẹ và anh chị em. 
  • Trẻ B bằng buổi trẻ A. Trẻ B có thể nói những từ đơn lẻ và nói lặp đi lặp lại một số từ với chính mình nhưng không sử dụng để giao tiếp. Trẻ B vẫn chưa biết cách sử dụng cử chỉ, âm thanh hoặc từ ngữ để yêu cầu thứ mình muốn. Cha mẹ gần như không thể giữ được sự chú ý trẻ quá vài giây.

Trẻ A có thể bị chậm nói và cần có những hình thức can thiệp khác. Còn trẻ B mặc dù có thể sử dụng một vài từ nhưng có thể dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tự kỷ.

Nhìn chung, trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp, bao gồm cả khả năng nói. Do đó, một số trẻ tự kỷ có thể chậm nói hoặc không nói được. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ.

TRẺ TỰ KỶ CHẬM NÓI VÀ CÁCH PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ TỰ KỶ

Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ khó khăn cả về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ,...). Thăm khám và can thiệp sớm là chìa khóa giúp trẻ tự kỷ chậm nói cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. 

Dưới đây là một số phương pháp:

Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ

Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ được thực hiện bởi chuyên gia ngôn ngữ, giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. Chuyên gia sẽ đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ và xây dựng chương trình can thiệp phù hợp.

Các hoạt động can thiệp có thể bao gồm:

  • Khuyến khích trẻ bập bẹ và nói.
  • Dạy trẻ cách phát âm các âm thanh và từ ngữ.
  • Giúp trẻ hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.
  • Phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.

Dạy trẻ cách chơi đồ chơi và chơi với người khác

Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình có thể học cách chơi và tương tác với con theo những cách thúc đẩy kỹ năng tương tác xã hội, quản lý hành vi cũng như dạy các kỹ năng sống và giao tiếp hàng ngày.

Các hoạt động chơi có thể bao gồm:

  • Chơi trò chơi đơn giản, ví dụ như ú òa, ném bóng.
  • Chơi trò chơi đóng vai, ví dụ như bác sĩ - bệnh nhân, bán hàng - mua hàng.
  • Chơi trò chơi tập thể, ví dụ như xếp hình,...

Tập trung vào giao tiếp phi ngôn ngữ

Cử chỉ và ánh mắt giúp xây dựng nền tảng cho ngôn ngữ. Khuyến khích con bằng cách làm gương và đáp lại những hành vi này. Sử dụng cả cơ thể và giọng nói khi giao tiếp, chẳng hạn như đưa tay ra để chỉ khi bạn nói “nhìn” và gật đầu khi bạn nói “có”. Sử dụng những cử chỉ mà trẻ dễ bắt chước. 

Hỗ trợ từ gia đình

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ chậm nói. Một số cách cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ bao gồm:

  • Nói chuyện và tương tác với trẻ thường xuyên.
  • Đọc sách cho trẻ nghe.
  • Chơi trò chơi với trẻ.
  • Khuyến khích trẻ giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ.
  • Kiên nhẫn và yêu thương con trong quá trình điều trị.

Lưu ý:

  • Mức độ chậm nói và biểu hiện của trẻ tự kỷ có thể khác nhau.
  • Việc lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp cần được thực hiện bởi chuyên gia.
  • Cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con trong quá trình điều trị.

Để nhận biết chính xác trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ hay không, cha mẹ nên quan sát và cho bé đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để có bác sĩ chuyên môn chẩn đoán, xác định mức độ để can thiệp. 

Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa chuyên sâu về thăm khám các bệnh lý sức khỏe tâm thần ở mọi lứa tuổi. Trẻ tự kỷ sẽ được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu, nhiệt tình. Cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho trẻ tại nhà. 

Tổng quan với trẻ chậm nói hay trẻ tự kỷ điều quan trọng là cần thăm khám, phát hiện và can thiệp điều trị sớm, tránh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” điều trị, sẽ khó khăn cho việc can thiệp về sau. 
 

Nguồn tham khảo:

  1. https://benhviennhitrunguong.gov.vn/tre-cham-noi-va-ly-do-khong-the-ngo-toi.html
  2. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/
  3. https://www.verywellhealth.com/is-late-speech-a-sign-of-autism-259888
  4. http://bvttvinhphuc.com/pho-bien-kien-thuc/164-bai-17-huong-dan-chan-doan-va-can-thiep-roi-loan-tu-ky.html
  5. https://pslcautism-ng.org/7-strategies-to-encourage-language-development-in-autistic-children/

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC

Thang đánh giá tự kỷ CARS dành cho trẻ từ 2 tuổi
Thang đánh giá tự kỷ CARS dành cho trẻ từ 2 tuổi
04/07/2024 18:02
Có rất nhiều công cụ đánh giá khác nhau giúp phát hiện và chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ em. Một trong số những công cụ phổ biến được sử dụng nhiều tại các cơ sở khám chữa bệnh tâm lý hiện nay là CARS - Thang Đánh giá Tự kỷ ở trẻ em.
Hiểu về tự kỷ chức năng cao là gì và cách hỗ trợ
Hiểu về tự kỷ chức năng cao là gì và cách hỗ trợ
04/07/2024 18:02
Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y tế chính thức. Nó thường được dùng để chỉ những người tự kỷ có khả năng đọc, viết, nói và quản lý các kỹ năng sống mà không cần nhiều sự trợ giúp.
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em: Triệu chứng là gì? Làm sao để biết trẻ bị tự kỷ?
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em: Triệu chứng là gì? Làm sao để biết trẻ bị tự kỷ?
04/07/2024 18:02
Làm thế nào để xác định một đứa trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ? Triệu chứng nào cho thấy phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám tự kỷ?
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ và những điều phụ huynh cần nắm rõ
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ và những điều phụ huynh cần nắm rõ
04/07/2024 18:02
Mặc dù gây ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ ở nhiều khía cạnh khác nhau, song hiểu rõ về rối loạn phổ tự kỷ và cách điều trị sẽ giúp con trẻ hòa nhập tốt với môi trường sống xung quanh.
Tự kỷ ám thị: khía cạnh tích cực và tiêu cực
Tự kỷ ám thị: khía cạnh tích cực và tiêu cực
04/07/2024 18:02
Tự kỷ ám thị hay tự thôi miên đề cập đến việc một người tự tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân thông qua những lời nói hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại.