Chứng hoảng sợ khi ngủ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Chứng hoảng sợ khi ngủ thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 12 tuổi và ít xảy ra ở người lớn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BS Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Hội chứng hoảng sợ khi ngủ, hay hoảng sợ ban đêm, là một rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh trải qua những cơn sợ hãi dữ dội trong khi đang ngủ. Chứng hoảng sợ khi ngủ thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 12 tuổi và ít xảy ra ở người lớn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh.
Hoảng sợ khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ ở trẻ em - Ảnh: Canva
TRIỆU CHỨNG CHỨNG HOẢNG SỢ KHI NGỦ
Trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ, trong giai đoạn giấc ngủ kinh hoàng có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đột nhiên ngồi dậy trên giường với biểu hiện sợ hãi tột độ, mắt mở to, đổ mồ hôi, thở mạnh, tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, đồng tử giãn ra.
- La hét.
- Có thể đá chân, đập tay.
- Khó thức dậy và bối rối nếu bị đánh thức.
- Có thể ra khỏi giường và chạy quanh nhà hoặc có hành vi hung hăng nếu bị chặn hoặc giữ lại.
Sau khi tỉnh dậy, trẻ thường không nhớ gì về cơn hoảng sợ. Hầu hết các cơn chỉ kéo dài vài phút nhưng có thể mất tới 30 phút để trẻ thư giãn và ngủ trở lại.
Cần phần biệt hoảng sợ khi ngủ với ác mộng. Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ khiến trẻ thức giấc và sợ ngủ lại. Ác mộng có thể xảy ra mà không rõ lý do, nhưng đôi khi xảy ra khi trẻ nhìn thấy hoặc nghe thấy những điều khiến trẻ khó chịu. Đây có thể là những điều thực sự xảy ra hoặc chỉ là chuyện tưởng tượng. Ác mộng thường liên quan đến các giai đoạn phát triển của trẻ: trẻ mới biết đi có thể mơ thấy mình bị tách khỏi cha mẹ; trẻ mẫu giáo có thể mơ về quái vật hoặc bóng tối; trẻ em trong độ tuổi đi học có thể mơ về cái chết hoặc những mối nguy hiểm thực sự.
Có thể phân biệt hoảng sợ khi ngủ và ác mộng như sau:
Hoảng sợ khi ngủ | Ác mộng |
Chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em | Ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn |
La hét, quằn quại, nhảy ra khỏi giường, mở mắt nhưng chưa tỉnh, không nhớ gì về cơn hoảng sợ | Cảm giác sợ hãi mạnh mẽ, có thể thức dậy và nhớ lại giấc mơ |
Xảy ra vào đầu đêm, đôi khi nhiều lần, kéo dài tới 15 phút | Xảy ra vào đêm muộn |
NGUYÊN NHÂN HỘI CHỨNG HOẢNG SỢ KHI NGỦ
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng hoảng sợ khi ngủ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tăng nguy cơ bao gồm:
- Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc có thể khiến cơ thể và tinh thần căng thẳng, dẫn đến nguy cơ cao mắc hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
- Căng thẳng: Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
- Lo âu: Người có tiền sử mắc các rối loạn lo âu có nguy cơ cao hơn mắc hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc hội chứng hoảng sợ khi ngủ hoặc mộng du, bạn cũng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, có thể gây ra tác dụng phụ là hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ khác: Một số rối loạn giấc ngủ như chứng ngủ rũ, chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể dẫn đến hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
Trẻ stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn giấc ngủ - Ảnh: Canva
KHI NÀO CẦN THĂM KHÁM VỚI BÁC SĨ?
Đôi khi chứng hoảng sợ khi ngủ thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện sau nên cho trẻ thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa:
- Hoảng sợ khi ngủ xảy ra thường xuyên.
- Thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình.
- Dẫn đến những lo ngại về an toàn hoặc thương tích.
- Dẫn đến buồn ngủ cực độ vào ban ngày hoặc các vấn đề với các hoạt động hàng ngày.
- Chứng hoảng sợ khi ngủ tiếp tục sau tuổi thiếu niên hoặc bắt đầu khi trưởng thành.
THĂM KHÁM, CHẨN ĐOÁN CHỨNG HOẢNG SỢ KHI NGỦ NHƯ THẾ NÀO?
Nếu nhận thấy các triệu chứng hoảng sợ khi ngủ ở trẻ, cha mẹ nên sắp xếp cho trẻ thăm khám sớm. Bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán dựa vào các yếu tố sau:
- Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, thời gian xuất hiện, mức độ nghiêm trọng, tần suất và các yếu tố liên quan.
- Trao đổi người thân cung cấp thông tin về các biểu hiện của trẻ trong lúc ngủ, như la hét, cử động bất thường hay đứng dậy đi lại,...
- Ghi chép nhật ký giấc ngủ: Ghi chép lại thời gian ngủ, thời gian thức dậy, chất lượng giấc ngủ và các sự kiện xảy ra trong đêm có thể giúp ích cho chẩn đoán.
- Đo điện não đồ (EEG): EEG là phương pháp đo hoạt động điện của não, có thể giúp xác định các rối loạn giấc ngủ khác có thể liên quan đến hội chứng hoảng sợ khi ngủ.
LÀM THẾ NÀO KHI TRẺ XUẤT HIỆN CƠN HOẢNG SỢ KHI NGỦ?
Trong cơn hoảng sợ, người thân nên:
- Giữ bình tĩnh và chờ đợi người bệnh bình tĩnh lại.
- Không nói chuyện với trẻ hoặc cố gắng ngăn trẻ di chuyển, trừ khi trẻ có nguy cơ làm tổn thương chính mình hoặc người khác.
- Đừng cố đánh thức trẻ - trẻ có thể không nhận ra bạn và có thể khó chịu hơn nếu bạn cố gắng an ủi.
- Nếu trẻ gặp cơn hoảng sợ vào cùng một thời điểm mỗi đêm, hãy thử đánh thức trẻ dậy 15 phút trước cơn hoảng sợ. Điều này đôi khi có thể ngăn chặn chứng hoảng sợ khi ngủ xảy ra.
Mục tiêu điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn hoảng sợ, cải thiện chất lượng giấc ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Điều trị các vấn đề sức khỏe hiện tại là yếu tố nguy cơ gây ra chứng hoảng sợ ban đêm.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) giúp người bệnh nhận thức và thay đổi, giảm bớt các suy nghĩ tiêu cực, lo âu.
- Thuốc: tuy nhiên hiếm khi được sử dụng.
LƯU Ý CHA MẸ CÁCH CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
Mặc dù có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc, nhưng cha mẹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi cực độ có thể góp phần gây ra chứng hoảng sợ khi ngủ. Nếu trẻ không ngủ đủ giấc, hãy thử đi ngủ sớm hơn và có lịch trình ngủ đều đặn hơn. Nếu có thể, hãy tránh tiếng ồn hoặc những kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Thiết lập thói quen thư giãn đều đặn trước khi đi ngủ: Thực hiện các hoạt động yên tĩnh, êm dịu trước khi đi ngủ: đọc sách, các bài tập thiền hoặc thư giãn cũng có thể hữu ích. Tạo cho phòng ngủ không gian thoải mái và yên tĩnh để ngủ. Tránh dùng caffeine gần giờ đi ngủ.
- Chú ý an toàn khu vực xung quanh nhà: Để giúp ngăn ngừa thương tích, hãy đóng và khóa tất cả cửa sổ và cửa ra vào vào ban đêm. Di chuyển dây điện hoặc các đồ vật khác có thể gây nguy cơ vấp ngã. Không sử dụng giường tầng nếu có thể. Đặt bất kỳ vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ nào ngoài tầm với.
- Xác định những điều gây căng thẳng: Hãy nghĩ cách để giải quyết căng thẳng. Nếu trẻ có vẻ lo lắng hoặc căng thẳng, hãy nói về điều đang khiến con bận tâm.
- Bình tĩnh khi trẻ trong cơn hoảng sợ: Nếu trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ, hãy bình tĩnh chờ cơn hoảng sợ qua đi. Có thể bạn sẽ thấy khó chịu khi chờ đợi nhưng nó sẽ không gây hại cho con. Bạn có thể âu yếm và nhẹ nhàng xoa dịu trẻ, sau đó cố gắng đưa trẻ trở lại giường. Nói nhẹ nhàng và bình tĩnh. Đừng la hét. Đừng cố gắng đánh thức trẻ hoặc giữ trẻ không cử động.
- Ghi nhật ký giấc ngủ: Nếu con mắc chứng sợ hãi khi ngủ, hãy ghi nhật ký giấc ngủ. Trong một vài tuần, hãy để ý xem cơn hoảng sợ khi ngủ xảy ra bao nhiêu phút sau khi đi ngủ. Nếu thời gian khá nhất quán, có thể đánh thức trẻ trước thời gian cơn hoảng sợ xảy đến.
Chứng hoảng sợ khi ngủ có thể khiến cha mẹ phiền lòng, cảm thấy bất lực khi không thể an ủi con mình. Nhưng cơ bản, trẻ vẫn ổn và có thể sẽ không nhớ về cơn hoảng sợ đã trải qua. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em gặp chứng hoảng sợ khi ngủ nhưng hầu hết khi lớn lên chứng hoảng sợ sẽ biến mất.
Hiểu được chứng hoảng sợ khi ngủ có thể giúp cha mẹ giảm bớt lo lắng và giúp trẻ có một giấc ngủ ngon. Nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy cho trẻ thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần để được tư vấn. Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch khám với các bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Yên Hòa trong thời gian sớm nhất!
Nguồn tham khảo: