Tìm hiểu các dạng rối loạn lo âu phổ biến và rối loạn lo âu có nguy hiểm không?

05/07/2024 10:17

Hiểu được các dạng rối loạn lo âu khác nhau có thể giúp người bệnh, người nhà nhận ra các triệu chứng cần lưu ý và kịp thời thăm khám, điều trị.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Thị Anh Thoa - Bác sĩ điều trị khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương

Mỗi dạng rối loạn lo âu sẽ gây ra các triệu chứng, biểu hiện khác nhau nhưng đều cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hiểu được các dạng rối loạn lo âu khác nhau có thể giúp người bệnh, người nhà nhận ra các triệu chứng cần lưu ý và kịp thời thăm khám, điều trị. Dưới đây là thông tin chi tiết, làm rõ hơn về các dạng rối loạn lo âu phổ biến. 

cac-dang-roi-loan-lo-au.png

Mỗi dạng rối loạn lo âu sẽ gây ra các triệu chứng, biểu hiện khác nhau - Ảnh: Canva

TÌM HIỂU CÁC DẠNG RỐI LOẠN LO ÂU PHỔ BIẾN

Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa là rối loạn lo âu phổ biến nhất trong các dạng rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số. 

Người bệnh rối loạn lo âu lan tỏa thường có xu hướng lo lắng về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm công việc, tài chính, sức khỏe, mối quan hệ và các sự kiện hàng ngày,... Lo lắng này không tỷ lệ với mức độ thực tế của tình huống và lo lắng thường không đi qua sau một sự kiện cụ thể. 

Người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như mệt mỏi, khó tập trung, kích động, khó ngủ và cảm giác căng thẳng cơ thể.

Ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội là một dạng rối loạn lo âu trong đó người bệnh sợ hãi và lo lắng mạnh mẽ khi đối mặt với các tình huống xã hội như biểu diễn trên sân khấu, nói trước công chúng hoặc tham dự những sự kiện, gặp gỡ người mới,...

Các triệu chứng bao gồm lo lắng căng thẳng, sợ bị phê phán, sợ bị coi thường, sợ trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Một số trường hợp người bệnh có thể xấu hổ hoặc cảm thấy bản thân bị sỉ nhục.

Ám ảnh sợ xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe tổng thể. Người bệnh có thể tránh các tình huống xã hội hoặc trải qua cảm giác không thoải mái, căng thẳng nếu không thể tránh. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, sự phát triển cá nhân, quan hệ tình cảm và khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội.

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là một loại rối loạn lo âu mà người bệnh trải qua các cơn hoảng loạn không kiểm soát được. Các cơn hoảng loạn thường xuất hiện đột ngột và kéo dài khoảng 5 - 10 phút.

Trong cơn hoảng loạn, người bệnh gặp phải một loạt các triệu chứng thể chất và tinh thần dữ dội xảy ra rất nhanh: 

  • Về thể chất: cảm giác nghẹt thở, nhức đầu, tim đập nhanh, nhức mỏi, cảm giác buồn nôn hoặc đau bụng,...
  • Về tinh thần: các triệu chứng tâm lý có thể bao gồm sợ hãi mất kiểm soát, cảm giác sợ chết, sợ điên hoặc sợ mất kiểm soát về các triệu chứng vật lý 

Số lần cơn hoảng sợ người bệnh gặp phải sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Một số người xuất hiện các cơn hoảng sợ một hoặc hai lần một tháng, trong khi những người khác lại khoảng vài lần một tuần.

Rối loạn hoảng sợ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe tổng thể. Người bệnh thường sống trong sự lo lắng không kiểm soát và sợ hãi một cơn hoảng loạn sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều này có thể dẫn đến hạn chế các hoạt động xã hội, tránh xa những nơi hoặc tình huống gây ra hoảng loạn, ảnh hưởng đến tình cảm, công việc và mối quan hệ.

Ám ảnh sợ khoảng trống

Ám ảnh sợ sợ khoảng trống (ám ảnh sợ không gian rộng) là một loại rối loạn lo âu, người bệnh sợ hãi khi ở trong những tình huống hoặc địa điểm mà họ cho rằng khó thoát ra hoặc không có sự giúp đỡ nếu mọi chuyện xảy ra không như ý.

Người mắc ám ảnh sợ khoảng trống thường sợ rời khỏi môi trường mà họ biết hoặc coi là an toàn. Ở những trường hợp nặng, người bệnh coi nhà của mình là môi trường duy nhất an toàn. Người bệnh có thể không ra khỏi nhà trong vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí cả năm.

Nhìn chung, người bị ám ảnh sợ khoảng trống thường có sự sợ hãi mạnh mẽ và tránh xa các tình huống hoặc địa điểm như đám đông, nơi công cộng, đi lại trên phương tiện giao thông công cộng,... và không thể rời khỏi nhà một mình.

roi-loan-lo-au-am-anh-so-khoang-trong.png

Người bệnh sợ hãi khi ở trong những tình huống hoặc địa điểm mà họ cho rằng khó thoát ra - Ảnh: Canva

Rối loạn lo âu chia ly (rối loạn lo âu vì xa cách)

Rối loạn lo âu chia ly, còn được gọi là rối loạn chia ly, là một loại rối loạn lo âu mà người bệnh có sự sợ hãi mạnh mẽ và căng thẳng liên quan đến việc chia ly/tách rời khỏi những người thân yêu, những người mà bản thân có mối quan hệ tình cảm sâu sắc, chẳng hạn như cha mẹ, người chăm sóc,... Người bệnh có thể trở nên hoang mang, khóc, yêu cầu không rời xa người thân, hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động mà yêu cầu phải chia ly. Rối loạn này thường xuất hiện ở trẻ em và có thể kéo dài vào độ tuổi trưởng thành.

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

Chứng ám ảnh sợ chuyên biệt là ám ảnh sợ hãi mãnh liệt, phi lý về một đồ vật hoặc hành động cụ thể, ví dụ như sợ côn trùng (chẳng hạn như sâu bướm, nhện,...), sợ độ cao, sợ máy bay, sợ tiêm, sợ máy móc, sợ máu, sợ nước, sợ chó,... Mỗi loại ám ảnh sợ có các triệu chứng cụ thể và yếu tố kích hoạt riêng.

Người bị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt thường có sự sợ hãi mạnh mẽ, căng thẳng hoặc hoảng loạn khi tiếp xúc hoặc nghĩ về vật/tình huống gây ra ám ảnh. 

Rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là một loại rối loạn lo âu, gây ra bởi các sự kiện đáng sợ hoặc đau buồn, gọi là sang chấn. Rối loạn stress sau sang chấn có thể gây ra một loạt các triệu chứng và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng chính bao gồm:

  • Kích động: cảm giác bất an, lo lắng, khó chịu, dễ cáu gắt.
  • Tái hiện: những cảm giác, suy nghĩ hoặc ký ức liên quan đến sự kiện gốc được hồi thưởng thông qua cơn ác mộng,...
  • Tránh né: cố gắng tránh những tình huống, người, địa điểm hoặc hoạt động gợi nhớ lại sự kiện đau buồn,...
  • Khó tập trung, dễ bị phân tâm, mất ngủ, giật mình dễ dàng.
  • Thay đổi trong tư duy và cảm xúc: không cảm xúc, cảm giác tự trách bản thân, tự ti, cảm giác tuyệt vọng hoặc suy nghĩ tự tử.

Chứng câm chọn lọc 

Chứng câm chọn lọc ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, đặc trưng bởi việc người bệnh không thể nói hoặc không thể sử dụng ngôn ngữ trong một số tình huống xã hội nhất định, trong khi vẫn có khả năng nói và sử dụng ngôn ngữ bình thường trong những tình huống khác. Ví dụ như nhiều trẻ có thể nói chuyện ở gia đình, với bạn thân nhưng đến trường lại không nói.

Nguyên nhân chính của chứng câm chọn lọc chưa được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền, rối loạn lo âu, môi trường gia đình căng thẳng, trầm cảm hoặc sự thay đổi lớn trong cuộc sống có thể góp phần vào sự phát triển của chứng này.

RỐI LOẠN LO ÂU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Dù người bệnh được chẩn đoán mắc dạng rối loạn lo âu nào thì rối loạn lo âu nói chung cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày. Việc mắc chứng rối loạn lo âu (sợ hãi, lo âu kéo dài) có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất khác, chẳng hạn như:

  • Ảnh hưởng đến tình cảm và quan hệ xã hội: Rối loạn lo âu có thể làm cho người bệnh cảm thấy bất an, sợ hãi, không tự tin và khó khăn trong việc giao tiếp, các mối quan hệ xã hội. Từ đó có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, cách ly xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ gia đình, bạn bè,...
  • Ảnh hưởng đến sự hoạt động hàng ngày: Rối loạn lo âu có thể gây ra khó khăn trong việc tập trung, quyết định và thực hiện các công việc hàng ngày, làm giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập,...
  • Trầm cảm (thường xảy ra với chứng rối loạn lo âu) hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
  • Các vấn đề về sức khỏe thể chất: 
    • Khó ngủ (mất ngủ)
    • Vấn đề về Tiêu hóa
    • Vấn đề về Tim mạch: rối loạn lo âu có thể gây ra tình trạng nhịp tim nhanh và đau ngực,... Người bệnh cũng có thể có nguy cơ cao mắc huyết áp cao và bệnh tim. Nếu bạn đã mắc bệnh tim, rối loạn lo âu có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về mạch vành.
    • Nhức đầu và đau mãn tính: lo lắng kéo dài và cơn hoảng loạn có thể khiến cơ thể đều đặn tiết ra hormone căng thẳng, điều này có thể làm tăng tần suất các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và trầm cảm.
  • Tăng nguy cơ tự tử: Một số rối loạn lo âu nghiêm trọng, như rối loạn lo âu xã hội và tình trạng rối loạn lo âu nặng có thể gây tăng nguy cơ tự tử. Người bị rối loạn lo âu do vậy cần được theo dõi và hỗ trợ tâm lý đầy đủ để đảm bảo an toàn.

Một người có thể trải qua nhiều chứng rối loạn lo âu cùng một lúc. Quan trọng nhất là người bệnh, người nhà cần nhận ra rằng rối loạn lo âu là một vấn đề nghiêm trọng và cần được thăm khám, điều trị sớm. Nếu bạn hoặc ai đó có triệu chứng của rối loạn lo âu, hãy tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ chuyên Tâm thần để được đánh giá, điều trị phù hợp. 

Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch khám trong thời gian sớm nhất!

Nguồn tham khảo:

 

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC

Rối loạn lo âu bệnh tật: đừng quá bi quan với triệu chứng cơ thể
Rối loạn lo âu bệnh tật: đừng quá bi quan với triệu chứng cơ thể
05/07/2024 10:17
Việc mọi người thỉnh thoảng lo lắng về sức khỏe của mình là điều bình thường. Nhưng những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật thường rất lo lắng liệu họ có đang mắc phải một căn bệnh rất nặng, hoặc bệnh nan y.
Rối loạn lo âu có chữa được không? Tổng hợp phương pháp điều trị
Rối loạn lo âu có chữa được không? Tổng hợp phương pháp điều trị
05/07/2024 10:17
Phòng khám giải đáp câu hỏi rối loạn lo âu có chữa được không trong nội dung dưới đây để người bệnh hoặc người thân đang đồng hành cùng bệnh nhân có thông tin tham khảo và tìm cách điều trị hiệu quả.
Overthinking - suy nghĩ quá mức: hiểu về tác động và cách đối phó
Overthinking - suy nghĩ quá mức: hiểu về tác động và cách đối phó
05/07/2024 10:17
Trong cuộc sống hiện đại, Overthinking hay suy nghĩ quá mức đã trở thành một vấn đề phổ biến. Overthinking làm tinh thần kiệt quệ, nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần: trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống,...
Rối loạn lo âu hậu COVID-19
Rối loạn lo âu hậu COVID-19
05/07/2024 10:17
Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới, trong đó không ít người mắc rối loạn lo âu hậu COVID-19.
Suy nghĩ lo lắng quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Suy nghĩ lo lắng quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
05/07/2024 10:17
Lo lắng, suy nghĩ quá nhiều không chỉ tác động tiêu cực đến tâm trạng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hiểu được tác hại của lo âu kéo dài sẽ giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.