Stress là gì? Ảnh hưởng của stress đến cuộc sống của người bệnh

06/07/2024 00:01

Mỗi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, cách mà bạn phản ứng với căng thẳng sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực hoặc tiêu cực đối với sức khỏe tổng quát của bạn.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Th.S, Bác sĩ Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E.

Stress, có thể được hiểu là sự thay đổi bất thường gây ra tình trạng mệt mỏi, căng thẳng về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý. Đó là một trong những phản ứng của cơ thể khi cần sự chú ý hoặc một hành động cụ thể.

Mỗi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, cách mà bạn phản ứng với căng thẳng sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực hoặc tiêu cực đối với sức khỏe tổng quát của bạn.

STRESS LÀ GÌ?

Stress là tình trạng cơ thể chúng ta phản ứng trước những áp lực trong cuộc sống. Nhiều tình huống hoặc sự kiện hàng ngày có thể là nguyên nhân gây ra stress. Tình trạng căng thẳng xuất hiện phổ biến khi chúng ta phải trải nghiệm một điều mới lạ, bị đe dọa bất ngờ hoặc có ít khả năng kiểm soát trong một tình huống cụ thể.

Mỗi cá thể có cách đối phó với stress khác nhau. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố di truyền, nuôi dạy, tính cách, hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Khi chúng ta gặp stress, cơ thể sản sinh ra các hoocmon gây căng thẳng kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy và hệ thống miễn dịch của chúng ta. Từ đó, ta có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm.

Đôi khi những phản ứng với stress rất có ích. Tuy nhiên, mức độ căng thẳng cao có thể gây tác dụng ngược lại. Quá căng thẳng khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, suy nghĩ lo lắng quá mức, trốn tránh mọi thứ vĩnh viễn và không muốn đương đầu, giải quyết vấn đề. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chính người bị stress.

medium-shot-young-asian-woman-sitting-desk-office-rubbing-nose_1098-17106.jpg

Áp lực từ cuộc sống, công việc khiến con người dễ bị stress hơn - Ảnh: Freepik

CÁC DẤU HIỆU PHỔ BIẾN CỦA STRESS

Stress có thể diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài không xác định. Cả hai trường hợp đều có những triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, stress mãn tính có thể gây hại cho người bệnh theo thời gian, làm sức khỏe trở nên kém đi thấy rõ.

Một số dấu hiệu phổ biến của stress xuất hiện ở người bệnh bao gồm:

  • Cảm xúc thay đổi thất thường
  • Lòng bàn tay đổ mồ hôi thường xuyên
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Bị tiêu chảy
  • Mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Cảm giác lo lắng, bồn chồn, hay nghiến răng khi ngủ
  • Cơ thể không có năng lượng, đau đầu, hay ốm vặt
  • Hay bị căng cơ, đặc biệt là ở cổ và bả vai
  • Bị đau bất thường, nhịp tim nhanh

CÁCH NHẬN BIẾT STRESS QUA PHẢN ỨNG CƠ THỂ VÀ CẢM XÚC

Không dễ để có thể nhận biết một người đang bị stress bởi các dấu hiệu kể trên dường như rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn trải qua một vài triệu chứng của stress trong thời gian khoảng 2 tuần trở đi, rất có thể bạn đang chịu phải áp lực lớn và đã bị stress.

Những nguyên nhân phổ biến có thể gây ra stress đến từ áp lực công việc, học hành, gia đình, bạn bè hoặc bất cứ sự kiện hàng ngày nào. Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải stress, bạn có thể đối chiếu tình trạng cơ thể trong khoảng 2 tuần trở lại với 4 nhóm dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu về mặt tâm lý: khó tập trung, lo lắng, bồn chồn hay gặp khó khăn trong việc ghi nhớ
  • Dấu hiệu về mặt cảm xúc: hay cáu bẳn, ủ rủ hoặc cảm giác thất vọng mà không có nguyên nhân
  • Dấu hiệu về thể chất: huyết áp cao, thay đổi cân nặng thất thường, cảm cúm hoặc ốm vặt thường xuyên, kinh nguyệt không đều và giảm ham muốn tình dục
  • Dấu hiệu về các hoạt động thường ngày: không quan tâm đến chăm sóc cơ thể, không có thời gian cho sở thích riêng, lạm dụng các chất kích thích như ma túy hoặc rượu, bia để giải tỏa cảm xúc

Ai trong chúng ta cũng có thể trải qua và cảm nhận được những dấu hiệu kể trên. Thậm chí, có nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biểu hiện trên. Trong thực tế, những đối tượng sau đây dễ bị stress tấn công:

  • Người có vấn đề khó khăn về tài chính, nợ nần
  • Người nằm trong nhóm yếu thế, thiểu số, thường xuyên nhận những định kiến,chỉ trích tiêu cực của xã hội như cộng đồng LGBT
  • Người khuyết tật hoặc có sức khỏe bẩm sinh kém thường bị kỳ thị bởi chính cộng đồng xung quanh

anxiety-symptoms-concept-illustration_114360-15137.jpg

Các dấu hiệu phổ biến của stress như mất tập trung, dễ cáu gắt... - Ảnh: Freepik

PHÂN LOẠI STRESS 

Stress được chia thành các nhóm khác nhau dựa trên nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

  • Stress cấp tính: là một dạng căng thẳng ngắn hạn và thường gặp nhất. Căng thẳng cấp tính có thể mang lại lợi ích như đề cập ở phần đầu hoặc khiến các tình huống trong cuộc sống khó giải quyết hơn. 
  • Stress mãn tính: là dạng căng thẳng xuất hiện và ảnh hưởng trong thời gian dài, thường gặp ở những người sống trong mối quan hệ tồi tệ, công việc áp lực không như ý muốn. Đặc biệt, stress mãn tính xuất hiện nhiều ở nhóm đối tượng có trải nghiệm tiêu cực, đau thương thời thơ ấu.
  • Stress cấp tính theo giai đoạn: có thể hiểu, người bị stress ở dạng này thường có lối sống tiêu cực với các thói quen xấu diễn ra ở từng thời điểm, khoảng thời gian cụ thể.
  • Eustress: là một dạng căng thẳng tích cực có thể giúp bạn tràn đầy năng lượng, tăng nồng độ adrenaline, xuất hiện khi chơi thể thao hoặc hoàn thành công việc đáp ứng yêu cầu, kế hoạch trong thời gian ngắn.

STRESS ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY?

Stress rõ ràng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Các biểu hiện của stress khiến việc giải quyết những rắc rối hàng ngày trong cuộc sống trở nên khó khăn hơn. 

Sự căng thẳng về mối quan hệ, tiền bạc hoặc hoàn cảnh sống gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất. Ngược lại, các vấn đề về sức khỏe, cho dù bạn đang phải đối mặt với bệnh cao huyết áp hay tiểu đường, cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng và sức khỏe tâm thần.

Căng thẳng cấp tính nghiêm trọng, chẳng hạn như vướng vào một thảm họa thiên nhiên hoặc cãi vã bằng lời nói, có thể gây ra các cơn đau tim, rối loạn nhịp tim và thậm chí đột tử. Tuy nhiên, điều này xảy ra chủ yếu ở những người đã mắc bệnh tim.

Căng thẳng đặc biệt gây tổn hại về mặt cảm xúc. Trong khi một số căng thẳng có thể tạo ra cảm giác lo lắng hoặc thất vọng nhẹ, thì căng thẳng kéo dài cũng có thể dẫn đến kiệt sức, rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, nếu bạn bị căng thẳng mãn tính, hệ thống thần kinh tự trị của bạn sẽ hoạt động quá mức, điều này có thể gây tổn hại cho cơ thể bạn.

NÊN LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI STRESS?

Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống nhưng có thể kiểm soát được. Khi bạn hiểu stress tác động tiêu cực thế nào đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bạn sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị stress một cách nghiêm túc. Bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Hãy học cách nhận biết các dấu hiệu kiệt sức. Mức độ căng thẳng cao dễ khiến bạn gặp nguy cơ kiệt sức cao, khiến bạn cảm thấy thờ ơ với công việc của mình. Khi cảm thấy mất năng lượng hoặc cảm xúc u buồn, trầm uất kéo dài, hãy tìm cách giải quyết căng thẳng trước khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cố gắng tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất có tác động lớn đến não và cơ thể của bạn. Tập thể dục sẽ làm giảm căng thẳng và cải thiện nhiều triệu chứng liên quan đến bệnh tâm thần.

Chăm sóc bản thân. Việc kết hợp các hoạt động tự chăm sóc bản thân thường xuyên là điều cần thiết để quản lý căng thẳng. Hãy học cách chăm sóc tâm trí, cơ thể và tinh thần và trang bị cho bản thân lối sống lành mạnh, tích cực, suy nghĩ vui vẻ để duy trì sự hạnh phúc.

person-conducting-reiki-therapy_23-2149403923.jpg

Chăm sóc bản thân là cách hạn chế stress hữu hiệu - Ảnh: Freepik

Thực hành chánh niệm trong cuộc sống của bạn. Chánh niệm không chỉ là thứ bạn luyện tập 10 phút mỗi ngày mà cũng có thể là một cách sống. Khám phá cách sống chánh niệm để bạn có thể trở nên tỉnh táo và ý thức hơn trong mọi hành động.

Hãy tập cho bản thân những thói quen tốt về vận động cơ thể và duy trì tâm trí ổn định để tránh mắc phải những dấu hiệu của stress.

NGUỒN THAM KHẢO

https://www.mentalhealth.org.uk/explore-mental-health/a-z-topics/stress

https://www.verywellmind.com/stress-and-health-3145086