Góc giải đáp: tâm thần phân liệt có chữa được không? Điều trị như thế nào?

05/07/2024 18:14

Tâm thần phân liệt có chữa khỏi được không là câu hỏi phòng khám nhận được rất nhiều từ người nhà, người bệnh. Trong bài viết này, Phòng khám sẽ cùng bạn tìm câu trả lời đồng thời cung cấp thêm thông tin liên quan về việc điều trị tâm thần phân liệt.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tâm thần phân liệt là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như người thân trong gia đình. Tâm thần phân liệt có chữa khỏi được không là câu hỏi phòng khám nhận được rất nhiều từ người nhà, người bệnh. Trong bài viết này, Phòng khám sẽ cùng bạn tìm câu trả lời đồng thời cung cấp thêm thông tin liên quan về việc điều trị tâm thần phân liệt. 

tam-than-phan-liet-co-chua-khoi-duoc-khong.jpg

Tâm thần phân liệt có chữa khỏi được không? - Ảnh: Canva

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÂM THẦN PHÂN LIỆT

  • Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, khuynh hướng mạn tính.
  • Người bệnh tâm thần phân liệt có các triệu chứng điển hình như hoang tưởng (người bệnh tự cho rằng mình đang bị theo dõi, giám sát hoặc thậm chí bị mưu hại,...), ảo giác (thường gặp nhất là ảo thanh, nghe thấy những giọng nói trong đầu), rối loạn khả năng tư duy, suy nghĩ, diễn đạt, mất ý muốn làm việc, cách ly xã hội,...
  • Người bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong sớm cao, cao gấp 3 lần so với người bình thường. Trong đó, khoảng 5% người bị tâm thần phân liệt chết do tự sát.

BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

Là bệnh có khuynh hướng mạn tính, mặc dù tâm thân phân liệt không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với sự tiến bộ trong điều trị và thuốc có thể giúp điều trị triệu chứng, kiểm soát bệnh không trầm trọng thêm, giúp bệnh nhân có thể hòa nhập tốt với cộng đồng và sống một cuộc sống bình thường hơn với ít triệu chứng ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, trong điều trị, người thân cần đặc biệt lưu ý là bệnh tâm thần phân liệt có tỷ lệ tái phát cao. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong 5 năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều lần tái phát. 

Nguyên nhân của việc tái phát bệnh tâm thần phân liệt được chỉ ra là do đối tượng không tuân thủ thuốc. Đây cũng là một thách thức mà người nhà cần đồng hành trong quá trình điều trị bệnh để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU  TRỊ TÂM THẦN PHÂN LIỆT

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị tâm thần phân liệt được áp dụng:

  • Thuốc điều trị được sử dụng phổ biến như các thuốc chống loạn thần và thuốc ức chế tái hấp thu dopamine. 
  • Tâm lý trị liệu cũng rất quan trọng trong việc giúp người mắc bệnh hiểu và kiểm soát triệu chứng. 
  • Ngoài ra, kỹ thuật mới như kích thích qua hộp sọ tDCS (Transcranial direct current stimulation) cũng đang được nghiên cứu để cải thiện việc chữa trị tâm thần phân liệt.

Sử dụng thuốc điều trị tâm thần phân liệt - Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần thường được khuyến cáo là phương pháp điều trị ban đầu cho các triệu chứng của tâm thần phân liệt cấp tính. Thuốc chống loạn thần thường có thể làm giảm cảm giác lo lắng hoặc kích động trong vòng vài giờ sử dụng, nhưng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để giảm các triệu chứng khác, chẳng hạn như ảo giác hoặc hoang tưởng.

Người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc chống loạn thần cho đến khi giai đoạn tâm thần phân liệt cấp tính qua đi. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều dùng thuốc trong 1 hoặc 2 năm sau đợt loạn thần đầu tiên để ngăn ngừa các đợt tâm thần phân liệt cấp tính tiếp theo xảy ra và lâu hơn nếu bệnh tái phát.

Trong quá trình điều trị, việc sử dụng loại thuốc nào và tác dụng phụ (nếu gặp) sẽ được theo dõi chặt chẽ trong vài tháng đầu. Sau đó, cần xem xét lại thuốc đang sử dụng ít nhất mỗi năm một lần.

tam-than-phan-liet-co-chua-khoi-duoc-khong-su-dung-thuoc.jpg

Thuốc chống loạn thần là phương pháp điều trị ban đầu cho các triệu chứng của tâm thần phân liệt cấp tính - Ảnh: Canva

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý có thể hiểu đơn giản là quá trình mà chuyên gia tâm lý sẽ làm việc với người cần hỗ trợ (gọi là thân chủ) và điều trị những đau khổ trong tinh thần và các rối loạn tâm lý.

Trong điều trị tâm thần phân liệt, trị liệu tâm lý có thể giúp người bệnh đối phó với các triệu chứng ảo giác hoặc hoang tưởng tốt hơn. Việc trị liệu cũng có thể giúp điều trị một số triệu chứng tiêu cực của bệnh tâm thần phân liệt, chẳng hạn như thờ ơ hoặc thiếu hứng thú với những thứ từng yêu thích.

Trị liệu tâm lý có hiệu quả tốt nhất khi người bệnh được điều trị kết hợp sử dụng thuốc chống loạn thần.

Trong các liệu pháp trị liệu tâm lý cho bệnh tâm thần phân liệt phổ biến hơn cả là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT):

  • Liệu pháp nhằm mục đích giúp người bệnh xác định các kiểu suy nghĩ đang khiến họ có những cảm giác và hành vi không mong muốn, đồng thời học cách thay đổi suy nghĩ này bằng những suy nghĩ thực tế và hữu ích hơn.
  • Ví dụ, người bệnh có thể được dạy cách nhận biết các ví dụ về suy nghĩ hoang tưởng. Sau đó có thể nhận được sự giúp đỡ và lời khuyên để tránh hành động theo những suy nghĩ này.

Liệu pháp sốc điện (ECT)

Để thực hiện liệu pháp sốc điện, các điện cực được gắn vào da đầu của người bệnh, dòng điện được chuyển qua bộ não, chủ ý gây cơn co giật ngắn. Liệu pháp sốc điện có tác dụng làm thay đổi hóa chất não, do đó có thể nhanh chóng làm giảm triệu chứng một số bệnh tâm thần, cải thiện tâm trạng và suy nghĩ.

Một đợt trị liệu ECT thường bao gồm 2 - 3 lần điều trị mỗi tuần, kéo dài trong vài tuần. 

LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

  • Đồng hành cùng người bệnh tuân thủ việc điều trị:
    • Điều quan trọng là người bệnh phải uống thuốc theo đúng chỉ định, tuân thủ việc điều trị, ngay cả khi tình trạng được cải thiện. Việc tuân thủ điều trị, dùng thuốc liên tục có thể giúp ngăn ngừa tâm thần phân liệt tái phát.
    • Người bệnh, người thân nếu có thắc mắc hoặc quan ngại về loại thuốc đang dùng, tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ để kịp thời thay đổi phác đồ phù hợp.
  • Người bệnh nên bỏ thuốc lá: Việc ngừng hút thuốc đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe tâm thần của những người bị tâm thần phân liệt
  • Tránh để người bệnh dùng ma túy và rượu: Thường xuyên uống rượu nhiều hơn lượng được khuyến nghị hoặc sử dụng ma túy có thể gây ra rối loạn tâm thần và làm cho các triệu chứng tâm thần phân liệt trở nên trầm trọng hơn. Sử dụng rượu và ma túy cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn lo âu cũng như gây tổn hại cho sức khỏe thể chất.
  • Thấu cảm, đồng hành với người bệnh: 
    • Một trong những thách thức lớn mà người bệnh tâm thần phân liệt phải đối mặt là sự kỳ thị. Sự kỳ thị này xuất phát ở cả những người thân của người bệnh. Điều này, gây ra tác động tiêu cực đến nhận thức người bệnh, khiến họ tự ti, căng thẳng, thậm chí không muốn nhập viện điều trị. 
    • Nếu được gia đình, người thân thấu cảm và đồng hành với người bệnh, hỗ trợ để bệnh nhân có môi trường sống lành mạnh, yêu thương, chia sẻ, bệnh tâm thần phân liệt có thể kiểm soát được

KHÁM CHỮA BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT Ở ĐÂU HÀ NỘI?

Nhận được kết quả chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt có thể như “sét đánh ngang tai” đối với bất cứ ai. Mặc dù vậy, càng sớm nhận được sự điều trị, giúp đỡ, người bệnh càng ít gặp phải các triệu chứng nặng hơn, hạn chế tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất.

Người nhà, người bệnh có thể lựa chọn thăm khám, điều trị các cơ sở đầu ngành về khám sức bệnh Sức khỏe Tâm thần như Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai hay chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần của các bệnh viện lớn. 

Các đơn vị này đều đảm bảo về chuyên môn cao. Bên cạnh đó, nếu bạn yêu cầu cao hơn về tính riêng tư, thăm khám nhanh chóng, được lựa chọn khám với bác sĩ giỏiPhòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa sẽ đồng hành cùng bạn:

  • Đội ngũ bác sĩ Sức khỏe Tâm thần đầu ngành, công tác tại bệnh viện lớn, có kinh nghiệm khám chữa tâm thần phân liệt
  • Dễ dàng đặt hẹn khám trước, thăm khám nhanh chóng
  • Khám ngoài giờ, khám thứ 7 - Chủ nhật
  • Giá khám dao động 150.000 - 300.000đ (tùy bác sĩ)

Phát hiện bệnh sớm, kèm theo điều trị đầy đủ sẽ giúp tiên lượng tốt hơn. Kết hợp dùng thuốc và trị liệu tâm lý có thể kiểm soát bệnh, hạn chế được nguy cơ bệnh tái phát và ổn định cuộc sống lâu dài.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/schizophrenia/treatment
  2. https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/69-TRIAL-tam-than-phan-liet-nguyen-nhan-sinh-benh-va-cach-phong-ngua-benh-tai-phat+260-145.html