Nhận diện các triệu chứng tâm thần phân liệt để thăm khám, phát hiện sớm
Trong điều trị bất kỳ bệnh lý nào, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng, tránh để bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vậy có những triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt nào cần quan tâm để thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời?
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Trọng Tuấn - Bác sĩ Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E
Theo nghiên cứu, bệnh nhân tâm thần phân liệt có xu hướng xuất hiện các triệu chứng loạn thần trung bình từ 8 đến 15 tháng trước khi người bệnh nhận được sự chăm sóc y tế. Tuy vậy, trong điều trị bất kỳ bệnh lý nào, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm các triệu chứng, tránh để bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân.
Vậy có những triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt nào cần quan tâm và có những dạng tâm thần phân liệt nào? Khi nào cần đưa người bệnh thăm khám? Cùng tìm hiểu các thông tin này trong nội dung bài viết dưới đây.
Tìm hiểu các triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt - Ảnh: Canva
NHẬN BIẾT CÁC TRIỆU CHỨNG TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có sự khác biệt giữa từng người bệnh. Các dấu hiệu sớm cũng có thể khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi khởi bệnh. Một người phát triển tâm thần phân liệt ở độ tuổi trưởng thành có thể có trải nghiệm khác biệt so với người phát triển rối loạn ở tuổi thơ. Do vậy cần thăm khám với bác sĩ để đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và có hướng điều trị hiệu quả.
Ảo giác
Ảo giác có thể tác động lên cả 5 tri giác của người bệnh. Lúc này, người bệnh có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy, ngửi thấy và thậm chí là biết vị của những thứ không tồn tại. Tuy vậy, ảo giác phổ biến nhất vẫn là nghe thấy giọng nói.
Ảo giác rất thực tế đối với người trải nghiệm, mặc dù những người xung quanh không thể nghe thấy giọng nói hoặc trải nghiệm cảm giác.
Hoang tưởng
Hoang tưởng thường liên quan đến việc người bệnh có ý nghĩ hoặc nói về các sự việc không có trong thật trong thực tế hoặc dựa trên một quan điểm sai lầm, kỳ lạ. Ảo tưởng có thể ảnh hưởng đến cách cư xử của người bệnh.
Một số người nảy sinh ảo tưởng để giải thích cho ảo giác mà mình đang gặp phải. Ví dụ, nếu người bệnh nghe thấy giọng nói mô tả hành động của mình, họ có thể ảo tưởng rằng có ai đó đang theo dõi hành động của họ.
Có một số loại hoang tưởng mà người bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp phải như hoang tưởng bị hại. Hoang tưởng bị hại được hiểu là bệnh nhân tin rằng họ đang bị tra tấn, quấy rối, ngược đãi hoặc theo dõi, bị lừa, bị chống lại hoặc bị đầu độc, thường là bởi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.
Rối loạn trong suy nghĩ và lời nói
Người bệnh tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn trong biểu đạt, thể hiện suy nghĩ. Suy nghĩ thiếu tổ chức, cảm thấy khó tập trung và sẽ chuyển từ ý tưởng này sang ý tưởng khác. Cách diễn đạt cũng rời rạc, lộn xộn, ngôn ngữ có thể từ thiếu tổ chức nhẹ tới không mạch lạc và không thể hiểu được.
Mất cảm xúc, động lực
Các triệu chứng mà người bệnh tâm thần phân liệt gặp phải có thể bao gồm:
- Không muốn chăm sóc bản thân và nhu cầu của mình, chẳng hạn như không quan tâm đến vệ sinh cá nhân.
- Thiếu quan tâm đến các hoạt động và tăng các hoạt động không mục đích.
- Thiếu quan tâm đến các mối quan hệ, muốn tránh mặt mọi người, kể cả bạn bè.
- Ngôn ngữ nghèo nàn: Bệnh nhân ít nói và trả lời ngắn gọn cho các câu hỏi, tạo nên ấn tượng về tính trạng trống rỗng nội tâm.
Các triệu chứng này của bệnh tâm thần phân liệt thường có thể dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Mặc dù vậy, đôi khi những triệu chứng này thường không được để ý, có thể bị nhầm lẫn với sự lười biếng hoặc thô lỗ có chủ ý.
Trên đây là một số triệu chứng điển hình của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, thông tin mang tính chất tham khảo, không thể thay thế việc thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trắc nghiệm tâm lý,... để phân biết tâm thần phân liệt với các rối loạn tâm thần khác và đưa ra kết luận chính xác.
Ảo thanh - nghe thấy tiếng nói trong đầu là triệu chứng thường gặp ở người bị tâm thần phân liệt - Ảnh: Canva
TRIỆU CHỨNG CHẨN ĐOÁN TÂM THẦN PHÂN LIỆT THEO ICD-10
Bên cạnh các triệu chứng tâm thần phần liệt trên, người bệnh có thể tham khảo cụ thể thêm triệu chứng chẩn đoán xác định tâm thần phân liệt theo ICD-10 (Bảng phân loại Quốc tế bệnh tật ICD 10) sẽ dựa vào 9 nhóm triệu chứng sau:
1. Cảm xúc không phù hợp hoặc hời hợt, lạnh lùng hoặc xa lánh mọi người.
2. Hành vi hoặc vẻ bề ngoài lập dị, lạ lùng hoặc kỳ quặc.
3. Ít tiếp xúc với người khác và có xu hướng cách ly xã hội.
4. Tin tưởng kỳ dị hoặc tư duy thần bí ảnh hưởng đến tác phong và mâu thuẫn với những tiêu chuẩn của nhóm văn hóa dưới.
5. Hoài nghi hay ý tưởng paranoid (hoang tưởng)
6. Các nghiền ngẫm ám ảnh, thường có nội dung sợ dị hình, tình dục hay xâm phạm.
7. Những nhận cảm tri giác không thường gặp bao gồm các ảo tưởng cơ thể - giác quan hay ảo tưởng khác, giải thể nhân cách hay tri giác sai thực tại.
8. Tư duy và lời nói mơ hồ, chi ly ẩn dụ, quá chải chuốt, hoặc định hình biểu hiện bằng ngôn ngữ dị kỳ hay bằng cách khác, nhưng không rời rạc quá đáng.
9. Có những giai đoạn gần như loạn thần, thỉnh thoảng xuất hiện nhất thời với ảo tưởng, ảo thanh hay ảo giác khác, tất cả đều mãnh liệt và những ý tưởng giống hoang tưởng thường xuất hiện không do kích thích bên ngoài
Người bệnh phải có it nhất một triệu chứng rõ ràng thuộc vào một trong các nhóm từ (1) đến (4) ở trên hoặc ít nhất là phải có hai trong các nhóm từ (5) đến (9). Các triệu chứng ở trên phải tồn tại rõ ràng trong phần lớn khoảng thời gian một tháng hoặc lâu hơn.
CÁC THỂ TÂM THẦN PHÂN LIỆT VÀ TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH
Có nhiều loại tâm thần phần liệt và tùy từng loại sẽ có triệu chứng điển hình khác nhau.
- Tâm thần phân liệt thể Paranoid
- Tâm thần phân liệt Hebephrenic
- Tâm thần phân liệt căng trương lực
- Tâm thần phân liệt thể di chứng
Tâm thần phân liệt thể Paranoid
Tâm thần phân liệt thể Paranoid là thể chủ yếu của bệnh tâm thần phân liệt, chiếm hơn 50% trường hợp. Triệu chứng điển hình của tâm thần phân liệt thể Paranoid là xuất hiện ảo giác và/hoặc ảo tưởng, tuy nhiên về mặt lời nói và cảm xúc có thể không bị ảnh hưởng.
- Ảo giác: Xuất hiện ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của người bệnh hoặc các loại ảo thanh khác xuất phát từ một bộ phận của cơ thể.
- Hoang tưởng: Hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị chi phối.
Tâm thần phân liệt Hebephrenic
Còn được gọi là tâm thần phân liệt vô tổ chức. Thể tâm thần phân liệt này thường phát triển ở độ tuổi 15 - 25 tuổi. Các triệu chứng bao gồm có hành động và lời nói vô tổ chức, bên cạnh những ảo tưởng và ảo giác kéo dài.
Tâm thần phân liệt căng trương lực
Đây là chẩn đoán tâm thần phân liệt hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi những cử động bất thường, hạn chế và đột ngột. Người bệnh có thể thường xuyên chuyển đổi giữa trạng thái rất năng động hoặc rất tĩnh lặng. Người bệnh có thể không nói nhiều và có thể bắt chước lời nói, cử động của người khác.
- Duy trì một tư thế cứng đờ và chống lại các cố gắng làm chuyển động tư thế ấy.
- Không phản ứng với hầu hết các kích thích.
- Duy trì chân tay và thân mình do những tư thế mà người ngoài áp đặt.
- Im lặng.
- Lặp lại những gì người khác nói, bắt chước chuyển động của người khác.
Tâm thần phân liệt thể di chứng
Người bệnh có thể được chẩn đoán tâm thần phân liệt thể di chứng nếu trong quá khứ có ít nhất một giai đoạn loạn thần rõ rệt và đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt. Nên quan tâm đến một số triệu chứng như:
- Khó thể hiện cảm xúc, nét mặt giảm sút và cử chỉ biểu cảm
- Có niềm tin kỳ lạ
- Nhận thức khác thường
- Cách ly xã hội
Tổng quan chung, bệnh tâm thần phân liệt rất phức tạp và không biểu hiện giống nhau ở mọi người mắc chứng rối loạn này. Bệnh tâm thần phân liệt có thể khó chẩn đoán vì nhiều lý do. Những người mắc chứng rối loạn này thường không nhận ra mình bị bệnh, vì vậy họ khó có thể đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Tiếp nữa, trước những thay đổi của người bệnh, nhiều người thường suy nghĩ cáu kỉnh, khó ưa, chống đối, không nghĩ là dấu hiệu của bệnh lý. Vì vậy công tác phát hiện và điều trị cũng khó có thể được thực hiện.
Do vậy lời khuyên cho bạn khi thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào cần thăm khám với bác sĩ. Nếu được thăm khám và điều trị sớm, bệnh nhân có thể ổn định cuộc sống và nhiều khả năng tiếp tục công việc học tập, làm việc như bình thường. Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch tư vấn trong thời gian sớm nhất!
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/schizophrenia/symptoms/
- https://www.msdmanuals.com
- https://mentalhealth-uk.org/help-and-information/conditions/schizophrenia/types-of-schizophrenia/
- https://bvtttw1.gov.vn/benh-tam-than-phan-liet-2/
- https://www.verywellhealth.com/types-of-schizophrenia-5094170