Tìm hiểu về tâm thần phân liệt qua 7 câu hỏi thường gặp
Đọc tiếp nội dung bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt cũng như một số lựa chọn điều trị,...
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Văn Hải - Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Tâm thần phân liệt là bệnh lý tâm thần khá phổ biến hiện nay, ghi nhận ở những người còn rất trẻ - độ tuổi khởi phát bệnh thường xuyên nhất là vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi. Tại Việt Nam, số người mắc tâm thần phân liệt chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số.
Đọc tiếp nội dung bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm bệnh tâm thần phân liệt qua 7 câu hỏi thường gặp về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt cũng như một số lựa chọn điều trị,…
Tâm thần phân liệt là bệnh lý tâm thần khá phổ biến hiện nay - Ảnh: Canva
TÂM THẦN PHÂN LIỆT LÀ GÌ?
Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển, có khuynh hướng mạn tính, người bệnh có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu, dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng làm việc, học tập ngày càng sút kém.
TRIỆU CHỨNG BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Nhiều người bị tâm thần phân liệt không thể nhận ra rằng họ có các triệu chứng bệnh. Nhưng những người xung quanh, gia đình, bạn bè có thể quan sát các triệu chứng điển hình của bệnh tâm thần phân liệt như dưới đây:
- Hoang tưởng: Đây là những niềm tin sai lầm mà người bệnh vẫn tin tưởng ngay cả khi có rất nhiều bằng chứng cho thấy những niềm tin đó là sai. Các hoang tưởng có thể gặp bao gồm: hoang tưởng bị hại, bị theo dõi, bị kiểm tra, ghen tuông,…
- Ảo giác: Người bệnh nghĩ rằng mình có thể nhìn, nghe, ngửi, chạm hoặc nếm những thứ không tồn tại, điển hình nhất là nghe thấy giọng nói trong đầu.
- Nói thiếu tổ chức hoặc không mạch lạc: Người bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp suy nghĩ của mình khi nói, trình bày lộn xộn đến mức mọi người không thể hiểu được bạn nói gì.
- Các triệu chứng tiêu cực: Đề cập đến việc người bệnh giảm hoặc mất khả năng thực hiện mọi việc như mong đợi. Các triệu chứng tiêu cực cũng bao gồm việc thiếu động lực, đặc biệt là khi bạn không muốn giao tiếp xã hội hoặc làm những việc mà bình thường bạn thích.
Vì những triệu chứng trên, người mắc tâm thần phân liệt có thể:
- Cảm thấy nghi ngờ, hoang tưởng hoặc sợ hãi.
- Không quan tâm đến vệ sinh và ngoại hình.
- Trải qua trầm cảm, lo lắng và ý nghĩ tự tử.
- Sử dụng rượu, nicotine, tự ý sử dụng các loại thuốc để cố gắng giảm bớt triệu chứng.
NGUYÊN NHÂN TÂM THẦN PHÂN LIỆT VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Cho đến nay, nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tâm thần phân liệt vẫn được xếp vào nhóm các bệnh nội sinh, trong đó có vai trò của rất nhiều yếu tố: di truyền, miễn dịch, nhiễm độc,… Hiện nay, hai nguyên nhân được tập trung nghiên cứu nhiều nhất là: bất thường về gen và những bất thường về chất dẫn truyền thần kinh.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt, bao gồm:
- Di truyền: Bệnh tâm thần phân liệt có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, chỉ vì một thành viên trong gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt không có nghĩa là các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh này. Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều gen khác nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt ở một người, nhưng không có một gen nào tự gây ra rối loạn tâm thần này.
- Môi trường: Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, môi trường và trải nghiệm sống của một người có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tâm thần phân liệt. Những yếu tố môi trường này có thể bao gồm: sống trong cảnh khó khăn, nghèo đói, môi trường xung quanh căng thẳng hoặc nguy hiểm và tiếp xúc với vi-rút hoặc các vấn đề về dinh dưỡng trước khi sinh.
- Cấu trúc và chức năng của não: Nghiên cứu cho thấy những người bị tâm thần phân liệt có nhiều khả năng có sự khác biệt về kích thước của một số vùng não nhất định cũng như mối liên hệ giữa các vùng não. Một số khác biệt về cấu trúc não này có thể phát triển trước khi sinh. Các nhà nghiên cứu đang làm việc để hiểu rõ hơn cấu trúc và chức năng của não có thể liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt như thế nào.
- Sử dụng ma túy: Tâm thần phân liệt có liên quan đến việc sử dụng một số loại ma túy, đặc biệt là sử dụng với tần suất cao, lâu dài.
Sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, môi trường và trải nghiệm sống có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt - Ảnh: Canva
BÊNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT CÓ DI TRUYỀN KHÔNG?
Như phòng khám có chia sẻ các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể nào gây ra tâm thần phân liệt, vì vậy không thể nói chắc chắn liệu di truyền có gây ra bệnh tâm thần phân liệt hay không. Nhưng nếu bạn có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tâm thần phân liệt - đặc biệt là cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này - bạn có nguy cơ cao hơn.
THĂM KHÁM CHẨN ĐOÁN TÂM THẦN PHÂN LIỆT NHƯ THẾ NÀO?
Có thể chẩn đoán tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn liên quan dựa việc hỏi bệnh, mô tả các triệu chứng, quan sát hành động của người bệnh kết hợp chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và làm bài trắc nghiệm tâm lý:
- Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hoá, vi sinh
- Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tìm chất ma tuý,...
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng
- XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng
- Điện não đồ, điện tâm đồ, lưu huyết não, siêu âm doppler xuyên sọ,… Trong một số trường hợp sử dụng CT scanner sọ não, MRI sọ não,…
- Trắc nghiệm tâm lý
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá triệu chứng dương tính và âm tính PANSS
- Trắc nghiệm nhân cách: EPI, MMPI, trắc nghiệm tâm lý khác như BDI, Zung, HDRS, HARS, HAD, MMSE…
TÂM THẦN PHÂN LIỆT CÓ CHỮA KHỎI ĐƯỢC KHÔNG VÀ TRIỂN VỌNG ĐIỀU TRỊ
Bệnh tâm thần phân liệt không thể chữa khỏi nhưng có thể điều trị được thông qua việc sử dụng thuốc điều trị, tâm lý trị liệu, liệu pháp sốc điện,...
Bản thân bệnh tâm thần phân liệt không phải là một tình trạng nguy hiểm. Nhưng ảnh hưởng của bệnh có thể dẫn đến những hành vi có hại, nguy hiểm. Khoảng 10% số người bị tâm thần phân liệt chết do tự sát. Khoảng 1/3 số người bị tâm thần phân liệt có các triệu chứng xấu đi theo thời gian. Điều này có thể xảy ra do không đáp ứng với điều trị hoặc người bệnh gặp khó khăn trong việc tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI BỊ TÂM THẦN PHẦN LIỆT?
Thách thức lớn đối với những người bị bệnh tâm thần phân liệt là sự kỳ thị. Sự kỳ thị này xuất phát ở cả những người thân của bệnh nhân. Điều này, gây ra tác động tiêu cực đến nhận thức người bệnh, khiến họ tự ti, căng thẳng, thậm chí không muốn nhập viện điều trị. Tuy nhiên, nếu được gia đình, người thân thấu cảm và đồng hành, người bệnh tâm thần phân liệt có thể kiểm soát được.
Nếu bạn nhận thấy người thân có dấu hiệu tâm thần phân liệt hoặc tình trạng liên quan, bạn có thể giúp đỡ họ bằng những cách sau:
- Lắng nghe và đưa ra sự giúp đỡ, giúp duy trì trao đổi, tương tác cởi mở, giúp người bệnh cảm thấy được kết nối với người khác.
- Khuyến khích người bệnh tiếp nhận việc điều trị: Điều trị bệnh tâm thần phân liệt, đặc biệt là dùng thuốc, có thể cải thiện các triệu chứng của một người và giúp họ nhận ra điều gì là thật và điều gì không.
- Đừng phán xét hay tranh cãi: Tránh phán xét hoặc tranh cãi với người bệnh về bất kỳ điều gì là thật hay không, ngay cả khi bạn có bằng chứng. Những người bị ảo giác hoặc hoang tưởng thường không phản ứng với bằng chứng vì họ không thể phân biệt đâu là thật và đâu là giả.
- Bình tĩnh: Nếu người bệnh bị kích động hoặc tức giận, đừng lên giọng, thay vào đó hãy cố gắng làm cho khu vực xung quanh yên tĩnh và giữ bình tĩnh nhất có thể.
- Kêu gọi sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp. Những người bị tâm thần phân liệt có nhiều khả năng tử vong do tự tử. Kêu gọi giúp đỡ nếu người bệnh nói về ý nghĩ làm hại bản thân hoặc người khác.
Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt đòi hỏi một kế hoạch toàn diện bao gồm thuốc chống loạn thần theo toa, tư vấn, hỗ trợ từ người thân và có thể nhập viện khi có các đợt tái phát loạn thần nặng. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn tình trạng này, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng cách điều trị.
Hệ lụy của việc mắc bệnh tâm thần phân liệt không được điều trị là rất lớn. Vì vậy, khi thấy người thân hoặc người nhà có các biểu hiện trên, bạn nên đưa họ đến các cơ sở có khám và điều trị bệnh tâm thần để được thăm khám, đánh giá và tư vấn điều trị sớm.
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa:
- Địa chỉ: Số 11 i4, ngõ 37 Trần Kim Xuyến, khu Đô thị mới Yên Hòa, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 - Chủ nhật: 8h00 - 19h30
Nguồn tham khảo: