Test Denver- trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý - vận động ở trẻ em
Test Denver là hình thức kiểm tra phổ biến và có tính khách quan cao, giúp cha mẹ nắm được con có phát triển bình thường hay không cả về thể chất lẫn tinh thần
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Để khảo sát trạng thái phát triển tâm lý – vận động của trẻ, các chuyên gia sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, test Denver là hình thức kiểm tra phổ biến và có tính khách quan cao, giúp cha mẹ nắm được con có phát triển bình thường hay không cả về thể chất lẫn tinh thần
TỔNG QUAN VỀ BÀI TEST DENVER II
Bài kiểm tra Denver, hay còn gọi là Denver II, là một dạng trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý - vận động của trẻ từ 0 - 6 tuổi. Bài test được xây dựng bởi nhóm nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Y khoa Denver, gồm William K. Pranken Burg, Josian B. Doss và Alma W. Fandal.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam đã và đang áp dụng bài kiểm tra Denver II để sàng lọc trực tiếp các dấu hiệu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, cảnh báo nguy cơ chậm phát triển tiềm ẩn. Các chuyên gia, bác sĩ cũng dựa trên kết quả đó so sánh với tiến trình phát triển bình thường của một đứa trẻ ở độ tuổi nhất định, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác về trạng thái phát triển của trẻ được làm test.
Bài trắc nghiệm đánh giá Denver II bao gồm 125 mục khác nhau, được chia thành 4 lĩnh vực cụ thể, bao gồm:
- Vận động tinh tế - thích ứng: các hoạt động kết hợp tay - mắt, thao tác với các vật nhỏ, giải quyết tình huống, sử dụng nhóm cơ nhỏ
- Cá nhân - xã hội: sự tương tác với mọi người và sự chú ý đến nhu cầu cá nhân
- Ngôn ngữ: nghe, hiểu và giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ
- Vận động thô: ngồi, đi, bò,... và các hoạt động sử dụng nhóm cơ lớn
Quá trình thực hiện bài test cần một số dụng cụ đặc trưng như len màu đỏ, các loại hạt chín nhỏ hơn 1cm, xúc xắc có cán cầm, tám khối vuông (2,5cmx2,5cm) các màu đỏ, vàng, nước biển, xanh lá, quả chuông nhỏ, lọ thủy tinh, bút chì… Người chủ trì hoạt động kiểm tra sẽ là các bác sĩ thuộc chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý hoặc điều dưỡng chuyên khoa có kinh nghiệm và kiến thức về test Denver II.
QUY TRÌNH THỰC HIỆN BÀI TEST DENVER
Phiếu đánh giá test Denver gồm có 2 trục:
- Trục dọc: biểu thị 4 lĩnh vực gồm Vận động tinh tế - thích ứng, Cá nhân - xã hội, Ngôn ngữ và Vận động thô.
- Trục ngang: biểu thị độ tuổi của trẻ. Nếu trẻ dưới 2 tuổi, mỗi vạch sẽ biểu thị một tháng tuổi. Ngược lại, nếu trẻ trên 2 tuổi, mỗi vạch sẽ biểu thị 3 tháng tuổi.
Tuổi của trẻ được tính bằng cách lấy ngày làm test - ngày sinh. Tuổi tính theo số năm, tháng và ngày. Lưu ý rằng, trẻ nhỏ hơn 2 tuổi thì cần trừ đi tuần đẻ non.
Ví dụ: Em bé sinh ngày 20/8/2018 và tham gia test vào ngày 17/10/2019 thì tuổi của bé sẽ tính như sau:
Giả sử tuổi của bé là X năm; Y tháng; Z ngày, ta có:
X = 2019 - 2018 = 1
Y = (10 - 1) - 8 = 1
Z = (17 + 30) - 20 = 27
Như vậy tuổi của em bé là: 1 tuổi 1 tháng 27 ngày.
Trong quá trình làm bài test, chuyên gia sẽ yêu cầu trẻ thực hiện những hành động đơn giản trước và tiến dần đến các hành vi thuộc 4 lĩnh vực nêu trên, có thể đi theo thứ tự vận động tinh tế - thích ứng, ngôn ngữ và các kỹ năng vận động thô. Mỗi hoạt động, trẻ được tiếp xúc với các đồ vật tương ứng cho hoạt động đó. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhóm đồ vật khác trong từng quá trình đánh giá cụ thể.
Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng của trẻ mà người đánh giá tiến hành kiểm tra số lượng mục ở mỗi lĩnh vực phù hợp. Với mỗi hoạt động, bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ đánh giá thông qua bộ kí hiệu sau:
- P (Pass-child): Đạt - Trẻ thực hiện được hoạt động đó hoặc người thân xác nhận có thể làm được
- F (Fail-child): Không đạt - Trẻ không làm được hoạt động đó hoặc người thân xác nhận không làm được
- N O (No opportunity): Chưa có cơ hội thực hiện - Do hạn chế khách quan mà trẻ chưa thực hiện được hành động người đánh giá mong muốn
- R (Refusal): Từ chối thực hiện - Trẻ từ chối thực hiện hành động theo yêu cầu
Kết quả thực hiện bài test Denver II được đánh giá thông qua các tiêu chí sau:
- Bình thường: toàn bộ bài kiểm tra không cho kết quả chậm phát triển, có một mục nghi ngờ
- Nghi ngờ chậm phát triển: toàn bộ bài kiểm tra có một mục chậm phát triển hoặc nhiều hơn 2 mục nghi ngờ
- Chậm phát triển: nhiều hơn 2 mục nghi ngờ, nhiều hơn 1 mục chậm phát triển ở các lĩnh vực được kiểm tra
- Không thể kết luận: trẻ từ chối thực hiện hơn một hành động
NÊN LÀM GÌ SAU KHI NHẬN KẾT QUẢ TEST DENVER?
Nếu kết quả kiểm tra cho thấy trẻ có nguy cơ chậm phát triển hoặc chậm phát triển, phụ huynh cần theo dõi và đưa con kiểm tra định kỳ để biết được tình trạng của con ở giai đoạn nào. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ ba mẹ cải thiện tính trạng của bé dựa trên mức độ chậm phát triển cụ thể sau mỗi lần đánh giá qua trắc nghiệm Denver.
Nguồn tham khảo: