Trầm cảm sau sinh: giải đáp những câu hỏi thường gặp về trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh nếu không được nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiệm trọng. Những thảm kịch đau lòng gần đây là bài học để người thân có sự quan tâm đúng mực, hiểu và đồng hành cùng các mẹ trong giai đoạn này.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Nguyễn Hoàng Yến - Bác sĩ hiện đang công tác tại Khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Sinh con là sự kiện đặc biệt trong đời người phụ nữ, là niềm vui, niềm hạnh phúc với người mẹ, với cả gia đình. Tuy nhiên, một số bà mẹ cũng phải đối mặt với tình trạng trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh nếu không được nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiệm trọng. Những thảm kịch đau lòng gần đây là bài học để người thân có sự quan tâm đúng mực, hiểu và đồng hành cùng các mẹ trong giai đoạn này.
Phòng khám sẽ đưa đến các nội dung xoay quanh các câu hỏi thường gặp về trầm cảm sau sinh. Mời bạn đọc theo dõi đến cuối bài viết để biết phương pháp, hướng dẫn điều trị nếu có người thân, vợ đang mắc chứng trầm cảm sau sinh.
TRẦM CẢM SAU SINH LÀ GÌ? PHÂN BIỆT TRẦM CẢM SAU SINH VÀ BABY BLUES
Rất nhiều bà mẹ mới sinh sẽ trải qua hội chứng ủ rũ sau sinh, hay còn gọi là hội chứng baby blues. Đây là hội chứng bao gồm các triệu chứng như thay đổi cảm xúc, cảm thấy buồn bã, không hài lòng hoặc khó chịu, khóc không lý do, lo lắng hoặc bồn chồn, mất ngủ, thay đổi khẩu vị, khó tập trung, cáu gắt.
Hội chứng ủ rũ sau sinh thường xuất hiện trong vòng 2 - 3 ngày đầu sau khi sinh và kéo dài cho tới khoảng 2 tuần. Nhìn chung, những nỗi buồn hay sự lên xuống của tâm trạng ở hội chứng baby blues thường tự khỏi sau một thời gian ngắn.
Với phụ nữ sau sinh, về mặt thể chất, đây là thời điểm cơ thể phụ nữ đang trên đà hồi phục và nội tiết tố dần trở lại ổn định. Về mặt cảm xúc, người mẹ phải đối diện với việc chăm sóc em bé mới sinh. Tất cả thay đổi này có thể dẫn đến cảm giác bất ổn về tinh thần.
Còn trầm cảm sau sinh lại là một tình trạng nghiêm trọng và kéo dài hơn. Trầm cảm sau sinh là tình trạng buồn bã, chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng kéo dài trên 2 tuần ở phụ nữ sau khi sinh con.
Trầm cảm sau sinh có xu hướng phát triển 3 tuần sau khi sinh. Rất nhiều phụ nữ xuất hiện những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh nhiều tháng sau khi sinh.
Trầm cảm sau sinh là tình trạng buồn bã, chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng kéo dài trên 2 tuần ở phụ nữ sau khi sinh con - Ảnh: Canva
Nên để ý đến các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây để theo dõi trầm cảm sau sinh:
- Thay đổi trạng thái nhanh chóng, kích thích, lo lắng, giảm tập trung, mất ngủ, dễ khóc
- Cực kỳ buồn
- Khóc không kiểm soát được
- Mất ngủ/ngủ quá nhiều gần như mỗi ngày
- Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều
- Khó chịu và tức giận
- Đau đầu và đau nhức cơ thể
- Cực kì mệt mỏi
- Những lo lắng không thực tế hoặc không quan tâm đến em bé
- Cảm giác không có khả năng chăm sóc cho em bé hoặc không đầy đủ như một bà mẹ
- Sợ làm hại đứa trẻ
- Cảm giác tội lỗi
- Ý tưởng tự sát
- Lo lắng hoặc hoảng loạn
- ...
Hội chứng Baby Blues | Trầm cảm sau sinh | |
Hầu hết mọi người mới làm mẹ - có tới 85% trong số họ - sẽ trải qua cảm giác buồn bã sau sinh | Trầm cảm sau sinh xảy ra ở 10 đến 15% phụ nữ sau sinh. | |
Thời điểm xuất hiện | Các triệu chứng của hội chứng Baby Blues thường kéo dài từ 3 - 10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng 2 tuần. | Trầm cảm sau sinh có xu hướng phát triển sau 3 tuần. Rất nhiều phụ nữ xuất hiện những dấu hiệu, triệu chứng của trầm cảm sau sinh nhiều tháng sau khi sinh. |
Thời điểm kết thúc | Những thay đổi sẽ biến mất trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh. | Trầm cảm sau sinh với các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn 2 tuần. Nếu không điều trị, các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể đeo bám hàng tháng, thậm chí hàng năm, ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc bản thân và đứa bé của phụ nữ. |
TRẦM CẢM SAU SINH: NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như: thay đổi nội tiết, thay đổi hormone, thay đổi về tâm lý, xã hội,…
Bên cạnh đó, có đến 122 nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tình trạng con quấy khóc đêm có liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ.
Trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm sau sinh. Bởi sau sinh, cơ thể người mẹ đã phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền nhưng lại không được nghỉ ngơi.
Thêm vào đó là những áp lực khi chăm sóc con và việc không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến bà mẹ không được ngủ đủ, mệt mỏi kéo dài dẫn tới cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng, trầm cảm.
Hơn nữa, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao: đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác,…
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh - Ảnh: Canva
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH SAU LẦM VỀ TRẦM CẢM SAU SINH
Trầm cảm sau sinh là vấn đề dễ nhận thấy và những người ngoài có thể nhìn hoặc cảm nhận được
Nhiều người cho rằng, phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ biểu hiện ra ngoài với hình ảnh không thể ra khỏi giường, đầu óc sẽ rối bời và tinh thần luôn trong tình trạng buồn bã, nhưng thực ra lại không phải tất cả đều như vậy. Nhiều chị em không thể hiện ra ngoài, vẫn ăn mặc bình thường, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, còn bên trong họ lại đang có một cuộc đấu tranh nội tâm rất lớn. Đấu tranh với những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Đây là điều mà nhiều người bên cạnh không thể nhận ra.
Trầm cảm sau sinh là người phụ nữ không yêu con của mình
Đây là một trong số những nhận định sai lầm lớn về trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh không có liên quan gì tới việc người phụ nữ yêu con của mình hay không.
Trầm cảm sau sinh là một tình trạng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm về tâm lý, sinh học và các yếu tố hormone. Mặc dù người phụ nữ có thể rất yêu con của họ, nhưng bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng người mẹ kết nối với em bé.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUẨN ĐOÁN TRẦM CẢM SAU SINH?
Trầm cảm sau sinh là bệnh về tâm lý nên nếu không có chuyên môn thì khó nhận biết được mức độ nghiêm trọng của bệnh, trong khi nhìn bề ngoài vẫn thấy vợ hay người thân của mình khỏe mạnh. Do vậy, lời khuyên cho bạn là cần thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần.
Ngoài khai thác dấu hiệu, triệu chứng, để phát hiện trầm cảm sau sinh bác sĩ sử dụng các phương tiện sàng lọc trầm cảm khác nhau như thang đo trầm cảm sau sinh Edinburgh.
Hiện, để thuận tiện cho người bệnh có thể thực hiện bài test trầm cảm sau sinh online, nhanh chóng, phòng khám có sẵn trang làm bài test. Chị em có thể thực hiện nhanh chóng và nhận kết quả. Nếu quá trình sàng lọc cho thấy bạn có thể bị trầm cảm sau sinh, điều quan trọng là phải thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM SAU SINH NHƯ THẾ NÀO?
Điều trị trầm cảm sau khi sinh bao gồm:
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định
- Tâm lý trị liệu
Người bị trầm cảm nhẹ, việc uống thuốc và điều trị có thể giúp nhanh chóng trở lại cuộc sống. Nhưng có trường hợp trầm cảm nặng hơn, nếu không được phát hiện có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân, người thân và cả trẻ sơ sinh.
Những phụ nữ bị chứng loạn thần hậu sản có thể cần phải nhập viện, tốt nhất là ở nơi có giám sát cho phép để trẻ ở lại với họ. Thuốc chống rối loạn tâm thần có thể cần thiết cũng như thuốc chống trầm cảm.
Cùng với thuốc và liệu pháp tâm lý, có một số điều bạn có thể làm ở nhà có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, chẳng hạn như:
- Yêu cầu giúp đỡ chăm sóc em bé và các công việc gia đình khác
- Dành thời gian với những người khác
- Dành thời gian cho bản thân
- Nghỉ ngơi khi em bé nghỉ ngơi
Chị em nên thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần để được tư vấn điều trị - Ảnh: Canva
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGĂN NGỪA RỐI LOẠN TÂM TRẠNG SAU SINH?
Hiện không có đủ nghiên cứu xem xét việc ngăn ngừa rối loạn tâm trạng sau sinh, mặc dù bệnh lý này đang trở nên phổ biến hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy những bà mẹ học các phương pháp xoa dịu và giúp con ngủ ngon có tỷ lệ trầm cảm sau sinh thấp hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng thuốc chống trầm cảm ngay trong thời kỳ hậu sản có thể giúp ngăn ngừa các giai đoạn tâm trạng ở phụ nữ có tiền sử trầm cảm sau sinh.
Tiếp nữa, giấc ngủ là một khía cạnh quan trọng khác giúp ngăn ngừa rối loạn tâm trạng. "Ngủ đúng cách có thể tạo ra sự khác biệt trong việc ngăn ngừa rối loạn tâm trạng. Ngủ ít nhất bốn tiếng đồng hồ có thể đồng nghĩa với việc thay phiên nhau cho con bú hoặc để "đối tác" làm mọi việc trừ việc cho con bú."
Trầm cảm sau sinh khá phổ biến nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ và được quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao, do đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhất định từ chồng, người thân. Tiếp nữa, hãy lưu ý như các bệnh lý khác, việc dự phòng luôn có ý nghĩa hơn điều trị và điều trị đúng tốt hơn xử lý hậu quả, bởi vì hậu quả của trầm cảm sau sinh đôi khi làm mất mạng sống của mẹ và bé sơ sinh mới chào đời.
Nguồn tham khảo: