Vượt qua trầm cảm: chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế
Từ thực tế của đơn vị phòng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân thăm khám và điều trị trầm cảm cũng như từ thông tin tìm hiểu, tổng hợp, Phòng khám Yên Hòa gửi đến bạn đọc kinh nghiệm vượt qua trầm cảm trong bài viết dưới đây.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi TS.BSCKII Trần Nguyễn Ngọc - Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Mặc dù là một hành trình gian nan nhưng bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Người bệnh trầm cảm có thể quay trở lại với công việc và cuộc sống. Từ thực tế của đơn vị phòng khám chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân thăm khám và điều trị trầm cảm cũng như từ thông tin tìm hiểu, tổng hợp các câu chuyện, chia sẻ, Phòng khám Yên Hòa gửi đến bạn đọc kinh nghiệm vượt qua trầm cảm trong bài viết dưới đây.
Hy vọng sẽ giúp người bệnh trầm cảm, người nhà, người thân có tinh thần, động lực đồng hành cùng người bệnh và đâu đó là có thể hiểu được cảm xúc của người bệnh trầm cảm và biết được cách ứng xử với họ.
Bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi được
VƯỢT QUA TRẦM CẢM: CHIA SẺ TỪ KINH NGHIỆM THỰC TẾ
Để vượt qua trầm cảm, yếu tố về mặt tinh thần và việc điều trị đóng vai trò quan trọng. Do vậy, phòng khám tập trung chia sẻ kinh nghiệm về 2 vấn đề chủ yếu này bao gồm:
- Kinh nghiệm vượt qua trầm cảm từ khía cạnh tinh thần
- Kinh nghiệm về thăm khám, điều trị trầm cảm
- Kinh nghiệm dùng thuốc điều trị trầm cảm
KINH NGHIỆM VƯỢT QUA TRẦM CẢM TỪ KHÍA CẠNH TINH THẦN
Chấp nhận bệnh và yêu thương bản thân
Bước đầu tiên để người bệnh vượt qua trầm cảm là nhận thức đúng về tình trạng của bản thân, biết chấp nhận sự hiện diện của căn bệnh này. Một khi chấp nhận được nó, bạn mới có thể bắt đầu chữa trị.
Thực tế, không ít trường hợp người bệnh không chấp nhận là mình mắc bệnh, thường mất nhiều công sức để che giấu, hoặc cố gắng để tự giải quyết vấn đề. Trích dẫn câu chuyện của người bệnh chia sẻ trên báo Zing.vn cũng chối bỏ việc mình mắc trầm cảm:
“Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gẫy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được". (Zing.vn)
Nhưng chỉ khi chấp nhận bệnh và biết yêu thương bản thân mới giúp bạn có tâm lý nhẹ nhàng hơn khi đối mặt với những “cơn hành” của căn bệnh và bắt đầu chữa trị.
Tiếp nữa, trầm cảm cũng là một căn bệnh giống như bất kỳ bệnh lý nào khác. Bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh vật lý khác do Đại học Eramus, Hà Lan thực hiện cũng đã chỉ ra rằng: “Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối; rối loạn lo âu nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống, HIV; trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống); rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi”.
Do vậy, bạn không nên cảm thấy tội lỗi hay cho rằng bản thân mình yếu đuối.
Đưa bản thân ra khỏi suy nghĩ tiêu cực
Người bệnh trầm cảm phải chiến đấu trường kỳ với cảm xúc tiêu cực, nhìn tương lai bi quan và ảm đạm hay thấy bản thân là gánh nặng của gia đình,... Khi đó, bạn cần làm tất cả những việc để cân bằng lại cảm xúc, thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực và trở lại với thực tại bằng việc hành động ngay lập tức thay vì chỉ ngồi đó và suy nghĩ.
Một số việc người bệnh có thể tham khảo như:
- Chơi một môn thể thao: gym, yoga, bơi lộ, chạy bộ, đạp xe, thiền,... để giải tỏa năng lượng: Khi tay chân hoạt động nhiều, trí não sẽ giảm bớt các dòng suy nghĩ lại. Với người trầm cảm thường mệt mỏi, không muốn làm gì thì việc vận động thể chất được là cả một sự nỗ lực nên hoạt động nào cũng được khuyến khích.
- Đọc sách truyền cảm hứng: Những câu chuyện truyền cảm hứng hay những câu chuyện về người bệnh đã trải qua và vượt qua trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy mình không cô độc, không tệ hại và giảm bớt phần nào cảm giác tội lỗi.
- ...
Đưa bản thân ra khỏi cảm xúc tiêu cực
Đừng để người bệnh đơn độc trong cuộc chiến với trầm cảm
Người trầm cảm thường có xu hướng cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè. Những người không biết chia sẻ với ai họ thường tìm những chỗ khác và ngồi khóc một mình. Tuy nhiên, con đường vượt qua trầm cảm không thể thiếu điểm tựa từ gia đình, người thân, bạn bè.
Từ những câu chuyện thực tế, không ít trường hợp người bệnh trầm cảm với họ sống là một cơn ác mộng, có suy nghĩ và hành động muốn tự sát. Chính vào thời điểm họ muốn kết thúc tất cả, gia đình là điểm tựa, kéo họ ra khỏi suy nghĩ này.
Câu chuyện từ người bệnh chia sẻ khi có định tự sát bằng dao: “Nhưng nghĩ đến gia đình, câu nói của em gái “Hồi đó chị bận học chị đâu thèm nói chuyện với em”, nghĩ đến những giọt nước mắt đau khổ của ba mẹ, chị hoàn hồn và buông dao xuống… “Tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, em gái và những người bạn của mình, họ đã không bỏ rơi tôi những lúc như thế này". (Zing.vn)
Theo báo cáo nghiên cứu Changing Childhood (Tuổi thơ đang thay đổi) của UNICEF, 83% tin rằng việc giải quyết sức khỏe tâm thần bằng cách chia sẻ với những người khác và tìm kiếm sự hỗ trợ sẽ tốt hơn là một mình vượt qua.
Ngoài ra, một trong những cách tốt để cải thiện tâm trạng của người bệnh đó là nói chuyện với những người bạn tin tưởng, cũng có thể là một người xa lạ chịu lắng nghe bạn trải lòng, để giải tỏa bớt suy nghĩ, chia sẽ bớt những chất chứa trong lòng.
Nhìn chung, với người bệnh trầm cảm - ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời này, biết rằng có ai đó yêu quý, quân tâm đến mình là điều rất tuyệt vời. Nếu bạn biết ai đó đang phải chống chọi với trầm cảm, hãy nhớ rằng một lời động viên, chia sẻ, một cử chỉ ân cần có sức mạnh rất lớn. Không ít người bệnh ngoài kia đang phải sống đau đớn, tuyệt vọng trong định kiến của xã hội, trong sự thờ ơ của những người thân yêu nhất.
Lưu ý, người nhà, người thân nên tiếp cận bệnh nhân trầm cảm một cách tinh tế, nhẹ nhàng, không có thái độ đánh giá:
- Đừng cố gắng phân tích, chẩn đoán như một bác sĩ tâm lý.
- Không nói những câu triết lý sáo rỗng như "hãy tích cực lên", "hãy buông bỏ những điều tiêu cực đi", " khó khăn rồi sẽ qua". Thực tế câu nói chỉ có ý tốt này của bạn có thể khiến tình trạng trầm cảm xấu đi bởi nếu họ có thể vượt qua cơn trầm cảm một cách dễ dàng như vậy, họ đã vượt qua từ lâu rồi.
Đồng hành cùng người bệnh để vượt qua trầm cảm
KINH NGHIỆM VỀ THĂM KHÁM, ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM
Có một thực tế là 80% người bệnh thăm khám khi trầm cảm ở mức độ vừa và nặng, có những hành động vượt quá giới hạn bình thường, bao gồm tìm đến cái chết.
Với người bệnh khi có các dấu hiệu không ổn về sức khỏe tâm thần, nếu chưa có điều kiện thăm khám có thể liên hệ đến các tổ chức, đường dây nóng hỗ trợ người trầm cảm để được lắng nghe, an ủi và tư vấn.
Khi tâm trạng tiêu cực kéo dài liên tục quá 2 tuần mà không có dấu hiệu tốt lên, người bệnh cần được chăm sóc y tế. Tìm đến với các cơ sở bệnh viện, phòng khám có khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần,... để được thăm khám, có phác đồ điều trị cụ thể cho từng tình trạng bệnh. Tránh để kéo dài, tình trạng bệnh nặng thêm, gây khó khăn cho điều trị.
Là phòng khám chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần, Phòng khám Yên Hòa thăm khám trầm cảm cho người bệnh ở các tình trạng, lứa tuổi khác nhau. Với lợi thế về đội ngũ bác sĩ Sức khỏe Tâm thần chuyên môn cao, công tác tại Viện sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện E,... người bệnh có thể yên tâm về chuyên môn, chất lượng thăm khám, điều trị.
Tiêu biểu, người bệnh, người nhà có thể tham khảo thông tin các bác sĩ và đặt trước lịch khám:
- PGS.TS Trần Hữu Bình - Nguyễn Phó viện Trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai
- TS.BS.CKII Trần Nguyễn Ngọc - Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội
- BS.CKII Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
- …
Tiếp nữa, với lợi thế là phòng khám tư nên người bệnh thăm khám nhanh chóng, thoải mái hơn.
KINH NGHIỆM VỀ MẶT DÙNG THUỐC
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm (thường được chỉ định ở giai đoạn trầm cảm nặng) gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, dễ buồn ngủ, chóng mặt, chán ăn, kích động, bồn chồn, lo lắng,... nên nhiều người bệnh không muốn uống kéo dài. Khi thấy tình trạng ổn, tin rằng mình đã khỏi, người bệnh thường tự ý ngưng thuốc.
Tuy nhiên, nên duy trì liều dùng chỉ định ngay cả khi thấy ổn và không tự dừng thuốc đột ngột nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể khiến tình trạng nặng hơn. Khi muốn ngưng thuốc, cần thăm khám với bác sĩ để có lộ trình giảm liều dần dần cho đến khi dừng hẳn.
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN ĐỂ VƯỢT QUA TRẦM CẢM
- Đừng chịu đựng trong im lặng. Ngoài kia có những người đã trải qua tất cả những gì bạn đang trải qua và đã bước sang phía bên kia.
- Nên cố gắng tham gia các hoạt động đánh lạc hướng bản thân ra khỏi cảm xúc tiêu cực
- Thăm khám và điều trị sớm tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần
- Trong quá trình điều trị, tuần thủ theo phác đồ, không tự ý ngưng bỏ thuốc, có sự tham vấn với bác sĩ chuyên khoa.
- Khi giao tiếp, trò chuyện với người trầm cảm, hãy tránh việc đưa ra lời khuyên mà thay vào đó hãy cho họ biết rằng bạn ở đó vì họ, để lắng nghe, chia sẻ.
Trên đây là một số chia sẻ kinh nghiệm vượt qua trầm cảm. Dẫu biết sẽ không có công thức chung cho tất cả trường hợp, câu chuyện của người bệnh đang trải qua, hy vọng vẫn có nội dung hữu ích để người bệnh, người thân có thể tham khảo.
Nguồn tham khảo:
- https://thanhnien.vn/toi-la-nguoi-tram-cam-hanh-trinh-tu-chua-lanh-don-nhan-mon-qua-tu-bong-toi-1851447034.htm
- https://thanhnien.vn/hotline-lang-nghe-nguoi-tram-cam-noi-chia-se-ma-khong-lo-so-bi-phan-xet-1851441145.htm
- https://www.mind.org.uk/information-support/your-stories/living-with-depression-my-experience/