Rối loạn cảm xúc là gì? Các rối loạn cảm xúc phổ biến
Trong cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng hiện nay, rối loạn cảm xúc: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,... ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng mất cân bằng và khó kiểm soát cảm xúc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, mà còn tác động mạnh đến cuộc sống và mối quan hệ xã hội.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Văn Hải - Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai
Trong cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng hiện nay, rối loạn cảm xúc: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,... ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng mất cân bằng và khó kiểm soát cảm xúc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn tác động mạnh đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Trong quá trình điều trị, đồng hành cùng người bệnh, bạn có thể hiểu rõ hơn về rối loạn cảm xúc, từ nguyên nhân đến cách quản lý hiệu quả,... qua bài viết dưới đây.
Người bị rối loạn cảm xúc có tâm trạng thường xuyên thay đổi: vui vẻ, buồn bã, tức giận,... - Ảnh: Canva
RỐI LOẠN CẢM XÚC LÀ GÌ?
Theo từ điển tâm lý học của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, rối loạn cảm xúc bao gồm các rối loạn tâm lý mà một người có "phản ứng cảm xúc một cách không phù hợp hoặc quá mức so với nguyên nhân gây ra."
Hay nói cách khác, rối loạn cảm xúc là tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng chủ yếu đến trạng thái cảm xúc, rối loạn có thể gây ra nỗi buồn, sự phấn chấn và/hoặc sự tức giận kéo dài.
Tâm trạng mọi người thay đổi tùy theo tình huống là điều bình thường. Tuy nhiên, để chẩn đoán rối loạn cảm xúc, các triệu chứng phải xuất hiện trong vài tuần hoặc lâu hơn. Rối loạn cảm xúc có thể gây ra những thay đổi trong hành vi của người bệnh và có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày tại nơi làm việc hoặc trường học.
CÁC RỐI LOẠN CẢM XÚC PHỔ BIẾN
Hai trong số những rối loạn cảm xúc phổ biến nhất là trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Trầm cảm
Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến. Các triệu chứng trầm cảm bao gồm cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích trước đây,... Tình trạng này cũng có thể gây khó khăn về suy nghĩ, sa sút trí tuệ, thay đổi khẩu vị, chán ăn và mất ngủ. Để một người được chẩn đoán mắc trầm cảm, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất hai tuần.
Có nhiều loại trầm cảm khác nhau, bao gồm:
- Trầm cảm sau sinh: Loại trầm cảm này xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh con. Chị em trải qua những thay đổi về nội tiết tố, thể chất, cảm xúc và tác động từ các yếu tố gia đình, xã hội, tài chính,... sau khi sinh con. Những thay đổi này có thể dẫn đến triệu chứng trầm cảm sau sinh.
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng: Đây là một dạng trầm cảm mãn tính phải kéo dài ít nhất 2 năm. Các triệu chứng đôi khi có thể giảm bớt mức độ nghiêm trọng trong một thời gian.
- Trầm cảm nặng: Đây là loại trầm cảm kết hợp với các triệu chứng loạn thần, chẳng hạn như ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những điều mà người khác không thấy) hoặc ảo tưởng (có niềm tin cố định nhưng sai lầm). Những người bị trầm cảm kèm theo loạn thần có nguy cơ tự tử cao hơn. Triệu chứng loạn thần có ảo thanh chi phối hành vi, như xúi giục nhảy lầu hay thắt cổ.
- Trầm cảm theo mùa (Rối loạn cảm xúc theo mùa): Loại trầm cảm này xảy ra vào những mùa nhất định trong năm, thường bắt đầu vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông và kéo dài cho đến mùa xuân hoặc mùa hè. Bệnh có xu hướng biến mất hoặc giảm đi trong mùa xuân và mùa hè.
Trầm cảm là trạng thái bệnh lý rối loạn cảm xúc - Ảnh: Canva
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần, người bị rối loạn lưỡng cực có những thay đổi mạnh mẽ về tâm trạng, mức năng lượng, lối suy nghĩ và hành vi, được gọi là các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm. Các giai đoạn này có thể thay đổi lẫn nhau, mặc dù nhiều bệnh nhân thường có ưu thế một cực này hơn cực kia.
Có 4 loại rối loạn lưỡng cực cơ bản, bao gồm:
- Rối loạn lưỡng cực I: Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực I đã trải qua một hoặc nhiều giai đoạn hưng cảm. Trong thực tế, ngoài giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp, bệnh nhân thường có thêm một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm chủ yếu.
- Rối loạn lưỡng cực II: Được xác định bởi sự có mặt của các giai đoạn trầm cảm chủ yếu với ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ nhưng không có các giai đoạn hưng cảm đầy đủ. Người mắc bệnh này cũng trải qua chứng hưng cảm nhẹ, một dạng hưng cảm ít nghiêm trọng hơn. Giai đoạn hưng cảm nhẹ không dữ dội hoặc gây rối loạn. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực II thường có thể đảm đương được các công việc hàng ngày.
- Rối loạn lưỡng cực chu kỳ: Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực chu kỳ có trạng thái tâm trạng không ổn định mãn tính. Họ trải qua giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm nhẹ trong ít nhất hai năm.
- Rối loạn lưỡng cực không biệt định: Các rối loạn với đặc tính lưỡng cực rõ ràng không đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể cho các rối loạn lưỡng cực khác, nhưng mọi người vẫn có những thay đổi tâm trạng bất thường, đáng kể.
Rối loạn lo âu không được coi là rối loạn cảm xúc, mặc dù ảnh hưởng đến tâm trạng và thường xảy ra cùng với các rối loạn cảm xúc đã đề cập ở trên. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn stress sau sang chấn cũng không được coi là rối loạn cảm xúc.
DẤU HIỆU RỐI LOẠN CẢM XÚC
Mỗi rối loạn cảm xúc có các triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, rối loạn cảm xúc thường có các triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, hành vi ăn uống, mức năng lượng và khả năng tư duy (chẳng hạn như suy nghĩ hoặc tập trung).
Ví dụ, các triệu chứng trầm cảm bao gồm:
- Cảm thấy buồn bã hết thời gian hoặc gần như mỗi ngày.
- Thiếu năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
- Cảm thấy bản thân vô giá trị.
- Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát.
- Khó tập trung.
- Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ.
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
- Với rối loạn lưỡng cực, các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm hoặc hưng cảm bao gồm:
- Cảm thấy cực kỳ tràn đầy sinh lực hoặc phấn chấn.
- Lời nói hoặc hành động động nhanh chóng.
- Kích động, bồn chồn hoặc khó chịu.
- Hành vi chấp nhận rủi ro, chẳng hạn như tiêu nhiều tiền hơn bình thường hoặc lái xe liều lĩnh.
- Ý nghĩ hoang tưởng.
- Mất ngủ hoặc khó ngủ.
NGUYÊN NHÂN GÂY RỐI LOẠN CẢM XÚC
Có một số yếu tố góp phần vào sự phát triển của chứng rối loạn cảm xúc, bao gồm:
- Yếu tố sinh học: Các vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc, tinh thần là vùng amygdala (hạch hạnh nhân) và vỏ não trán ổ mắt. Những người bị rối loạn cảm xúc đã được chứng minh là có hạch hạnh nhân to ra trong các chẩn đoán hình ảnh não.
- Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc rối loạn cảm xúc có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn cảm xúc hơn, điều này cho thấy chứng rối loạn cảm xúc có thể một phần là do di truyền.
- Yếu tố môi trường: Những thay đổi căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như cái chết của người thân, sự kiện đau thương và lạm dụng thời thơ ấu là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển của rối loạn cảm xúc sau này trong cuộc sống, đặc biệt là trầm cảm. Trầm cảm cũng có liên quan đến các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh Parkinson và bệnh tim.
THĂM KHÁM RỐI LOẠ N CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO?
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải các triệu chứng rối loạn cảm xúc, bác sĩ có thể thực hiện khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc thiếu vitamin,...
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có thành viên mắc chứng rối loạn cảm xúc hay bất kỳ bệnh lý sức khỏe tâm thần nào không,... Người bệnh có thể được chỉ định thăm khám chuyên sâu với bác sĩ tâm thần để chẩn đoán, đánh giá tình trạng cụ thể
Việc điều trị rối loạn cảm xúc phụ thuộc vào tình trạng và triệu chứng cụ thể. Thông thường, việc điều trị bao gồm sự kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Điều quan trọng cần nhớ là rối loạn cảm xúc có thể điều trị được. Mặc dù có thể mất một thời gian để tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp nhưng hãy kiên trì để cảm thấy tốt hơn, cải thiện sức khỏe tâm thần, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Liên hệ ngay hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ cũng như hẹn lịch khám với các bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa trong thời gian sớm nhất!
Nguồn tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17843-mood-disorder
- https://www.healthline.com/health/emotional-disorders