Dấu hiệu trầm cảm nặng là gì? Trầm cảm nặng có chữa được không?

06/07/2024 01:05

Những trường hợp mắc phải dấu hiệu trầm cảm nặng có thể dẫn đến các hành động nguy hiểm, tổn hại cơ thể như tự tử, tự hành hạ bản thân, mất kiểm soát cảm xúc,... Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn hay người thân xung quanh đang mắc phải trầm cảm nặng?

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Nguyễn Hoàng Yến - Bác sĩ khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai

Những trường hợp mắc phải dấu hiệu trầm cảm nặng có thể dẫn đến các hành động nguy hiểm, tổn hại cơ thể như tự tử, tự hành hạ bản thân, mất kiểm soát cảm xúc,... Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn hay người thân xung quanh đang mắc phải trầm cảm nặng?

HIỂU BIẾT CHUNG VỀ BỆNH TRẦM CẢM

Xã hội hiện đại phát triển ngày càng nhanh chóng khiến đại đa số mọi người chịu áp lực từ nhiều phương diện khác nhau. Nhiều người chưa coi trọng sức khỏe tinh thần, dẫn đến tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm gia tăng đột ngột, theo một nghiên cứu vào năm 2018. 

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một nhánh nhỏ trong chứng rối loạn tâm thần. Người mắc bệnh trầm cảm dễ bị rối loạn cảm xúc, có tinh thần tiêu cực và không có hứng thú trong bất kỳ hoạt động hàng ngày nào. 

Trầm cảm có 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Một người có nhiều dấu hiệu trầm cảm trong thời gian dài thì được xác định ở mức độ càng cao. Nhìn chung, rối loạn trầm cảm có sự ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tinh thần người bệnh, công việc và các mối quan hệ xung quanh.

tram-cam-nang-02.png

Trầm cảm do nhiều nguyên nhân gây ra và gây tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày - Ảnh: freepik

Nguyên nhân gây ra trầm cảm

Yếu tố tâm lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng trầm cảm. Những cú sốc trong cuộc sống, sự thay đổi đột ngột, cảm giác chán nản, thất vọng,... kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định khiến người bình thường dễ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc. 

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến thường thấy ở bệnh nhân trầm cảm:

  • Mắc bệnh lý hoặc chấn thương vùng não: u não, chất thương sọ não, viêm não,... gây tổn thương cấu trúc não
  • Căng thẳng lâu ngày do nhiều yếu tố khác nhau: công việc, mối quan hệ gia đình - người thân - bạn bè, áp lực tài chính, thi cử,...
  • Tiêu thụ chất kích thích: sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, đồ uống có cồn hay các loại ma túy tổng hợp gây ức chế não, sinh ra ảo giác và cảm xúc thất thường

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, di truyền và môi trường là hai trong số các nguyên nhân khách quan khiến một người bộc phát các triệu chứng của bệnh rối loạn trầm cảm

Về mặt di truyền, những bệnh nhân trầm cảm thường có người thân là bố hoặc mẹ đã từng bị rối loạn trầm cảm. Hoặc, nếu 1 trong 2 người song sinh cùng trứng mắc các dấu hiệu bất ổn về cảm xúc, tỉ lệ người còn lại chịu các dấu hiệu tương tự là rất cao.

Mặt khác, môi trường không lành mạnh, bị ô nhiễm dễ gây ra rối loạn điều hòa nội tiết thần kinh. Điều này khiến các vùng trong hệ thần kinh bị ức chế, ảnh hưởng đến cảm xúc. Từ đó, các dấu hiệu trầm cảm xuất hiện và có thể trở nặng nếu không thay đổi môi trường sống tích cực. 

DẤU HIỆU TRẦM CẢM NẶNG

So với mức độ nhẹ và vừa, người bị trầm cảm nặng có các triệu chứng mang tính cực đoan với tần suất xuất hiện dày đặc. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có xu hướng hành động tiêu cực, nghĩ đến việc tự tử và nỗ lực thực hiện hành vi tự tử hoặc các hành vi tự gây tổn thương cho cơ thể.

Những triệu chứng cụ thể của người trầm cảm nặng

Người mắc bệnh trầm cảm có biểu hiện khí sắc nhợt nhạt trên gương mặt và mất hứng thú trong mọi hoạt động hàng ngày liên tục 2 tuần. Người bệnh được xác định đang ở giai đoạn trầm cảm nặng khi có hầu hết các dấu hiệu sau đây:

Mất ngủ, ngủ quá nhiều hoặc quá ít

Bệnh nhân trầm cảm nặng thường bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Bệnh nhân mất ngủ liên tục nhiều đêm, ngủ không sâu, khó đi vào giấc. Ngược lại, có nhóm người bệnh trầm cảm ngủ quá nhiều nhưng không thể hồi phục năng lượng sau khi thức giấc. Cơ thể luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi và trong cơn thèm ngủ. 

Ăn uống thất thường

Người bị rối loạn trầm cảm là một trong các đối tượng khó kiểm soát cân nặng. Do khẩu vị thay đổi, họ có thể tăng/giảm cân nặng đột ngột trong thời gian ngắn. Một số bệnh nhân ở tình trạng tệ hơn khi không làm chủ được cơn thèm ăn. Họ thường xuyên nạp đường, chất béo,... liên tục vào cơ thể dẫn đến nguy cơ béo phì đi kèm. 

Tinh thần sa sút, tâm trạng dễ kích động, buồn bã

Rối loạn cảm xúc là điều dễ nhận thấy ở nhóm bệnh nhân trầm cảm. Các đối tượng này luôn trong trạng thái ủ rũ, chán nản và thất vọng về bản thân. Họ dễ bị kích động bởi những lý do không đáng, dễ tức giận và suy nghĩ tiêu cực. Nhiều bệnh nhân trầm cảm không cảm nhận được sự sinh động của thế giới xung quanh và nhìn mọi thứ trong trạng thái ảm đạm. 

Gương mặt cau có, giao tiếp bằng mắt kém, biểu hiện cảm xúc chậm chạp hoặc không phản ứng là những dấu hiệu kèm theo có thể thấy rõ trên gương mặt người bệnh. 

Suy nghĩ tiêu cực đến hành vi tự sát

Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm nặng đều có ý định tự sát và tổn thương cơ thể theo cách tiêu cực. Ý nghĩ tự sát thường xuất hiện chớp nhoáng và tái diễn khoảng 1 - 2 lần/tuần. Tần suất suy nghĩ càng nhiều dẫn đến khả năng tự tử càng cao ở đối tượng mắc trầm cảm nặng.

Người bệnh khi đã có ý định tự sát hoặc chủ động tổn thương cơ thể có thể:

  • Luôn có dụng cụ nguy hiểm bên người hoặc xung quanh nhà
  • Cảm xúc tuyệt vọng, cho rằng bản thân không có giá trị, là gánh nặng của người thân
  • Đã lên kế hoạch về thời gian, địa điểm tự tử
  • Để lại thư tuyệt mệnh hay thông báo cho những người có mối quan hệ thân thiết.

Những người đã có ý định tự tử trong quá khứ có tỉ lệ cao tiếp tục thực hiện hành vi này nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thông qua những dấu hiệu liên quan. 

tram-cam-nang-04.png

Có ý định tự sát là dấu hiệu rõ nhất của chứng trầm cảm nặng - Ảnh: freepik

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực này, nhiều bệnh nhân trầm cảm cho rằng họ mong muốn bản thân được giải thoát khỏi cảm xúc đau khổ và tuyệt vọng kéo dài. Các phương pháp trị liệu hay thậm chí sử dụng các chất kích thích không làm cho họ thoát khỏi ám ảnh tiêu cực về tinh thần.

Ai dễ mắc bệnh trầm cảm nặng?

Bất cứ ai có những dấu hiệu trầm cảm lâu ngày hoặc đang ở trong giai đoạn trầm cảm nhẹ đến vừa đều có nguy cơ bị trầm cảm nặng.

Nhóm tuổi từ 18 - 45 là đối tượng dễ mắc trầm cảm hơn so với các độ tuổi khác. Đối tượng này trong nhóm tuổi lao động, chịu nhiều sự thay đổi hay cột mốc quan trọng trong cuộc sống, áp lực từ học tập, công việc, tài chính, gia đình và nhiều yêu cầu khắt khe của xã hội. Do đó, những người trong khoảng từ 18 - 45 tuổi dễ mắc phải trầm cảm nặng nếu không quan tâm và bỏ lơ các triệu chứng nhẹ ban đầu. 

Mặt khác, một số nghiên cứu đã chỉ ra và phân loại các nhóm đối tượng phổ biến có tỉ lệ trầm cảm nặng cao hơn so với người bình thường. Các nhóm đối tượng này bao gồm:

  • Nhóm người trải qua biến cố: chịu cú sốc, sang chấn tâm lý bởi các sự kiện liên quan đến tiền bạc, tài chính, đổ vỡ trong hôn nhân, áp lực từ phía gia đình, công việc,...
  • Học sinh, sinh viên: áp lực học tập, thi cử, kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ về điểm số, thành tích,...
  • Nhóm người khuyết tật, cơ thể khiếm khuyết, bệnh nan y: những người mất đi các bộ phận cơ thể bẩm sinh hoặc do tai nạn, người mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm khó chữa trị, người bị tổn thương hoặc có vần đề về não.
  • Phụ nữ sau sinh: hoocmon thay đổi khiến tâm trạng cực kỳ nhạy cảm, sinh hoạt thất thường, thiếu ngủ vì chăm sóc con, áp lực tài chính, chăm sóc gia đình,...
  • Người sử dụng chất kích thích thường xuyên

Trầm cảm nặng ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống?

Giai đoạn trầm cảm nặng có tác động tiêu cực rất nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh cũng như người thân xung quanh. Vì vậy, ngay từ khi có những biểu hiện khác thường về mặt tinh thần liên tục trong 2 tuần, bạn hãy đến các bệnh viện, phòng khám hoặc gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

Tinh thần sa sút kéo dài khiến người bệnh mắc chứng khó tập trung, khiến công việc/học tập/thi cử có kết quả không tốt. Mặt khác, tình trạng rối loạn cảm xúc khiến người bệnh e dè, tự ti và hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, chuỗi các suy nghĩ tiêu cực khiến người bệnh chủ động tổn hại cơ thể và duy trì ý định tự sát cho đến khi thực hiện hành vi nguy hiểm này. 

Trầm cảm nặng còn khiến người bệnh mất ngủ liên tục trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của não bộ, gây cảm giác uể oải, mỏi mệt, mất tập trung thay vì phục hồi cơ thể sau khi thức dậy. Bên cạnh đó, các bộ phận khác của cơ thể cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lối sống không lành mạnh của người mắc bệnh trầm cảm nặng. 

TRẦM CẢM NẶNG CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

Trầm cảm nặng có thể điều trị và buộc phải điều trị càng sớm càng tốt trước khi bệnh nhân thực hiện hành vi tự tử hoặc các hoạt động gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ thể.

Bệnh nhân trầm cảm nặng nên được nhập viện để quá trình điều trị diễn ra liên tục và bác sĩ tâm thần có thể theo dõi sát sao tiến triển bệnh. Ở giai đoạn nặng, người bị trầm cảm được điều trị chủ yếu qua các phương pháp:

  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm
  • Phương pháp tâm lý trị liệu
  • Điều trị bằng sốc điện (ECT)

Kiểm soát trầm​​​​​​​ cảm bằng thuốc 

Dựa trên nhiều yếu tố khác nhau mà bác sĩ sẽ kê thuốc chống trầm cảm phù hợp cho từng bệnh nhân. Điều trị trầm cảm bằng thuốc là quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người bệnh và thân nhân của người bệnh. Thuốc phải được uống liên tục theo chỉ định của bác sĩ. Ngưng thuốc đột ngột không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.  

Bệnh nhân đang điều trị trầm cảm bằng thuốc cần được theo dõi sát sao từ người nhà và bác sĩ, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu điều trị nhằm kịp thời ngăn chặn các triệu chứng phát triển theo chiều hướng xấu. 

Một số thành phần có trong thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai nhi và trẻ sơ sinh. Do đó, đối tượng người bị trầm cảm là phụ nữ trong hay sau quá trình mang thai sẽ được kê các loại thuốc phù hợp, không gây hại đến sức khỏe em bé.

Phương pháp trị liệu tâm lý

Sử dụng trị liệu tâm lý trong điều trị trầm cảm là phương pháp phổ biến mang lại kết quả khả quan cho nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng. Người bệnh được nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, được tư vấn và mở nút thắt cảm xúc, tâm trạng, đồng thời giải quyết vấn đề mà bản thân đang gặp phải.

Dù liệu pháp tâm lý được áp dụng nhiều hơn cả trong điều trị tầm cảm nhẹ, song nhiều nghiên cứu cũng ghi lại phương pháp này có tỉ lệ cải thiện cao ở những bệnh nhân trầm cảm nặng. Nhìn chung, trị liệu tâm lý có thể giúp người bệnh:

  • Xác định những yếu tố, nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm
  • Điều chỉnh suy nghĩ và hành vi theo lối tích cực
  • Dần kiểm soát cảm xúc và hành vi tiêu cực, buông bỏ thất vọng, tức giận vô lý

tram-cam-nang-03.png

Trị liệu tâm lý là một trong những liệu pháp điều trị hiệu quả trầm cảm nặng - Ảnh: freepik

Phương pháp sốc​​​​​​​ điện (ECT)

Bệnh nhân mắc phải rối loạn trầm cảm nặng cần phải sử dụng phương pháp sốc điện (ECT) để cải thiện tình trạng bệnh. 

Sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ sử dụng xung điện để gây ra các cơn co giật lên não thông qua các điện cực được gắn trên não. Liệu trình ECT được tiến hành khoảng 2 - 3 lần/tuần tùy vào tình trạng và khả năng đáp ứng của cơ thể người bệnh với liệu pháp này. 

Liệu pháp sốc điện (ECT) không “kinh dị” hay nguy hiểm như nhiều thông tin sai lệch. Thủ thuật này chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đả được gây mê toàn thân và có miếng chặn trong miệng. Do đó, ECT không gây ra đau đớn. Mặt khác, các cơn co giật do ECT tạo ra có thể kiểm soát và chỉ được tiếp tục khi cơ thể người bệnh phản ứng tích cực với các kích thích điện. 

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm khá giống với nhiều mặt bệnh phổ biến khác. Vì thế, nhiều người có thái độ chủ quan dẫn đến tỉ lệ người bệnh ở giai đoạn trầm cảm nặng ngày càng tăng cao.

Chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình và người thân là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trầm cảm nặng. Có ý thức vận động, tập thể dục thường xuyên và trò chuyện cùng người thân hay chuyên gia tâm lý sẽ giúp hạn chế và gỡ bỏ các suy nghĩ tiêu cực - một trong những nguyên nhân chính gây nên chứng trầm cảm nặng.

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC

Dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
Dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
06/07/2024 01:05
Hiện nay lứa tuổi học sinh là một trong những đối tượng mắc trầm cảm ngày càng gia tăng. Đây là điều đáng báo động cho phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội. Vậy dấu hiệu trầm cảm ở học sinh là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm ra lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!
Trầm cảm - kẻ "sát nhân" thầm lặng
Trầm cảm - kẻ "sát nhân" thầm lặng
06/07/2024 01:05
Trầm cảm – Kẻ sát nhân thầm lặng, đây là nỗi sợ hãi của rất nhiều người trong thời hiện đại. Vậy thực hư vì sao căn bệnh này được xem là kẻ sát nhân thầm lặng? Ngay sau đây bài viết sẽ lý giải nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm đang là mối lo ngại của xã hội hiện nay.
Nhận biết dấu hiệu trầm cảm nặng
Nhận biết dấu hiệu trầm cảm nặng
06/07/2024 01:05
Bệnh trầm cảm được chia làm 3 mức độ là trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Để xác định được người bệnh ở giai đoạn nào cần dựa vào các dấu hiệu của bệnh. Vậy dấu hiệu trầm cảm nặng là gì?
Trầm cảm có tự khỏi được không?
Trầm cảm có tự khỏi được không?
06/07/2024 01:05
Trầm cảm – một căn bệnh đáng sợ, kẻ sát nhân thầm lặng. Mỗi năm, có hàng nghìn người tự sát chỉ vì căn bệnh này. Chính vì thế, có rất nhiều bệnh nhân quan tâm trầm cảm có tự khỏi không? Trầm cảm chữa được không? Đây cũng chính là nội dung sẽ được chúng tôi đề cập ngay sau đây.
Những điều phụ huynh cần biết về trầm cảm ở trẻ
Những điều phụ huynh cần biết về trầm cảm ở trẻ
06/07/2024 01:05
Mặc dù hầu hết mọi người thường nghĩ rằng, trầm cảm là căn bệnh của người lớn, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể bị trầm cảm. Trong đó, nhiều trẻ em bị trầm cảm không được điều trị vì người lớn không nhận ra vấn đề con em mình gặp phải.