Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu): nguyên nhân và cách nhận biết
Trầm cảm ẩn hay còn gọi là trầm cảm che giấu là một trong các dạng bệnh lâm sàng của chứng rối loạn trầm cảm. Căn bệnh này không có nhiều triệu chứng điển hình, chủ yếu sẽ là những dấu hiệu đau mãn tính ở nhiều cơ quan trên cơ thể.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Nguyễn Hoàng Yến - Bác sĩ hiện đang công tác tại khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai.
Trầm cảm ẩn hay còn gọi là trầm cảm che giấu là một trong các dạng bệnh lâm sàng của chứng rối loạn trầm cảm. Căn bệnh này không có nhiều triệu chứng điển hình, chủ yếu sẽ là những dấu hiệu đau mãn tính ở nhiều cơ quan trên cơ thể.
Trầm cảm ẩn không có nhiều triệu chứng điển hình - Ảnh: Canva
TRẦM CẢM ẨN LÀ BỆNH GÌ?
Trầm cảm ẩn còn được gọi với tên là trầm cảm che giấu hoặc Masked Depression. Đây là một trong những bệnh lâm sàng của chứng rối loạn trầm cảm phổ biến hiện nay. Những người bệnh trầm cảm thường sẽ rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, không còn sức sống và hứng thú đối với những hoạt động xảy ra trong cuộc sống xung quanh.
Tình trạng này sẽ kéo dài và xuất hiện liên tục tối thiểu 2 tuần. Nếu người bệnh không thể kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bệnh, nhiều nguy cơ gia tăng khả năng tự sát ở người bệnh.
Còn đối với tình trạng trầm cảm ẩn, đây được xem là một trong các dạng rối loạn cảm xúc không điển hình. Người bệnh không có quá nhiều các triệu chứng về cảm xúc, tâm lý mà chủ yếu là những cơn đau mãn tính kéo dài như đau lưng, đau đầu, đau lưỡi, đau răng,...
Bệnh nhân sẽ thường xuyên than vãn về tình trạng đau nhức của bản thân, những triệu chứng tâm lý sẽ được che giấu bởi các rối loạn cơ thể hay rối loạn thần kinh thực vật, khiến cho người bệnh nhận định sai về tình trạng sức khỏe của bản thân. Do đó, hầu hết những người mắc phải chứng trầm cảm ẩn đều không có nhận thức chính xác về vấn đề mà bản thân đang gặp phải.
Cũng giống như căn bệnh trầm cảm điển hình, trầm cảm ẩn có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên tỉ lệ gặp ở nữ giới sẽ cao hơn so với nam giới. Mặt khác, vì những biểu hiện của bệnh không điển hình nên quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, người bệnh cũng sẽ chịu nhiều áp lực hơn về mặt thời gian, tiền bạc cho việc thăm khám.
Hầu hết những người mắc phải chứng trầm cảm ẩn đều không có nhận thức chính xác về vấn đề mà bản thân đang gặp phải - Ảnh: Canva
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRẦM CẢM ẨN
Hiện nay, hầu hết những thể bệnh rối loạn trầm cảm đều chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, đối với trầm cảm ẩn, các chuyên gia cũng đưa ra được một số yếu tố cho thể làm cho các triệu chứng bệnh khởi phát như sau:
1. Nguyên nhân nội sinh
Trầm cảm che giấu có thể xuất phát từ những rối loạn của các chất dẫn truyền bên trong não bộ, ví dụ như noradrenaline, serotonin, dopamine,….Những chất này sẽ có nhiệm vụ chi phối tư duy, cảm xúc, hành vi của con người. Do đó, khi các thành phần này bị rối loạn và không đảm bảo được chức năng của mình sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về tâm lý, từ đó dẫn đến các căn bệnh như trầm cảm ẩn, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu,…
2. Các bệnh thực thể ở não bộ
Một số bệnh thực thể ở não bộ như u não, viêm não, chấn thương sọ não,…cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm ẩn. Não là cơ quan quan trọng giúp chi phối hành vi, cảm xúc, tư duy của con người. Vì thế khi não bộ bị tổn thương có thể làm suy giảm ngưỡng chịu đựng stress và làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh tâm thần, trong đó có trầm cảm ẩn.
3. Chấn thương tâm lý
Chấn thương tâm lý là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ra hàng loạt các bệnh về tâm thần như trầm cảm rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cảm xúc,….Các chuyên gia cho biết rằng, những người từng trải qua các chấn thương về tâm lý như phá sản, ly hôn, mất mát người thân, thất nghiệp, bị lạm dụng tình dục,…sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với bình thường.
Thông thường, não bộ của con người sẽ có khả năng ứng phó tốt với những căng thẳng, áp lực trong một khoảng giới hạn nào đó. Vì thế, nếu sự việc xảy ra vượt qua ngưỡng chịu đựng của một người sẽ khiến họ rơi vào trạng thái hoảng loạn, bi quan, lâu dần sẽ gây ra căn bệnh trầm cảm. Đây cũng được xem là một trong các yếu tố có mối quan hệ mật thiết với chứng trầm cảm ẩn.
4. Lạm dụng chất gây nghiện
Sử dụng một số chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, ma túy sẽ tạo cho con người cảm giác hưng phấn, thoải mái. Thế nhưng khi sử dụng quá nhiều các chất này sẽ làm ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra rất nhiều triệu chứng tiêu cực như buồn chán, nhức đầu, mệt mỏi, tuyệt vọng.
5. Một số yếu tố nguy cơ
Bên cạnh những nguyên nhân có thể gây nên bệnh trầm cảm ẩn đã được nêu trên thì bệnh lý này cũng nhiều khả năng khởi phát bởi một số yếu tố nguy cơ sau đây:
- Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh.
- Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
- Những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực, căng thẳng hoặc làm việc với cường độ cao trong khoảng thời gian kéo dài.
- Những trẻ từng bị tổn thương về tâm lý hoặc thường xuyên thay đổi môi trường sống.
CÁCH NHẬN BIẾT TRẦM CẢM ẨN
Người bệnh trầm cảm ẩn thường không có những triệu chứng điển hình về cảm xúc, tâm trạng. Tuy nhiên, điều này không xuất phát từ ý muốn của người bệnh mà chủ yếu là do bệnh nhân không thể nhận biết được các vấn đề mà cơ thể đang gặp phải. Khác với trầm cảm cười, trầm cảm che giấu thường sẽ có biểu hiện đặc trưng bởi các triệu chứng đau mãn tính cùng với rối loạn cảm xúc mờ nhạt.
Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết bạn trầm cảm ẩn mà bạn nên chú ý:
1. Thói quen sinh hoạt, ăn ngủ bất thường
Giấc ngủ luôn được xem là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sức khỏe tổng thể của mỗi người. Vì thế, nếu giấc ngủ bị rối loạn, có thể mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều cũng thể là một trong các biểu hiện để nhận biết các vấn đề của cơ thể, đặc biệt là bệnh trầm cảm.
Bên cạnh đó, một số người bị trầm cảm ẩn còn cố gắng ăn uống thật nhiều để có thể giảm bớt những phiền muộn có trong lòng. Họ nghĩ rằng việc ăn uống hoặc sử dụng các chất kích thích có thể giúp họ cải thiện được cảm xúc và tâm trạng hiện tại. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp người bệnh không còn hứng thú đối với việc ăn uống, họ cảm thấy chán ăn và ăn không ngon miệng.
2. Luôn giữ vẻ mặt vui vẻ
Biểu hiện này khá giống với chứng trầm cảm cười, tuy nhiên đối với những người bị trầm cảm ẩn đôi lúc họ không thể nhận ra được vấn đề của bản thân. Chủ yếu họ không muốn người khác chú ý hoặc quan tâm quá nhiều đến những yếu điểm của họ, vì thế họ sẽ có xu hướng muốn che giấu cảm xúc hoặc đơn giản là những cảm xúc đó được thay thế bằng sự rối loạn thể chất.
Tuy nhiên, nếu có thể thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với người bệnh, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong suy nghĩ và tâm lý của họ. Mặt khác, những người bị trầm cảm ẩn lại không muốn dành nhiều thời gian để giao tiếp với những người xung quanh, họ luôn cố gắng né tránh và tìm lý do để từ chối những buổi gặp mặt, tiệc tùng.
Người bệnh có xu hướng muốn che giấu cảm xúc, luôn tỏ ra vui vẻ - Ảnh: Canva
3. Nói nhiều về các triết lý
Những người mắc phải chứng bệnh trầm cảm ẩn có thể thường xuyên nói về những triết lý trong cuộc sống. Chẳng hạn như họ sẽ luôn nhắc đến ý nghĩa của cuốc sống hoặc một số vấn đề làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại của họ.
Một số trường hợp họ cũng có thể cởi mở chia sẻ về những cảm giác, suy nghĩ muốn tự làm hại bản thân hoặc nói về cái chết. Khi thường xuyên nhắc về những chủ đề này có thể họ đang phải đấu tranh với những khó khăn đang xảy ra trong nội tâm mà không thể chia sẻ với bất kì ai.
4. Cố gắng che giấu tình trạng bệnh
Đa phần những người bị trầm cảm ẩn đều có xu hướng muốn che đậy những tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Họ có thể có ý định muốn nói về chúng và đặt một buổi hẹn với các bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, khi đến giờ hẹn họ lại nhanh chóng thay đổi quyết định của mình.
Tình trạng này sẽ thường xuyên diễn ra trong tâm trí của bệnh nhân, họ luôn phải đấu tranh giữa việc nói và không nói. Thông thường, tâm lý của người bệnh sẽ không muốn người khác nhìn thấy được những điểm yếu của bản thân. Do đó, nếu một người trầm cảm ẩn tìm cách chia sẻ và thổ lộ vấn đề của họ với bất kì ai, chứng tỏ họ đang trong trạng thái suy sụp và tuyệt vọng đến cực độ.
5. Dễ xúc động
Khi bị trầm cảm ẩn sẽ khiến con người trở nên dễ xúc động hơn so với bình thường. Họ sẽ có sự thay đổi đột ngột trong cảm xúc và khả năng chịu đựng của bản thân. Ví dụ như một người trước đây không dễ khóc nhưng khi bị bệnh lại bỗng dưng rơi nước mắt khi xem một đoạn clip lãng mạn.
6. Nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực
Không chỉ riêng người bị trầm cảm ẩn mà hầu hết những người mắc phải chứng bệnh trầm cảm đều sẽ có cái nhìn tiêu cực về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Họ luôn đánh giá các sự việc, hoạt động xung quanh theo hướng bi quan và dần mất đi niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên họ sẽ ít cảm thấy đau buồn hay tổn thương bởi những sự việc xảy ra xung quanh, cũng không có ý định muốn tự sát.
7. Một số biểu hiện về thể chất
Như đã đề cập ở trên, những người bị trầm cảm ẩn đều không có các biểu hiện cụ thể và rõ ràng về cảm xúc, suy nghĩ. Người bệnh sẽ có những đặc trưng bởi các triệu chứng của cơ thể như:
- Người bệnh sẽ thường xuyên đau nhức như đau đầu, đau lưng, đau tay hoặc không thể xác định được vị trí đau.
- Rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như đau bụng, táo bón,…
- Thường xuyên mệt mỏi, thiếu sức sống
Nguồn: Sưu tầm