Rối loạn lo âu: cách điều trị và những lưu ý người bệnh cần nắm rõ
Rối loạn lo âu có thể điều trị khỏi hoàn toàn với phác đồ điều trị kết hợp giữa các phương pháp uống thuốc đều đặn, trị liệu tâm lý kết hợp vận động thường xuyên.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Văn Hải - Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai
Rối loạn lo âu là bệnh lý thần kinh ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống của người bệnh. Do đó, phát hiện sớm và điều trị rối loạn lo âu kịp thời sẽ giúp cân bằng sức khỏe tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Rối loạn lo âu có thể điều trị khỏi hoàn toàn với phác đồ điều trị kết hợp giữa các phương pháp uống thuốc đều đặn, trị liệu tâm lý kết hợp vận động thường xuyên.
HIỂU BIẾT CHUNG VỀ CHỨNG RỐI LOẠN LO ÂU
Có nhiều định nghĩa được nhắc đến khi nói về khái niệm Rối loạn lo âu. Đây là một bệnh lý tâm thần kinh diễn ra khi một người bị rối loạn cảm xúc, căng thẳng quá mức, có trạng thái lo lắng trong một thời gian dài.
Tình trạng căng thẳng, lo lắng tột độ của chứng rối loạn lo âu thường đi kèm với các triệu chứng thần kinh liên quan như: vã mồ hôi, đau đầu, khô miệng, bứt rứt, siết chặt ở ngực, khó chịu vùng thượng vị, bồn chồn không thể đứng yên hay ngồi yên một chỗ.
Theo các nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn lo âu. Việc thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh như Norepinephrine, Serotonin và GABA dẫn đến các nguy cơ về tâm lý, trong đó Serotonin đóng vai trò quan trọng kích hoạt sự vui vẻ, lạc quan ở não bộ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các biểu hiện phổ biến khi một người đang mắc phải rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu là chứng bệnh ngày càng phổ biến, có xu hướng trẻ hóa hiện nay - Ảnh: Practical Axiety Solutions
Người bình thường cũng có khả năng dễ mắc rối loạn lo âu nếu gặp phải các tình huống như:
- Sang chấn tâm lý: xảy ra khi phải chứng kiến các sự việc đau thương, bản thân bị lạm dụng tình dục/sức khỏe trong thời gian dài,...
- Sống trong môi trường bị ô nhiễm, thường xuyên gặp phải áp lực, căng thẳng ở khía cạnh công việc, gia đình
- Tính cách cá nhân có phần hướng nội, ngại giao tiếp, sống thu mình trong không gian riêng
Ngoài các triệu chứng thần kinh đã đề cập, bệnh nhân rối loạn lo âu thường có các dấu hiệu hay trạng thái phổ biến sau:
- Suy nghĩ tiêu cực: họ luôn đau đáu về một sự kiện tiêu cực trong quá khứ hoặc ở hiện tại, không tìm được “lối thoát” và ngày càng để tâm trí chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực
- Đứng ngồi không yên: luôn trong trạng thái đứng lên ngồi xuống, đi lại nhiều lần mà không giữ được bình tĩnh, không thể tập trung suy nghĩ kèm theo những hành động vô thức, dễ cáu gắt với những người xung quanh khi giao tiếp
Một số biểu hiện khác: ăn uống không ngon, thường xuyên mất ngủ, cảm giác mệt mỏi chóng mặt, hoa mắt…
PHÂN BIỆT LO ÂU VÀ SỰ LO LẮNG THÔNG THƯỜNG
Lo lắng là một trong những cảm xúc thường thấy ở con người. Rối loạn lo âu lại là một chứng bệnh thần kinh nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực. Dưới đây là 2 tiêu chí để phân biệt rõ trạng thái lo lắng thông thường và chứng rối loạn lo âu.
Về thời gian và tần suất
Chứng rối loạn lo âu xảy ra và kéo dài từ trước, trong và sau khi sự kiện/vấn đề kết thúc. Nghiêm trọng hơn, những biểu hiện của rối loạn lo âu có thể xảy ra khi một người ở trạng thái bình thường mà không có vấn đề gì xuất hiện. Đó là cảm giác bồn chồn, sợ hãi kèm theo các triệu chứng thần kinh khác. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Mặt khác, sự lo lắng thông thường chỉ diễn ra thoáng qua, trong một khoảng thời gian nhất định. Cảm giác lo lắng sẽ biến mất khi vấn đề đã được giải quyết hoặc sự kiện kết thúc.
Về mức độ ảnh hưởng
Các biểu hiện của chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống, gây suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung khiến kết quả công việc, học tập không được như mong đợi. Người bị rối loạn lo âu cũng có xu hướng né tránh giải quyết các vần đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như hạn chế giao tiếp.
Ngược lại, cảm xúc lo lắng thường đến và đi nhanh chóng, hầu như không để lại ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động trong cuộc sống. Một vài tình huống lo lắng còn là nguồn động lực để thân chủ cố gắng hoàn thành công việc hay giải quyết vấn đề nhanh gọn.
Sự lo lắng thông thường không phải là rối loạn lo âu - Ảnh: Internet
CÁCH CHỮA RỐI LOẠN LO ÂU
Rối loạn lo âu là bệnh lý tâm thần phổ biến. Vì thế, việc kiểm soát và điều trị dứt điểm các triệu chứng của bệnh là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, để việc điều trị diễn ra suôn sẻ và mang lại kết quả tích cực trong thời gian sớm nhất, bệnh nhân cũng như người thân cần lưu ý những điểm sau đây:
- Cần quan sát và phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu. Nếu các triệu chứng kéo dài từ 2 tuần trở lên, thân chủ nên đi khám với các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt
- Nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giỏi để thực hiện kiểm tra, đánh giá lâm sàng toàn diện tình trạng rối loạn lo âu bằng nhiều biện pháp khác nhau.
- Người bệnh cần kiên trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đồng thời thay đổi môi trường sống tích cực hơn, kết hợp vận động và thư giãn để cải thiện trạng thái lo lắng.
Với sự phát triển của y tế, hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh rối loạn lo âu. Phụ thuộc vào mức độ bệnh tình mà các bác sĩ tâm thần hay những chuyên gia tâm lý sẽ đề xuất phác đồ điều trị thích hợp, kết hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau.
Dưới đây là một số cách điều trị rối loạn lo âu đang được áp dụng phổ biến mà bạn đọc có thể tham khảo.
Điều trị bằng thuốc tây
Sau quá trình khám và chẩn đoán lâm sàng, tùy vào mức độ rối loạn lo âu người bệnh đang mắc phải mà bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ kê các loại thuốc điều trị phù hợp. Các loại thuốc này có tác dụng chủ yếu duy trì Serotonin ở mức ổn định, đồng thời làm giảm các triệu chứng thần kinh của bệnh. Một số loại thuốc đặc trưng được kê cho người rối loạn lo âu gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: có tác dụng làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin, Norepinephrine giúp duy trì trạng thái vui vẻ ở người bệnh
- Thuốc chống lo âu: chứa hoạt chất Buspirone giúp kiểm soát tình trạng lo lắng quá mức
- Thuốc an thần: có công dụng thư giãn tinh thần, giảm sự căng thẳng não bộ và hạn chế sự hồi hộp
Nhiều loại thuốc điều trị rối loạn lo âu gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh phải uống thuốc theo đơn do bác sĩ có chuyên môn kê, không tự ý sử dụng hoặc sử dụng quá liều tránh hậu quả lâu dài.
Điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý
Bên cạnh sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý là cách điều trị rối loạn lo âu hiệu quả, có thể áp dụng cho bệnh nhân ở các tình trạng bệnh từ nhẹ đến nặng. Trị liệu tâm lý cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia trị liệu hay bác sĩ tâm thần.
Phương pháp này có tác dụng tích cực ngang với việc sử dụng thuốc nhưng không mang lại tác dụng phụ như thuốc. Tuy nhiên, điều trị rối loạn lo âu bằng trị liệu tâm lý cần nhiều thời gian và sự kiên trì, quyết tâm từ phía bệnh nhân.
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn lo âu như trị liệu tâm lý, dùng thuốc,... - Ảnh: verywell mind
Điều trị bằng thuốc đông y
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số cây thuốc có nguồn gốc từ châu Á mang đến tác dụng tuyệt vời trong điều trị các triệu chứng rối loạn lo âu. Chúng làm giảm căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng.
Thêm vào đó, thuốc đông y còn tốt cho giấc ngủ, khẩu vị và điều hòa nội tiết trong cơ thể, hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị bệnh rối loạn lo âu trong thời gian dài.
Điều trị tại nhà bằng các bài vận động cơ thể
Để tăng hiệu quả của quá trình điều trị bệnh rối loạn lo âu, bệnh nhân nên theo đuổi thói quen tập thể dục thường xuyên tại nhà. Vận động giúp cơ thể thoải mái, tinh thần trở nên sảng khoái hơn. Tập luyện thường xuyên làm tăng GABA - một chất ức chế dẫn truyền thần kinh có khả năng làm dịu não bộ, giảm căng thẳng và lo lắng. Nồng độ GABA trong não ca còn giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả, tốt cho người rối loạn lo âu với triệu chứng mất ngủ thường xuyên.
Bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng như chạy bộ, yoga hay chơi thể thao, tập gym… miễn là duy trì vận động thường xuyên, hạn chế ngắt quãng để hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu liên tục.
Nhìn chung, các bệnh lý tâm thần kinh như rối loạn lo âu có thể điều trị và cần được điều trị từ sớm. Các triệu chứng càng nặng càng gây khó khăn trong việc kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp. Ngay khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe tinh thần, bạn hãy đến các cơ sở y tế, phòng khám tâm lý uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Nguồn:
- https://suckhoedoisong.vn/phan-biet-giua-roi-loan-lo-au-benh-ly-va-lo-au-binh-thuong-169211115090533473.htm
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-trieu-chung-do-roi-loan-lo-au-gay-nen/
- https://tapchitamlyhoc.com/cach-chua-roi-loan-lo-au-tai-nha-529.html
- https://hongngochospital.vn/roi-loan-lo-au-co-chua-duoc-khong/
- http://www.ulifeline.org