Những thông tin cần biết về rối loạn tâm thần do nghiện game
Nghiện game được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa vào nhóm các rối loạn tâm thần. Tình trạng nghiện game nặng gây ra các rối loạn tâm thần như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, tăng động giảm chú ý,...
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Thị Anh Thoa - Bác sĩ điều trị Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương
Nghiện game được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa vào nhóm các rối loạn tâm thần - là bệnh tâm thần cần được điều trị và cai nghiện theo phác đồ riêng. Tình trạng nghiện game nặng gây ra nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất ngủ,.. Do vậy đây luôn là chủ đề được nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Nếu phụ huynh đang có băn khoăn khi con dành thời gian chơi game quá nhiều, không biết có phải dấu hiệu nghiện game hay không,... Phòng khám chia sẻ các thông tin trong bài viết dưới đây.
Nghiện game được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa vào nhóm các rối loạn tâm thần - Ảnh: Canva
RỐI LOẠN TÂM THẦN DO NGHIỆN GAME LÀ GÌ?
Việc chơi game được chứng minh là có tính gây nghiện. Có nhiều lý do giải thích cho việc này, trong đó, những trò chơi điện tử mang đến cho người chơi cảm giác tự chủ và tính chinh phục, làm cho tinh thần người chơi phấn khởi, sảng khoái, thăng hoa khi hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, thậm chí bất kể kết quả thắng hay thua. Từ đó tiếp tục hấp dẫn và gây nghiện.
Nghiện game được định nghĩa là sự suy giảm khả năng kiểm soát hoặc không thể kiểm soát việc chơi game, người bệnh tăng mức độ ưu tiên cho việc chơi game hơn các hoạt động khác và coi việc chơi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, đồng thời họ tiếp tục hoặc tăng thời gian chơi game bất chấp việc xảy ra hậu quả tiêu cực. Nếu tình trạng này kéo dài 12 tháng sẽ được coi là tình trạng "Bệnh nghiện game"
Tình trạng nghiện game nặng có thể gây ra nhiều rối loạn tâm thần như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý,... Người bệnh trong những giai đoạn nặng có thể không còn phân biệt được giữa game và đời thực dẫn đến những suy nghĩ, hành vi bất thường, có tính chất nguy hiểm chẳng hạn như hành vi tự tử.
Với trẻ ở trong độ tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, bởi ban đầu, nhiều trẻ chỉ chơi game để giải trí, giải tỏa căng thẳng với thời gian 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày. Sau đó, nếu không được kiểm soát, thời gian chơi có thể tăng lên rồi phụ thuộc hẳn.
Trẻ có thể tự cô lập bản thân, ở lì trong nhà, thường xuyên bỏ học, không quan tâm đến mọi việc và chìm đắm vào chơi game. Khi không được chơi, tâm lý trẻ trở nên bất thường, cáu gắt, quát tháo, phản ứng mạnh mẽ với mọi người, thậm chí có trường hợp dọa tự sát.
DẤU HIỆU RỐI LOẠN TÂM THẦN DO NGHIỆN GAME
Cha mẹ, người thân có thể quan sát các dấu hiệu nghiện game, có thể có rối loạn tâm thần do nghiện game dưới đây:
- Không thể kiểm soát được việc chơi game, chơi không ngừng nghỉ. Khi không được chơi sẽ khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán.
- Ưu tiên chơi game hơn các sở thích khác. Mất đi các sở thích trước đây, coi việc chơi game như một cách thoát khỏi tâm trạng xấu.
- Tiếp tục chơi game bất chấp các ảnh hưởng, hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến công việc, học tập, sinh hoạt, mối quan hệ gia đình, bạn bè,...
- Người nghiện game có khí sắc giảm, mất quan tâm, hứng thú với mọi thứ, người mệt mỏi, ăn ngủ thất thường, suy giảm đáng kể khả năng giao tiếp xã hội,...
- Người nghiện game không vận động thể chất trong một thời gian dài dẫn tới việc thay đổi tâm thần vận động, bao gồm vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ngôn ngữ ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói.
Không thể kiểm soát được việc chơi game, chơi không ngừng nghỉ - Ảnh: Canva
NGHIỆN GAME VÀ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN
Nghiện game và trầm cảm
Những game thủ nghiện trò chơi điện tử phần lớn thường gặp vấn đề về trầm cảm. Tình trạng này xảy ra do thói quen thu mình, tập trung cho việc chơi game, không quan tâm đến sở thích và vấn đề khác,...
Mặc dù vậy, chơi game không phải là nguyên nhân trực tiếp gây trầm cảm. Nhưng những người dễ mắc vấn đề sức khỏe tâm thần này có thể phát triển thói quen chơi game không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống.
Nghiện game và rối loạn lo âu
Đối với hầu hết mọi người, ban đầu, chơi game như một cách để giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cơn nghiện bắt đầu hình thành, người bệnh có thể thấy chơi game là lối thoát duy nhất khỏi những vấn đề, những căng thẳng trong cuộc sống. Việc không chơi game nữa có thể gây ra căng thẳng lớn hơn.
Các chuyên gia cho rằng, khi chơi game - có hiện tượng tăng dopamine trong một thời gian dài, làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
Nghiện game và rối loạn giấc ngủ
Việc chơi game liên tục, tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian dài gây rối loạn đồng hồ sinh học, rối loạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, người chơi có thể bị ám ảnh quá mức bởi các nhân vật, thành tích trong game và suy nghĩ nhiều đến game online khiến cho hệ thần kinh bị kích thích liên tục, khó chìm vào giấc ngủ.
Người nghiện game còn không có nhu cầu ngủ do cảm giác thèm muốn chơi game xuất hiện liên tục, có thể dành cả đêm để chơi game. Tất cả những tác động này đều ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Nếu không có biện pháp cải thiện, chất lượng giấc ngủ sẽ ngày một đi xuống dẫn đến nhiều vấn đề cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NGHIỆN GAME
Nghiện game và rối loạn tâm thần do nghiện game là kết quả tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, một số yếu tố quan trọng bao gồm:
- Tính cách: Những người có tính cách dễ nghiện, dễ bị ảnh hưởng bởi sự kích thích và ít kiểm soát được hành vi của mình có nguy cơ cao hơn bị rối loạn tâm thần do nghiện game.
- Gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Các vấn đề tâm lý như cảm giác cô đơn, căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm có thể làm cho người chơi dễ dàng nghiện game như một cách để trốn khỏi thực tại và giảm bớt những cảm xúc không thoải mái.
- Môi trường xã hội: Môi trường xã hội có thể có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển rối loạn tâm thần do nghiện game. Việc tiếp xúc với nhóm bạn nghiện chơi game và sự chỉ trích hoặc thiếu sự quan tâm từ gia đình, bạn bè có thể tạo ra môi trường dễ "khuyến khích" người nghiện game.
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TÂM THẦN DO NGHIỆN GAME
Tình trạng nghiện game cũng như các rối loạn tâm thần do nghiện game có thể điều trị bằng cách kết hợp liệu pháp hành vi, tâm lý trị liệu,...
Trong đó, nổi bật là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh xem xét kỹ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Người bệnh sẽ hiểu suy nghĩ của mình ảnh hưởng đến hành động như thế nào và có thể loại bỏ những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, ám ảnh, đồng thời học cách áp dụng những khuôn mẫu và thói quen suy nghĩ lành mạnh hơn.
Trong trường hợp người nghiện game được chẩn đoán mắc một tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD),... bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng của các tình trạng này.
Nếu bạn lo lắng con cái, người thân có khả năng bị nghiện game và các vấn đề rối loạn tâm thần liên quan hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được thăm khám, tư vấn và điều trị trong thời gian sớm nhất. Việc điều trị sớm giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và rút ngắn thời gian điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
Chơi game là hình thức giải trí, giải tỏa căng thẳng quen thuộc. Tuy nhiên sự gia tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến việc chơi trò chơi điện tử quá mức trong giới trẻ là đáng báo động. Cha mẹ nên để ý, kiểm soát thời gian chơi game của trẻ đồng thời dành thời gian cùng con thực hiện các hoạt động khác mỗi ngày. Bên cạnh đó nên theo dõi thường xuyên các thay đổi trong hành vi của trẻ để kịp thời thăm khám.
Nguồn tham khảo: