Các dấu hiệu đặc trưng của stress

05/07/2024 23:57

Việc nhận biết các triệu chứng căng thẳng có thể khó hơn bạn nghĩ. Chỉ khi các dấu hiệu này ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, suy nghĩ và sức khỏe, ta mới nhận ra tình trạng stress của bản thân đã nghiêm trọng tới mức nào.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết - Bác sĩ khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Stress – hay căng thẳng - ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Bạn có thể cảm nhận các triệu chứng căng thẳng trong thời gian bận rộn ở nơi làm việc, quản lý các vấn đề tài chính hoặc khi đối mặt với một mối quan hệ. Căng thẳng ở khắp mọi nơi. Một số có lợi cho tâm trạng và bộ não nhưng quá nhiều stress trong thời gian dài có thể khiến bạn suy sụp cả về tinh thần lẫn thể chất. 

Bước đầu tiên để kiểm soát stress là nhận biết các triệu chứng của bệnh. Dù vậy, việc nhận biết các triệu chứng căng thẳng có thể khó hơn bạn nghĩ. Hầu hết chúng ta đều đã quá quen với tình trạng lo lắng, mất tập trung… Chỉ khi các dấu hiệu này ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, suy nghĩ và sức khỏe, ta mới nhận ra tình trạng stress của bản thân đã nghiêm trọng tới mức nào.

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ STRESS

Stress là phản ứng của cơ thể trước những tình huống có hại, gây bất lợi cho chúng ta. Khi cảm thấy bị đe dọa, cơ thể sẽ sản sinh phản ứng hóa học cho phép người đó hành động để ngăn ngừa sự nguy hiểm hay thương tích. Phản ứng này được gọi là "chiến đấu hay bỏ chạy" (fight or flight) hay còn được biết đến là phản ứng căng thẳng.

Khi phản ứng căng thẳng xảy ra, nhịp tim của bạn sẽ tăng lên, nhịp thở nhanh hơn, cơ bắp căng cứng và huyết áp tăng. Đó là cách cơ thể tự bảo vệ mình và hối thúc bạn có những hành động cụ thể trong tình huống nguy cấp.

emotional-young-woman-was-depressed-sofa_1150-15515.jpg

Stress kéo theo sự sụp đổ cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần - Ảnh: Freepik

DẤU HIỆU CỦA STRESS LÀ GÌ?

Stress ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn, bao gồm cảm xúc, hành vi, khả năng tư duy và sức khỏe thể chất. Không có bộ phận nào của cơ thể có thể tránh khỏi tác động của những triệu chứng căng thẳng. 

Tuy nhiên, vì mỗi người có những đặc điểm, tính cách và điều kiện sống khác nhau nên các triệu chứng stress cũng có thể khác nhau. Các triệu chứng này khá mơ hồ và có thể giống với một số dấu hiệu do tình trạng bệnh lý gây ra. 

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân loại triệu chứng của stress thành các nhóm cụ thể như sau:

Về mặt cảm xúc

  • Dễ bị kích động, suy nghĩ nhiều, thất vọng và ủ rũ
  • Cảm thấy choáng ngợp, như thể mất kiểm soát
  • Gặp khó khăn trong việc thư giãn, tập trung và làm dịu tâm trí
  • Cảm thấy tồi tệ về bản thân, cô đơn, vô dụng và chán nản
  • Hạn chế giao tiếp xã hội

black-white-shot-lonely-female-standing-front-windows-looking-buildings_181624-26508.jpg

Stress mãn tính dễ tách biệt mình với xã hội - Ảnh: Freepik

Về mặt thể chất

  • Không có năng lượng ở bất cứ thời điểm nào trong ngày
  • Nhức đầu
  • Đau dạ dày, bao gồm tiêu chảy, táo bón và buồn nôn
  • Đau nhức cơ bắp đột ngột
  • Đau ngực và nhịp tim nhanh
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
  • Cảm lạnh thường xuyên
  • Mất hoặc giảm ham muốn và/hoặc khả năng tình dục
  • Lo lắng, run rẩy, ù tai, tay chân lạnh hoặc ra mồ hôi
  • Khô miệng và khó nuốt
  • Có tật nghiến răng trong khi ngủ

Về mặt nhận thức

  • Thường xuyên lo lắng
  • Ý nghĩ hoang tưởng
  • Hay quên, có lối sống vô tổ chức
  • Không có khả năng tập trung
  • Khả năng đánh giá sự vật, sự việc kém
  • Bi quan hoặc chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề

Về mặt hành vi

  • Thay đổi khẩu vị - không ăn hoặc ăn quá nhiều
  • Trì hoãn và trốn tránh trách nhiệm
  • Sử dụng nhiều rượu, ma túy hoặc thuốc lá
  • Có nhiều hành vi lo lắng hơn, chẳng hạn như cắn móng tay, bồn chồn và đi đi lại lại

Một số người bị stress mãn tính thậm chí không có khả năng kiểm soát cảm xúc và có những biểu hiện nghiêm trọng hơn, cụ thể:

  • Uống rượu quá nhiều hoặc quá thường xuyên.
  • Bài bạc.
  • Ăn quá nhiều hoặc phát triển chứng rối loạn ăn uống.
  • Tham gia vào các hoạt động tình dục, mua sắm hoặc truy cập internet một cách cưỡng bức.
  • Hút thuốc.
  • Sử dụng ma túy.

sad-curly-woman-looking-cake-during-diet-blonde-gorgeous-female-model-posing-with-fruits-pizza_197531-9706.jpg

Stress gây ra chứng rối loạn ăn uống gây nguy hiểm cho dạ dày - Ảnh: Freepik

CHẨN ĐOÁN STRESS NHƯ THẾ NÀO?

Stress thường mang tính chủ quan, do đó không thể đo lường chính xác được chỉ bằng các bài kiểm tra, càng không thể thực hiện những chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để khẳng định một người đang mắc phải stress. Chỉ người trải qua stress mới có thể xác định liệu mình có đang bị căng thẳng quá mức hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh. 

Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần hay những chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng bảng câu hỏi, thang đánh giá tâm lý chuyên nghiệp để chẩn đoán mức độ và sự ảnh hưởng của căng thẳng đến cuộc sống của người bệnh.

HẬU QUẢ CỦA STRESS KÉO DÀI NẾU KHÔNG ĐIỀU TRỊ SỚM

Một chút căng thẳng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng căng thẳng mãn tính, kéo dài có thể gây ra hoặc khiến các vấn đề sức khỏe tâm - thể trở nên nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Sức khỏe tâm thần kém đi, dễ mắc phải trầm cảm, lo âu và rối loạn nhân cách
  • Gây ra bệnh tim mạch, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, nhịp tim bất thường, đau tim và đột quỵ
  • Gây ra béo phì và các rối loạn ăn uống khác
  • Các vấn đề kinh nguyệt 
  • Rối loạn chức năng tình dục, chẳng hạn như bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới và mất ham muốn tình dục ở nam và nữ
  • Các vấn đề về da và tóc, chẳng hạn như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, bệnh chàm và rụng tóc vĩnh viễn
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như GERD, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng và đại tràng kích thích

LÀM GÌ KHI CÓ NHỮNG DẤU HIỆU CỦA STRESS?

Stress là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng là cách bạn đối diện và xử lý vấn đề khi bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng ở một thời điểm cụ thể. 

Nếu bạn hoặc người thân cảm thấy căng thẳng quá mức, hãy nói chuyện với bác sĩ. Nhiều triệu chứng stress cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác.

Bác sĩ có thể đánh giá các triệu chứng của bạn và loại trừ các tình huống không liên quan. Nếu nguyên nhân là do stress, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hoặc giới thiệu bạn với một chuyên gia tâm lý uy tín.

Nguồn tham khảo:

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11874-stress 

https://www.webmd.com/balance/stress-management/stress-symptoms-effects_of-stress-on-the-body