Rối loạn nhân cách ái kỷ - hội chứng yêu bản thân thái quá
Rối loạn nhân cách ái kỷ là một tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó người bệnh có ý thức cao một cách vô lý về tầm quan trọng của bản thân (đánh giá quá cao bản thân).
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thành Luân - Bác sĩ Phòng khám Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Rối loạn nhân cách ái kỷ hay hội chứng ái kỷ, tiếng Anh là Narcissistic Personality Disorder - NPD là một bệnh lý tâm thần. Tinh trạng bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc chứng ái kỷ có thể phải vật lộn với cảm giác thất bại hoặc bị từ chối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ LÀ GÌ?
Rối loạn nhân cách ái kỷ là một tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó người bệnh có ý thức cao một cách vô lý về tầm quan trọng của bản thân (đánh giá quá cao bản thân). Họ quan tâm, tìm kiếm sự chú ý và muốn mọi người ngưỡng mộ, tôn trọng mình nhưng lại thiếu khả năng hiểu hoặc quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Những người ái kỷ đánh giá quá cao về bản thân, thể hiện cực kỳ tự tin nhưng đằng sau lớp mặt nạ cực kỳ tự tin này, họ không chắc chắn về giá trị bản thân và dễ dàng khó chịu trước những lời chỉ trích dù là nhỏ nhất.
Người bệnh ái kỷ ý thức cao một cách vô lý về tầm quan trọng của bản thân - Ảnh: Canva
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ
Theo DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm) có 9 triệu chứng nhận biết rối loạn nhân cách ái kỷ, bao gồm:
1. Ý thức lớn lao về tầm quan trọng của bản thân
- Đánh giá quá cao khả năng của bản thân hoặc đặt bản thân vào những tiêu chuẩn cao một cách vô lý.
- Khoe khoang hoặc phóng đại thành tích của bản thân.
2. Thường xuyên tưởng tượng về việc có được hoặc xứng đáng
- Thành công.
- Quyền lực.
- Sự thông minh.
- Sắc đẹp.
- Tình yêu.
- Tự hoàn thiện.
3. Niềm tin vào sự vượt trội
- Nghĩ rằng mình đặc biệt hoặc là trung tâm
- Tin rằng bản thân chỉ nên kết giao với những người mà mình thấy xứng đáng.
4. Cần được ngưỡng mộ
- Lòng tự trọng mong manh.
- Thường xuyên nghi ngờ bản thân, tự phê bình hoặc trống rỗng
- Bận tâm với việc biết người khác nghĩ gì về mình.
- Cố gắng gợi ra lời khen ngợi từ người khác
5. Quyền lợi
- Thổi phồng về giá trị bản thân.
- Mong đợi sự đối xử đặc biệt (ở mức độ không hợp lý).
- Tức giận khi mọi người không phục vụ hoặc xoa dịu họ.
6. Sẵn sàng bóc lột người khác
- Thao túng người khác một cách có ý thức hoặc vô thức.
- Hình thành tình bạn hoặc mối quan hệ với những người nâng cao lòng tự trọng hoặc địa vị của họ.
- Cố tình lợi dụng người khác vì mục đích ích kỷ.
7. Thiếu sự đồng cảm
- Nói những điều có thể làm tổn thương người khác.
- Xem cảm xúc, nhu cầu hoặc mong muốn của người khác là dấu hiệu của sự yếu đuối.
- Không đáp lại lòng tốt hoặc sự quan tâm mà người khác thể hiện.
8. Thường xuyên ghen tị
- Cảm thấy ghen tị với người khác, đặc biệt là khi người khác thành công.
- Mong đợi sự ghen tị từ người khác.
- Coi thường hoặc hạ thấp thành tích của người khác.
9. Kiêu ngạo
- Hành vi khinh thường.
- Cư xử theo cách hợm hĩnh.
- Lên giọng hoặc hành động trịch thượng.
Bên cạnh đó, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cũng có thể thể hiện các hành vi khác như:
- Rút lui khỏi người khác để che giấu cảm giác dễ bị tổn thương.
- Chủ nghĩa hoàn hảo.
- Quá mẫn cảm với những lời chỉ trích, từ chối hoặc thất bại.
- Phản ứng bằng sự tức giận (hoặc thậm chí giận dữ) khi cảm thấy bị chỉ trích hoặc bị từ chối.
- Giả vờ khiêm tốn để che giấu cảm xúc.
- Tránh các tình huống có thể hoặc có khả năng thất bại, điều này có thể hạn chế thành tích.
Người bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ đánh giá quá cao khả năng bản thân, nghĩ mình đặc biệt, là trung tâm - Ảnh: Canva
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ái kỷ chưa được nghiên cứu rõ nhưng có thể được liên kết với các vấn đề:
- Cách nuôi dạy con cái: Việc nuông chiều, bảo vệ con cái quá mức có thể khiến đứa trẻ lớn lên mong đợi và đòi hỏi sự đối xử từ người khách tương tự như cách mà chúng nhận được từ cha mẹ, những người trong gia đình. Điều này cũng có thể khiến trẻ không học được cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân, góp phần gây khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc khi mọi thứ không theo ý muốn.
- Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu: Có thể có mối liên hệ giữa những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu: bị từ chối, bị bỏ rơi và thiếu sự hỗ trợ trong thời thơ ấu,... với sự phát triển những đặc điểm của tính tự ái.
- Di truyền: Ái kỷ có thể liên quan đến những đặc điểm di truyền, bao gồm cả những đặc điểm tính cách nhất định.
- Sinh học thần kinh: Đây là sự kết nối giữa bộ não, hành vi và suy nghĩ. Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ thường có những khác biệt nhỏ trong cấu trúc não. Tuy vậy các chuyên gia không chắc liệu đó có phải là nguyên nhân gây ra hội chứng này.
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ẢI KỶ CÓ ĐÁNG LO NGẠI KHÔNG?
Rối loạn nhân cách ái kỷ ở mức độ nặng có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Những người mắc chứng ái kỷ nặng thường hung hăng, chống đối và ít đồng cảm với cảm xúc, nhu cầu của người khác. Họ có thể phản ứng với sự giận dữ hoặc khinh thường hoặc có thể phản công ác liệt.
Bên cạnh đó, những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ có các tình trạng rối loạn tâm thần khác có thể gặp nhiều vấn đề hơn. Các bệnh lý đồng diễn khác với rối loạn nhân cách ái kỷ, bao gồm:
- Rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn lưỡng cực: Lo âu và trầm cảm có nhiều khả năng xảy ra ở những người mắc hội chứng ái kỷ. Rối loạn lưỡng cực cũng phổ biến hơn ở những người mắc ái kỷ.
- Các rối loạn nhân cách khác: Ví dụ như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) và rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện: Những người mắc chứng ái kỷ có thể sử dụng rượu hoặc chất kích thích khi thực tế không đáp ứng được mong đợi.
- Rối loạn dạng cơ thể: Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ cũng có thể mắc chứng rối loạn dạng cơ thể. Những cảm giác tiêu cực về cơ thể và ngoại hình có thể khiến điều này dễ xảy ra hơn.
- Tự tử: Những người mắc chứng ái kỷ có thể bị trầm cảm tột độ hoặc thậm chí tuyệt vọng khi đối mặt với thử thách, thất bại hoặc bị từ chối.
RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Việc điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ thường liên quan đến một số hình thức tâm lý trị liệu. Trong trường hợp người bệnh có các bệnh lý đồng diễn, triệu chứng liên quan đến các tình trạng như lo âu hoặc trầm cảm, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của các tình trạng liên quan.
SỐNG CHUNG VỚI NGƯỜI THÂN CÓ HỘI CHỨNG ÁI KỶ
Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ có thể không tự mình nhìn thấy các dấu hiệu và triệu chứng. Thông thường, gia đình, bạn bè hoặc người thân có thể là những người đầu tiên nghi ngờ ai đó mắc hội chứng này. Nếu bạn nghi ngờ ai đó mắc rối loạn nhân cách ái kỷ, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Bạn không thể thay đổi người bệnh ái kỷ: Người duy nhất có thể thay đổi hành vi của họ là chính họ. Mặc dù bạn có thể cảm thấy thất vọng vì người thân không sẵn lòng thay đổi, nhưng hãy nhớ rằng đó không phải lỗi của bạn.
- Hãy bình tĩnh và đừng coi mọi việc là cá nhân: Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể cố gắng chống đối hoặc gây ra phản ứng, đặc biệt là khi bị đả kích. Đừng coi đó là chuyện cá nhân và đừng đáp lại.
- Đặt ranh giới lành mạnh: Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường cố gắng một cách có ý thức hoặc vô thức để đạt được điều họ muốn bằng cách đến gặp người khác. Nếu bạn có người thân mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, việc thiết lập những ranh giới lành mạnh có thể là cần thiết. Việc này có thể khó khăn nhưng việc nhượng bộ trước những yêu cầu của họ sẽ không giúp ích được gì (và có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn).
- Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính bản thân bạn: Những người có người thân mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cũng nên cân nhắc đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Việc này gúp bạn giải quyết tốt hơn những cảm xúc và khó khăn xung quanh, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho bản thân về cách đối phó với những ảnh hưởng của tình trạng này ở người thân yêu.
- Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo: Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ có nguy cơ tử vong do tự tử cao hơn. Nếu bạn nghi ngờ người thân mắc chứng ái kỷ đang có ý định làm hại bản thân, hãy nói chuyện trực tiếp và đưa người bệnh thăm khám.
Rối loạn nhân cách ái kỷ là bệnh tâm lý dể bị bỏ sót. Nhiều người không biết ái kỷ là gì hay chính mình đang mắc phải căn bệnh này. Bất cứ khi nào bạn phát hiện những người xung quanh hoặc chính bản thân mình đang mắc phải triệu chứng này, hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị.
Để được tư vấn và đặt lịch khám với đích danh các bác sĩ tại Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Yên Hòa, bạn đọc có thể xem thông tin chi tiết tại Website hoặc liên hệ hotline 0983.188.689 hoặc 0866.188.689 để được hỗ trợ:
Nguồn tham khảo: