Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: đừng chủ quan, hãy quan tâm con trẻ
Trầm cảm hay các vấn đề tâm lý nghiêm trọng xuất hiện ngày càng phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên. Có nhiều trường hợp tự tử thương tâm xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ biểu hiện tâm lý bất ổn của trẻ mắc chứng trầm cảm.
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Nguyễn Văn Hải - Bác sĩ Nội trú, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai.
Trầm cảm hay các vấn đề tâm lý nghiêm trọng xuất hiện ngày càng phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên. Có nhiều trường hợp tự tử thương tâm xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ biểu hiện tâm lý bất ổn của trẻ mắc chứng trầm cảm.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có sự quan tâm đặc biệt đến những thay đổi bất thường về mặt tâm sinh lý ở trẻ dẫn đến các triệu chứng của trầm cảm ngày một trở nặng. Hãy cùng Phòng khám Yên Hòa tìm hiểu kỹ hơn về trầm cảm vị thành niên trong bài viết sau.
TRẦM CẢM VÀ CÁC DẤU HIỆU PHỔ BIẾN Ở THANH THIẾU NIÊN
Trầm cảm, hay rối loạn trầm cảm, là tình trạng bất ổn định về tâm lý và cảm xúc, đặc trưng bởi nỗi buồn kéo dài, giảm khí sắc trầm trọng. Người mắc chứng trầm cảm không còn tìm thấy hứng thú hay quan tâm đến hoạt động nào trong sinh hoạt hàng ngày, tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, ủ rũ kéo dài từ 2 tuần trở lên.
Ở mọi độ tuổi, trầm cảm đều có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống người bệnh. Đối với trẻ vị thành niên, các dấu hiệu của rối loạn trầm cảm gây bất lợi rõ nhất về khả năng học tập và khám phá xung quanh.
Có nhiều lý do dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên - Ảnh Internet
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành viên, Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng trầm cảm ở trẻ vị thành niên dễ được nhận biết qua 9 dấu hiệu nổi bật sau:
- Buồn bã, ít nói, ít giao tiếp với mọi người xung quanh hoặc dễ cáu giận, dễ bị kích động bởi những lý do vu vơ.
- Mất quan tâm, thích thú với những điều trước đây trẻ vẫn ham thích.
- Thấy mệt mỏi thường xuyên và cảm giác như không đủ năng lượng để học tập.
- Tự ti về bản thân, thấy mình thua kém bạn bè
- Thấy mình là người vô dụng, nhiều tội lỗi
- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan
- Giảm tập trung đặc biệt trong học tập, kết quả học tập sút kém
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ hay trằn trọc, bồn chồn,...
- Ăn không thấy ngon miệng hoặc ăn quá nhiều
Theo Bác sĩ Nguyễn Tâm Long, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một số trẻ vị thành niên có biểu hiện trầm cảm còn thể hiện ở việc thường xuyên chống đối, phản kháng, không chịu lắng nghe ý kiến từ mọi người.
Mặt khác, trẻ có xu hướng ngừng tiếp nhận thông tin, thậm chí có hiện tượng nổi loạn khi bị tấn công bằng lời nói hay hành động cụ thể. Hành vi nổi loạn này thường bị hiểu lầm là đặc trưng của độ tuổi dậy thì ẩm ương thay vì là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA TRẦM CẢM Ở ĐỘ TUỔI NÀY
Theo một số thống kê vào năm 2022, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 14 - 19 tuổi được chẩn đoán mắc các hội chứng tâm lý, điển hình là trầm cảm là 4 - 5%. Con số này có dấu hiệu tiếp tục tăng cao trong những năm tiếp theo.
Nghiên cứu sàng lọc tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội do Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện năm 2020 - 2021 cho thấy, tỷ lệ trầm cảm vị thành niên là 26,1%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên. Phần lớn xuất phát từ tác động của môi trường học tập và gia đình, các mối quan hệ bạn bè khiến trẻ trở nên tự ti, biểu hiện tâm sinh lý thay đổi ở lứa tuổi này, một vài cú sốc hoặc sang chấn tâm lý mà trẻ không may mắn phải trải qua.
Một số nguyên nhân chính gây nên trầm cảm ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể kể đến:
- Di truyền: Trẻ có bố mẹ hoặc người thân mắc chứng trầm cảm có tỷ lệ mắc phải bệnh này cao gấp 3 lần so với bạn bè cùng trang lứa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, xuất hiện ở 40% số trẻ vị thành niên trầm cảm theo nghiên cứu của Mỹ.
- Chấn thương tâm lý: độ tuổi dậy thì là thời điểm tâm lý dễ gặp nhạy cảm, nếu không may gặp phải những tình huống như bị lạm dụng, kết quả học tập kém, mất đi người thân yêu, biến cố gia đình, trẻ dễ dàng thu mình, trở nên ít giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
- Áp lực học tập: chịu áp lực lớn về thành tích học tập từ gia đình, thầy cô khiến trẻ không còn thời gian tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi, thể chất khiến trẻ mất tự tin về bản thân, cảm thấy xấu hổ, tự ti và thất bại. Những cảm xúc tiêu cực này là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tự tử đáng tiếc.
Nên đưa con trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khi có dấu hiệu trầm cảm - Ảnh Internet
TRẦM CẢM ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN TRẺ VỊ THÀNH NIÊN?
Trầm cảm phát triển thành 3 giai đoạn khá c nhau: trầm cảm nhẹ, vừa và nặng. Cho dù ở giai đoạn nào, các triệu chứng của trầm cảm cũng có tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt và học tập của trẻ.
Ở thể nhẹ, trẻ thường cảm thấy không vui, ủ rũ, trầm buồn kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập. Nặng hơn, trẻ có thể chống đối, phản kháng những quyết định, hành động của người thân trái với mong muốn của chúng. Các hành vi tự làm hại cơ thể hay thậm chí tự sát là biểu hiện nguy hiểm cho thấy trẻ đã bị trầm cảm nghiêm trọng.
Do đó, khi trẻ có dấu hiệu bất thường trong hành vi, suy nghĩ hay cách cư xử, bố mẹ nên đưa con đến ngay các trung tâm trị liệu tâm lý uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON TRẺ MẮC CHỨNG TRẦM CẢM?
Rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên có thể điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần có sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ con trẻ trong suốt quá trình điều trị để kiểm soát đồng thời mang lại hiệu quả tích cực sau mỗi liệu trình điều trị bệnh trầm cảm.
Đồng hành, chia sẻ cùng con trẻ
Cha mẹ hãy dành thời gian khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế ở trong không gian hẹp quá lâu. Hãy cùng con đạp xe, đi dạo, trò chuyện, nấu ăn… để giúp trẻ trở nên tích cực hơn. Điều này cũng giúp phụ huynh được gần gũi cùng con, cho con mở lòng chia sẻ về những điều đã trải qua.
Bảo vệ trẻ khỏi những đ iều căng thẳng
Loại bỏ những áp lực về thành tích học tập, giúp con tránh xa môi trường bạo lực, căng thẳng. Bản thân các bậc phụ huynh cũng nên kiểm soát và có hành động đúng đắn, bình tĩnh trước những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống vì đó là những hành vi mô phạm mà trẻ có thể quan sát và bắt chước theo.
Cha mẹ cũng hạn chế trách mắng con trẻ khi chúng phạm sai lầm, thay vào đó hãy chia sẻ thẳng thắn, phân tích cho trẻ hiểu để trẻ không phạm sai lầm tương tự trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy, sống trong môi trường bạo lực gia đình làm tăng nguy cơ trầm cảm và hiện tượng nổi loạn ở trẻ vị thành niên cao hơn nhiều so với bất cứ nguyên nhân nào.
Phụ huynh hãy chủ động đồng hành và chia sẻ cùng con trẻ - Ảnh: Inernet
Đảm bảo sức khỏe thể chất cho trẻ
Trẻ mắc chứng trầm cảm nói chung thường đi kèm với những biểu hiện mất ngủ, rối loạn ăn uống, giảm vận động gây mệt mỏi. Do đó cha mẹ cần chú ý khuyến khích trẻ bổ sung các dưỡng chất đầy đủ bằng những món ăn hấp dẫn, nhiều màu sắc, giúp trẻ tái lập lối sống tích cực, vận động thường xuyên để cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Bên cạnh đó, phụ huynh hãy giúp con kết nối lại với thế giới bên ngoài thông qua đi du lịch, tham gia các hoạt động ngoài giờ ở trường cùng con, mời bạn bè thân thiết đến chơi nhà.
Tuổi dậy thì với nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý và thể chất, vì thế người làm cha mẹ đừng nên thờ ơ bất cứ biểu hiện khác lạ nào ở con trẻ. Hãy tìm đến các chuyên gia uy tín để được tư vấn và hỗ trợ khi trẻ có những biểu hiện bất thường.
Nguồn tham khảo:
https://benhviennhitrunguong.gov.vn/tram-cam-tre-em-va-vi-thanh-nien.html