Rối loạn tâm thần ở trẻ: căn nguyên của sự bất ổn tâm lý khi trưởng thành
Theo thống kê, vẫn có tới 20% trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn tâm thần khiến trẻ trở nên đau khổ và suy giảm các chức năng liên quan
Bài viết được cố vấn bởi ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết – Bác sĩ tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thời thơ ấu là khoảng thời gian đầy vô tư, vô lo của trẻ. Dù vậy, theo thống kê, vẫn có tới 20% trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn tâm thần khiến trẻ trở nên đau khổ và suy giảm các chức năng liên quan.
Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần càng tăng. Thống kê cho thấy, khoảng 27,9% thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 13 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc từ hai dấu hiệu rối loạn tâm thần trở lên. Mặt khác, các nghiên cứu cũng chỉ ra hầu hết chứng rối loạn sức khỏe tâm thần ở người trưởng thành đều bắt đầu từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở TRẺ EM LÀ GÌ?
Sức khỏe tâm thần là toàn bộ những gì liên quan đến cách một người suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc và hành xử. Chứng rối loạn tâm thần, hay còn được gọi là bệnh rối loạn tâm thần, được hiểu là những thay đổi bất thường trong suy nghĩ, cảm giác, cách cư xử, hành vi gây đau khổ hoặc làm gián đoạn hoạt động của người đó.
Chứng Rối loạn tâm thần trẻ em được định nghĩa là sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong việc phát triển tư duy, hành vi, kỹ năng xã hội hoặc điều chỉnh cảm xúc phù hợp với lứa tuổi. Những vấn đề này khiến trẻ em lo lắng và cản trở khả năng hoạt động ở nhà, ở trường hoặc trong các tình huống xã hội khác.
Khó có thể hình dung hay biết chính xác liệu trẻ có đang mắc chứng Rối loạn tâm thần hay không bởi vì sự phát triển của trẻ luôn có sự thay đổi. Các triệu chứng cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Mặt khác, trẻ có thể không giải thích được cảm giác của mình hoặc lý do cho hành vi khó hiểu.
Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng khiến cha mẹ không nhận thức con mình có các dấu hiệu của rối loạn tâm thần, phổ biến nhất là sự kì thị của họ về căn bệnh này hay thách thức về chi phí hoặc hậu cần của việc điều trị.
Tư duy, hành vi, kỹ năng xã hội hay cảm xúc ở trẻ tâm thần sẽ bị gián đoán phát triển - Ảnh: Internet
11 DẤU HIỆU PHỔ BIẾN CỦA CHỨNG RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở TRẺ
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần uy tín của Mỹ từng cảnh báo về số lượng trẻ em đang phải vật lộn với chứng rối loạn tâm thần không được chẩn đoán. Họ cũng đưa ra danh sách 11 dấu hiệu phổ biến cho thấy một đứa trẻ có thể mắc bệnh tâm thần.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tâm thần thường được phân biệt với hành vi không có vấn đề gì ở chỗ, hành vi đó kéo dài bao lâu, liệu nó có ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của trẻ hay liệu nó có ảnh hưởng đến người khác hay không.
11 dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần ở trẻ bao gồm:
- Cảm thấy rất buồn hoặc thu mình trong không gian riêng từ hai tuần trở lên
- Nghiêm túc làm hại hoặc tự sát hoặc lập kế hoạch để thực hiện các điều này
- Sợ hãi đột ngột mà không có lý do, đôi khi kèm theo tim đập nhanh hoặc thở nhanh
- Đánh nhau thường xuyên, sử dụng vũ khí hoặc muốn làm tổn thương người khác
- Hành vi nghiêm trọng, mất kiểm soát có thể làm tổn thương bản thân hoặc người khác
- Không ăn uống, nôn trớ hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân
- Những lo lắng hoặc sợ hãi sâu sắc cản trở các hoạt động hàng ngày
- Rất khó tập trung
- Sử dụng nhiều lần ma túy hoặc rượu
- Sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng gây ra vấn đề trong các mối quan hệ
- Những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi hoặc tính cách của trẻ
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA CHỨNG RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở TRẺ
Sức khỏe tinh thần tốt là chìa khóa cho sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của mọi trẻ em. Trẻ em cần có sức khỏe tinh thần tốt - không chỉ để đương đầu với thử thách và thích ứng với sự thay đổi mà còn giúp trẻ thấy hài lòng về bản thân, xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác và tận hưởng cuộc sống.
Nguyên nhân chính xác của hầu hết các bệnh tâm thần vẫn chưa được xác định, nhưng nghiên cứu cho thấy, chứng rối loạn tâm thần xảy ra do tác động của nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, sinh học, chấn thương tâm lý và căng thẳng môi trường.
- Di truyền: Bệnh tâm thần có xu hướng di truyền trong gia đình, nghĩa là khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái.
- Sinh học: Một số rối loạn tâm thần có liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh. Chất dẫn truyền thần kinh giúp các tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau. Nếu những chất này mất cân bằng hoặc không hoạt động bình thường, các thông điệp có thể không được truyền đến não một cách chính xác, dẫn đến các triệu chứng của rối loạn tâm thần. Ngoài ra, những khiếm khuyết hoặc tổn thương ở một số khu vực nhất định của não cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.
- Chấn thương tâm lý: Một số bệnh tâm thần có thể được gây ra bởi chấn thương tâm lý ở một thời điểm nhất định, chẳng hạn như bị lạm dụng tình cảm, thể chất hoặc tình dục nghiêm trọng, mất người thân trong gia đình.
- Yếu tố căng thẳng: Những sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương tâm lý có thể gây ra bệnh tâm thần ở một người dễ bị rối loạn tâm thần.
TRẺ THƯỜNG MẮC LOẠI RỐI LOẠN TÂM THẦN NÀO?
Có nhiều dạng rối loạn tâm thần khác nhau được phát hiện ở trẻ. Phổ biến hơn cả, trẻ thường mắc một trong những dạng rối loạn sau đây:
- Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu ở trẻ em là những nỗi sợ hãi, lo lắng dai dẳng làm gián đoạn khả năng tham gia vui chơi, học tập hoặc các tình huống xã hội phù hợp với lứa tuổi điển hình của trẻ. Chẩn đoán chuyên môn bao gồm các triệu chứng về lo âu xã hội, lo âu tổng quát và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): So với hầu hết trẻ em cùng tuổi, trẻ mắc ADHD gặp khó khăn trong khả năng chú ý, có hành vi bốc đồng, hiếu động thái quá hoặc mắc toàn bộ các triệu chứng này.
- Rối loạn phổ tự kỷ (ASD): Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng thần kinh xuất hiện ở thời thơ ấu - thường là trước 3 tuổi. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác với người khác, đa phần thu mình trong không gian riêng với những hành động và suy nghĩ chỉ có trẻ mới hiểu.
- Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống được định nghĩa là sự quan trọng hóa quá mức về hình thể lý tưởng, dẫn đến suy nghĩ ám ảnh về cân nặng và việc giảm cân cũng như thói quen ăn uống và ăn kiêng không an toàn. Rối loạn ăn uống - chẳng hạn như chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn và rối loạn ăn uống - có thể dẫn đến rối loạn chức năng cảm xúc và xã hội cũng như các biến chứng thể chất đe dọa tính mạng.
- Trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác: Trầm cảm là cảm giác buồn bã và mất hứng thú kéo dài làm gián đoạn khả năng hoạt động ở trường và tương tác với người khác của trẻ. Mặt khác, Rối loạn lưỡng cực thường dẫn đến sự thay đổi tâm trạng cực độ giữa trầm cảm và cảm xúc, thúc đẩy hành vi nguy hiểm hoặc không an toàn như tự tử, gây tổn thương bản thân.
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD): PTSD là tình trạng đau khổ về cảm xúc, lo lắng, ký ức đau buồn, ác mộng và hành vi gây rối kéo dài do bạo lực, lạm dụng, thương tích hoặc các sự kiện đau thương khác.
- Tâm thần phân liệt: Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn về nhận thức và suy nghĩ khiến một người mất liên lạc với thực tế (rối loạn tâm thần). Chứng tâm thần phân liệt thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên đến độ tuổi 20 với triệu chứng điển hình là ảo giác, ảo tưởng, rối loạn suy nghĩ và hành vi.
Có nhiều dạng rối loạn tâm thần khác nhau được phát hiện ở trẻ - Ảnh: Internet
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Rối loạn tâm thần, cũng giống như nhiều chứng bệnh khác, cần được điều trị kịp thời và liên tục. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị rối loạn tâm thần cho người lớn nhưng với người bệnh là trẻ em, các phương pháp vẫn chưa quá nhiều và phổ biến.
Tương tự như người lớn, bệnh nhân tâm thần là trẻ em được điều trị bằng phác đồ kết hợp giữa thuốc, tâm lý trị liệu và một số liệu pháp sáng tạo phù hợp cho từng độ tuổi cụ thể.
- Thuốc: Nhiều bệnh tâm thần có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kết hợp với trị liệu. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần ở trẻ em bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc kích thích, thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần.
- Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu giải quyết phản ứng cảm xúc đối với bệnh tâm thần. Đó là một quá trình trong đó các chuyên gia sức khỏe tâm thần giúp trẻ, thường là thanh thiếu niên, hạn chế các triệu chứng xuất hiện bằng cách giao tiếp nông và sâu để người bệnh hiểu rõ tình trạng của mình. Các loại trị liệu tâm lý thường được sử dụng với trẻ em là trị liệu hỗ trợ, hành vi nhận thức, giữa các cá nhân, nhóm và gia đình.
- Liệu pháp sáng tạo: Một số liệu pháp nhất định, chẳng hạn như liệu pháp nghệ thuật hoặc liệu pháp vui chơi, có thể hữu ích, đặc biệt đối với trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình.
LÀM GÌ KHI NGHI NGỜ CON TRẺ MẮC PHẢI CHỨNG RỐI LOẠN TÂM THẦN?
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kế hoạch điều trị cho con trẻ. Nếu quan sát thấy con trẻ có từ 2 dấu hiệu trở lên trong vòng tối thiểu 2 tuần, hãy nghiêm túc:
- Hỏi chuyên gia sức khỏe tâm thần về trường hợp của con để được tư vấn chính xác
- Đăng ký tham gia các chương trình đào tạo dành cho cha mẹ, đặc biệt là những chương trình được thiết kế dành cho cha mẹ có con mắc bệnh tâm thần.
- Khám phá các kỹ thuật quản lý căng thẳng để giúp bạn phản ứng một cách bình tĩnh.
- Tìm cách thư giãn và vui chơi với con bạn.
- Khen ngợi những điểm mạnh và khả năng của con bạn.
- Làm việc với trường học của con bạn để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết.
Phát hiện và điều trị kịp thời ngay khi các triệu chứng rối loạn tâm thần ở trẻ xuất hiện có thể giúp hạn chế các hậu quả nghiêm trọng về sau. Liên hệ ngay Phòng khám Chuyên khoa Yên Hòa để được hỗ trợ tư vấn và ĐẶT LỊCH THĂM KHÁM cùng các bác sĩ tâm thần giỏi tại bệnh viện lớn ở khu vực Hà Nội để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, bình thường cho con trẻ.
Nguồn tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/childrens-health/in-depth/mental-illness-in-children/art-20046577
- https://www.webmd.com/anxiety-panic/mental-health-illness-in-children
- https://www.healthdirect.gov.au/kids-mental-healthhttps://www.healthdirect.gov.au/kids-mental-health
- https://childmind.org/article/11-simple-signs-a-child-may-have-a-psychiatric-disorder/